Tin tức thế giới hôm nay 2/2: Pháp lần đầu hối thúc Đức ngừng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Pháp lần đầu kêu gọi Đức từ bỏ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2; Nhà Trắng cảnh báo các nhà cung cấp không nên giữ lại vaccine Covid-19… là những tin quốc tế mới nhất trong ngày 2/2.

Pháp kêu gọi Đức từ bỏ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2
Đức nên từ bỏ việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt chống Nga và dựa trên nền tảng vụ bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
 Pháp vừa lên tiếng kêu gọi Đức từ bỏ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Thông tin trên được ông Clement Beaune, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu cho biết hôm 1/2 trên kênh truyền hình France Inter của Pháp.
“Chúng tôi cần phải đi xa hơn, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đang được xem xét nhưng quyết định là thuộc về phía Đức, vì nó nằm ở Đức. Chúng tôi thường xuyên nói rằng chúng tôi có những mối nghi ngờ lớn về tuyến đường ống khí đốt của Nga trong bối cảnh này”, ông Beaune nói.
Theo ông Beaune, Pháp đã chủ trương chấm dứt dự án này. Các biện pháp trừng phạt do tình hình liên quan đến vụ Navalny đã được áp dụng nhưng chúng vẫn chưa đủ.
Trước đó, hôm 24/1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga phải được thực hiện hiệu quả vì vụ bắt giữ chính trị gia đối lập Navalny.
Nhà Trắng cảnh báo các nhà cung cấp không nên giữ lại vaccine
Ngày 1/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lo ngại rằng các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đang tích trữ các liều vaccine ngừa Covid-19 để chủng ngừa cho những người đã được tiêm mũi thứ nhất, cho rằng điều này không nên xảy ra.
Nhà Trắng cảnh báo các nhà cung cấp không nên giữ lại vaccine Covid-19.
Cố vấn cấp cao về Covid-19 của Nhà Trắng Andy Slavitt cho biết: “Chúng tôi tin rằng một số nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường xuyên giữ lại các liều vaccine dự kiến dùng cho lần tiêm thứ nhất, để dự trữ để tiêm nhắc lại."
Theo ông Slavitt, mặc dù chính quyền hiểu lý do tại sao các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã làm điều đó, nhưng đó là điều không cần và không nên xảy ra.
Anh chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP
Theo thông cáo của chính phủ Anh, nước này đã chính thức nộp đơn gia nhập vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thông báo này được đưa ra vào đúng dịp kỷ niệm một năm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - sau 47 năm gắn bó.
Thông cáo cho biết, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liz Truss có cuộc thảo luận với các bộ trường Nhật Bản và New Zealand vào sáng ngày 1/2/2021 để yêu cầu gia nhập vào CPTPP và quy trình đàm phán chính thức sẽ được khởi động trong năm nay. 
 Thủ tướng Anh Boris Johnson 
Việc gia nhập vào CPTPP sẽ giúp vương quốc Anh tiếp cận sâu hơn vào các thị trường đang phát triển nhanh và các nền kinh tế lớn, bao gồm Mexico, Malaysia và Việt Nam.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, nước này đang xây dựng các mối quan hệ đối tác mới nhằm mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân Anh sau một năm rời khỏi EU. 
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liz Truss cho rằng việc gia nhập CPTPP sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Anh khi nước này không còn là một phần của EU và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của nước Anh với các thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. 
UAE thành lập Tòa án không gian giải quyết tranh chấp thương mại
Ngày 1/2, chính quyền Dubai công bố thành lập “Tòa án không gian” chuyên giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến lĩnh vực này.
 Ảnh minh họa
Tòa án trên sẽ đặt trụ sở tại Tòa án Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC), một trung tâm trọng tài độc lập hoạt động dựa trên luật chung. Theo đó, các công ty và tổ chức cả ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và nước ngoài sẽ có thể đưa khiếu nại lên "Tòa án không gian," và các hợp đồng mới có thể chỉ định tòa án trên làm trung gian giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Theo Chánh án tại tòa án DIFC Zaki Azmi, Tòa án không gian là một sáng kiến toàn cầu sẽ góp phần xây dựng một mạng lưới mới hỗ trợ về mặt tư pháp để đáp ứng những nhu cầu của thế giới khám phá không gian vì mục đích thương mại trong thế kỷ thứ 21.