Việt Nam xuất siêu gần 21 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm
Thông tin xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9 và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Hải quan cho biết, cán cân thương mại tháng 9/2024 xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2024, xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 9 đạt 65,81 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm 5,72 tỷ USD) so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% (tương ứng giảm 3,74 tỷ USD) so với tháng trước và trị giá nhập khẩu đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 1,98 tỷ USD) so với tháng trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 299,63 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vàng nhẫn lập kỷ lục mới
Giá vàng thế giới trong ngày 5/10 giao dịch ở mức 2.654,3 USD/ounce, giảm 2,2 USD so với giá vàng ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 5/10, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 82 – 84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 82 – 84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 82,85 - 83,6 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, lập lại mức cao kỷ lục.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn SJC loại 1-5 chỉ ở mức 82 – 83,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với kết phiên giao dịch hôm qua.
Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể không tăng lãi suất trong quý IV/2024
Trong bối cảnh lạm phát có xu hướng hạ nhiệt, đồng VND tăng giá trong quý III và nền kinh tế tăng trưởng chậm, Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể không cần tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong IV năm nay.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý III/2024 của Việt Nam sẽ đạt 5,1% so với cùng kỳ (mức tăng GDP trong quý II là 6,9%).
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo đạt 5,2% so với cùng kỳ trong tháng 9 ( tháng 8 đạt 7,9%); tăng trưởng xuất khẩu đạt 6,2% (tháng 8 đạt 14,5%) và xuất khẩu điện tử sẽ tiếp tục được cải thiện.
Nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng tăng lần lượt 4% ( tháng 8 đạt 12,4%) và 4,2% (tháng 8 đạt 9,5%) so với cùng kỳ trong tháng 9. Thặng dư thương mại hàng tháng có thể giảm xuống còn 2,5 tỷ USD ( tháng 8 đạt 4,5 tỷ USD); Việt Nam đã ghi nhận nhiều tháng thặng dư trong năm nay và khu vực ngoại thương vẫn tương đối ổn định.
Hàng hóa qua cảng biển tăng 14%
Theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam, tổng khối lượng hàng hoá thông qua các cảng biển trên cả nước trong 9 tháng qua ước đạt hơn 640 triệu tấn - tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng hàng hoá qua cảng biển liên tục tăng trưởng, cho thấy nền kinh tế đã dần hồi phục.
Hàng xuất khẩu ước đạt hơn 150 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ. Hàng nhập khẩu ước đạt gần 200 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ. Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao nhất đều ở các cảng biển lớn như TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Doanh nghiệp bất động sản khó khăn về vốn
Theo dữ liệu từ Vietstock Finance, đến hết quý II năm nay, lượng tồn kho của 110 doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết là 490.400 tỷ đồng, phần lớn ở các dự án cũ, lượng hàng thành phẩm chưa bán hết.
Lượng hàng tồn kho lớn nhưng giá nhà, đất vẫn tăng cao phi lý bởi hầu hết hàng tồn thuộc phân khúc cao cấp như biệt thự liền kề trong khi nhà giá rẻ đáp ứng nhu cầu ở thực lại khan hiếm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, cho biết: “Hiện cả nước có trên 1.200 dự án tương đương với trên 30 tỷ USD nằm bất động chờ rà soát, thanh tra.
Việc ách tắc pháp lý trong nhiều năm khiến tồn kho bất động sản dở dang liên tục tăng, gây khó cho doanh nghiệp, khiến "sức khỏe" tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản suy yếu. Bên cạnh khó khăn về tồn kho lớn thì việc siết cho vay BĐS từ các ngân hàng cũng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao.