Giá vàng nhẫn tăng nhẹ
Giá vàng thế giới trong ngày 29/7 giao ngay ở 2.393,8 USD/ounce, tăng 6,15 USD/ounce so với giá vàng chốt phiên giao dịch.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 29/7, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 77,5 - 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Vàng miếng SJC tiếp tục đứng yên trong phiên giao dịch đầu tuần, trong khi đó, vàng nhẫn bật tăng theo xu hướng tăng của vàng thế giới, cụ thể, công ty SJC giao dịch vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại ở mức 75,55 - 77,05 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tín dụng đổ vào bất động sản tăng mạnh
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính hết tháng 6, tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%. Tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39-40% trong tổng tín dụng bất động sản trong khi tín dụng cho tiêu dùng bất động sản chỉ tăng 1,15%.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2023 đạt khoảng 1,093 triệu tỷ đồng. Như vậy, tính từ đầu năm đến cuối tháng 5/2024, các ngân hàng đã cho các chủ đầu tư dự án vay thêm hơn 112.000 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7/2024 đạt gần 150.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/7, thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 ước tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chi ngân sách ước tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7/2024 ước đạt gần 150.000 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 ước đạt gần 1.200 triệu tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cước vận tải biển có dấu hiệu hạ nhiệt
Trong tuần này, giá cước vận chuyển container từ châu Á đến Mỹ giảm khá mạnh. Đó là bằng chứng mới nhất cho thấy chi phí vận tải biển bắt đầu hạ nhiệt rõ rệt.
Cả 3 chỉ số quan trọng theo dõi giá cước vận tải biển toàn cầu đều ghi nhận mức giảm rõ rệt ở các tuyến thương mại kết nối châu Á với Mỹ.
Theo chỉ số WCI của hãng tư vấn Drewry, hôm 25/7, giá cước vận chuyển 1 container 40 foot (TEU) từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles (Mỹ) giảm còn 6.934 đô la Mỹ, thấp hơn 5% so với trước đó một tuần. Chỉ số XSI của nhà cung cấp dữ liệu vận tải biển Xeneta ghi nhận mức giảm hàng tuần 6% xuống còn 7.322 đô la (TEU) ở tuyến thương mại châu Á - Bờ Tây của Mỹ. Chỉ số FBX của nền tảng đặt chỗ và thanh toán cho dịch vụ vận chuyển quốc tế Freightos cho thấy, giá cước ở tuyến châu Á-Bắc Mỹ giảm 4% trong tuần qua, xuống còn 7.738 đô la/TEU.
Việt Nam thu về gần 962 triệu USD từ xuất khẩu xăng dầu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam trong tháng 6/2024 giảm 38,8% về lượng và giảm 39,6% về kim ngạch so với tháng trước, đạt 123.361 tấn, trị giá 99,4 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu đạt 1.156.224 tấn, trị giá 961,6 triệu USD, tăng 1,03% về lượng và tăng 2,6% về trị giá.
Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, đạt 222.903 tấn, trị giá 183,4 triệu USD, giảm 29,7% về lượng và giảm 31,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 19% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu; riêng trong tháng 6/2024 xuất khẩu xăng dầu sang thị trường Campuchia đạt 25.505 tấn, trị giá 20,3 triệu USD, giảm 42,3% về lượng và giảm 42,1% về trị giá.