Tin tức kinh tế ngày 5/8/2024: giá vé máy bay vẫn chưa hạ nhiệt

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng thế giới lao dốc; giá vé máy bay vẫn chưa hạ nhiệt; thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 60%… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 5/8.

Giá vàng thế giới lao dốc

Giá vàng thế giới trong ngày 5/8 giao ngay ở 2.428,36 USD/ounce, giảm 13,38 USD so với giá vàng ngày hôm qua.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 5/8, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 78,3 – 79,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 78,3 – 79,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vàng nhẫn tại Bảo tín Mạnh Hải niêm yết ở mức 76,38 - 77,58 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng nhẹ 60.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vé máy bay vẫn chưa hạ nhiệt

Theo các công ty lữ hành TP Hồ Chí Minh, do nhu cầu du lịch vào cuối mùa hè năm nay của người dân đang tăng cao, trong khi giá vé máy bay vẫn chưa hạ nhiệt nên đa số hành khách chuyển sang chọn phương tiện di chuyển là ô tô và tàu hoả.

Tin tức kinh tế ngày 5/8/2024: giá vé máy bay vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh minh hoạ.
Tin tức kinh tế ngày 5/8/2024: giá vé máy bay vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh minh hoạ.

Ghi nhận giá vé máy bay tại các hãng hàng không, chặng từ Hà Nội đến các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo... đều tăng trở lại.

Hiện giá vé các chặng này tăng thêm từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng/vé. Đơn cử như chặng Hà Nội - Côn Đảo (bay nối chuyến), giá vé khứ hồi hạng phổ thông hiện dao động từ 2,4 đến 7 triệu đồng, cao hơn khoảng 1 triệu đồng so với cách đây nửa tháng.

Trong khi đó, hiện nay, các tuyến cao tốc Bắc - Nam đã dần hoàn thiện nên việc di chuyển bằng ô tô đã thuận lợi hơn. Cho nên, nhiều khách hàng đã lựa chọn ô tô, tàu hoả để tiết kiệm chi phí du lịch.

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 60%

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 60% về số lượng và trên 35% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Các kênh thanh toán điện tử đang dẫn đầu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt như ngân hàng internet và ngân hàng di động. Tiếp đó là thanh toán bằng mã QR.

7 tháng, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 11,7%

Báo cáo về tình hình cung ứng điện của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết ngày 25/7, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 174,113 tỷ kWh, cao hơn 11,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 56,06% so với kế hoạch (310,6 tỷ kWh) được phê duyệt.

Riêng trong tháng 7, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục tăng so với trung bình nhiều năm nên một số hồ thủy điện đã thực hiện xả nước theo Quy trình vận hành liên hồ chứa và theo chỉ đạo của Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương.

Các nguồn thủy điện được huy động cao do tình hình thủy văn đã được cải thiện so với đầu năm. Các nguồn nhiệt điện (than, khí) được điều chỉnh huy động theo tình hình vận hành nguồn thủy điện. Các nguồn năng lượng tái tạo được huy động theo khả năng hấp thụ của lưới điện và nhu cầu hệ thống.

Nhãn đặc sản Hưng Yên được giá

Thời điểm này, các nhà vườn, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang bước vào mùa thu hoạch nhãn. Một số giống nhãn đặc sản là nhãn cùi cổ, nhãn cùi vân, nhãn đường phèn được đông đảo khách hàng, thương lái đặt mua.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh hiện trồng khoảng 5.000 ha nhãn; trong đó, có khoảng 1.000 ha trồng các giống nhãn cùi cổ, đường phèn.

Theo một số nhà vườn, với giá bán trung bình của giống nhãn quý tại địa phương được bán được giá cao, trung bình từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí là 120.000 đồng/kg.