70 năm giải phóng Thủ đô

Tin tức kinh tế ngày 26/10: thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng thế giới tiếp đà tăng mạnh; thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%; Hà Nội phấn đấu có trên 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 26/10.

Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%

Theo Bộ Tài chính dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 được giao là 1,7 triệu tỷ đồng. Trên cơ sở 9 tháng thực hiện thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023, Bộ Tài chính đánh giá thực hiện cả năm thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 10,1% so dự toán Quốc hội giao, tăng 6,8% so với thực hiện năm 2023.

Tin tức kinh tế ngày 26/10: thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%. Ảnh minh hoạ.
Tin tức kinh tế ngày 26/10: thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%. Ảnh minh hoạ.

Trong số đó thu ngân sách trung ương ước tăng khoảng 100.000 – 110.000 tỷ đồng so dự toán; thu ngân sách địa phương tổng thể ước tăng khoảng 60.000 – 70.000 tỷ đồng so dự toán.

Về chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính ước cả năm chi ngân sách Nhà nước đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 162.300 tỷ đồng, tăng 7,7% so dự toán, chủ yếu từ nguồn ước vượt dự toán thu.

Giá vàng thế giới tiếp đà tăng mạnh

Giá vàng thế giới trong ngày 26/10 giao dịch ở mức 2747,69 USD/ounce, tăng 17,63 USD so kết phiên hôm trước.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 26/10, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 87-89 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn 9999 về mức 87,9 - 88,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu giờ sáng.

Hà Nội phấn đấu có trên 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025 đảm bảo thiết thực, hiệu quả; cùng với đó đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi sản xuất cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trên cả nước. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tăng cường thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; khoảng 40% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Ngoài ra, chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 12%.

Xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 2 lần

Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 9/2024 đạt 13.090 tấn, trị giá 23,12 triệu USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 21,2% về trị giá so với tháng 8/2024; nhưng tăng 21,3% về lượng và tăng 22,5% về trị giá so với tháng 9/2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 9/2024 đạt 1.766 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 0,9% so với tháng 9/2023.

Tính chung, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 105.840 tấn, trị giá 185,65 triệu USD, tăng 29,5% về lượng và tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 9 tháng năm 2024 đạt 1.754 USD/tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng năm 2024, tăng mạnh 245,6% về lượng và tăng 108,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 10.470 tấn, với trị giá 14,94 triệu USD.

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng hơn 21% cùng kỳ

Trong 9 tháng, có 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5%. Bình quân 1 tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. Điều này chứng tỏ khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Nhìn nhận dưới góc độ tài chính ngân hàng, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động lớn cũng phát sinh các vấn đề liên quan đến nợ xấu của ngân hàng. Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, nợ xấu có xu hướng tăng. Tính đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,7%.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh, trong đó có các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua.