Tin tức thế giới hôm nay 24/11: Ông Biden được thông báo chính thức chuyển giao quyền lực

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đội ngũ của ông Joe Biden được trao quyền chuyển giao quyền lực; nhóm E3 thảo luận về JCPOA… là những tin quốc tế mới nhất trong ngày 24/11.

Ông Biden chính thức được chuyển giao quyền lực
Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) cho phép đội ngũ của ông Joe Biden bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực chính thức.
 Ông Biden được chính thức chuyển giao quyền lực.
Trong thư gửi ông Biden ngày 23/11, Giám đốc GSA Emily Murphy viết bà không bị Nhà Trắng gây áp lực nhằm trì hoãn chuyển giao quyền lực, mà dựa vào pháp luật và tình hình thực tế để ra quyết định.
Đây được xem là bước đầu tiên cho thấy chính quyền Mỹ đã công nhận thất bại của Tổng thống Donald Trump. Điều này cũng đồng nghĩa, đội ngũ của ông Biden hiện sẽ có các quỹ liên bang và một văn phòng chính thức để bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực trong 2 tháng tới.
Tổng thống Trump thông qua Twitter khẳng định GSA cần làm "những gì phải làm liên quan đến những nghi thức ban đầu và tôi cũng đã chỉ đạo nhóm của tôi làm như thế".
"Tôi muốn cảm ơn Giám đốc GSA Emily Murphy vì sự tận tụy và trung thành với đất nước. Bà ấy đã bị quấy rối, đe dọa và lạm dụng, tôi không muốn thấy điều này xảy ra với bà ấy và gia đình, cũng như các nhân viên GSA. Các vụ kiện sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ, tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng" - ông Trump viết trên Twitter.
E3 thảo luận về JCPOA trong bối cảnh Mỹ sắp có chính phủ mới
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 23/11 đã mời những người đồng cấp Pháp và Anh tới Berlin để thảo luận về các bước đi trong thời gian tới liên quan chương trình hạt nhân của Iran.
 Ngoại trưởng Đức, Pháp và Anh vừa có cuộc thảo luận về các bước đi trong thời gian tới liên quan chương trình hạt nhân của Iran.
Nội dung cụ thể cuộc gặp không được tiết lộ, song theo truyền thông Đức, cuộc gặp của ngoại trưởng 3 nước châu Âu (E3) là để chuẩn bị cho sự hợp tác với Mỹ trong thời gian tới theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - văn kiện được ký giữa nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) với Iran năm 2015.
Trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị có chính phủ mới, từ nhiều tuần nay, 3 nước châu Âu tham gia JCPOA đã tích cực thảo luận các biện pháp nhằm nhanh chóng thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran, sau khi Mỹ đã rút khỏi văn kiện và áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết cuộc gặp của nhóm E3 giữa Ngoại trưởng Maas với người đồng cấp Anh Dominic Raab và Pháp Jean-Yves Le Drian ở Berlin, là để tìm ra đường hướng của 3 nước đối với JCPOA trong bối cảnh châu Âu rất kỳ vọng Mỹ sẽ tham gia trở lại JCPOA.
Trước cuộc gặp của E3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cũng kêu gọi Iran tuân thủ các nghĩa vụ trong JCPOA.
Venezuela triển khai các chuyến bay thẳng đầu tiên tới Nga
Cơ quan Hàng không dân dụng quốc gia Venezuela thông báo nước này sẽ triển khai các chuyến bay thẳng đầu tiên tới Nga kể từ ngày 23/11.
 Venezuela triển khai các chuyến bay thẳng đầu tiên tới Nga
Trước đây, các hãng hàng không Nga và Venezuela chưa từng có chuyến bay thẳng giữa hai nước.
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, cơ quan hàng không Nga Rosaviatsia cũng thông báo hãng hàng không quốc gia Venezuela Conviasa đã được cấp phép cho các chuyến bay thẳng giữa Moskva - Caracas, và sẽ được triển khai ngay sau khi lệnh cấm đi lại do dịch Covid-19 được dỡ bỏ.
Theo thông tin được cung cấp bởi nhà chức trách Venezuela, các chuyến bay cũng sẽ cho phép vận chuyển hàng hóa thương mại nhằm tăng cường mối quan hệ hai nước.
Tuần trước, Caracas cũng thông báo việc nối lại các chuyến bay tới một số quốc gia như Cộng hòa Dominicana, Iran, Mexico, Panama và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia quốc tế sắp đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19
Chuyên gia quốc tế có thể sẽ sớm đến Trung Quốc để giúp điều tra nguồn gốc động vật của Covid- 19 trong bối cảnh ca nhiễm vượt 59 triệu.
 Hành khách được đo thân nhiệt tại sân bay Arturo Merino Benitez ở Santiago, Chile.
"Chúng tôi hoàn toàn mong đợi và được các cộng sự trong chính phủ Trung Quốc cam đoan rằng chuyến đi đến thực địa sẽ được tạo điều kiện thuận lợi và càng sớm càng tốt", Giám đốc mảng tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan nói trong cuộc họp trực tuyến hôm 23/11.
"Chúng tôi cần có khả năng để nhóm quốc tế tham gia cùng các cộng sự Trung Quốc và xem xét đánh giá, kết quả của các nghiên cứu và xác minh dữ liệu trên thực địa", Michael Ryan cho biết thêm, đồng thời ca ngợi "lượng lớn cuộc điều tra khoa học" do Trung Quốc thực hiện, nhưng nói rằng các chuyên gia nước ngoài cần phải vào cuộc "để cộng đồng quốc tế có thể yên tâm về chất lượng của khoa học".
WHO cử một nhóm đến Bắc Kinh vào tháng 7 để đặt nền móng cho cuộc điều tra quốc tế, nhưng chưa rõ khi nào nhóm lớn hơn có thể đến Trung Quốc để bắt đầu các nghiên cứu dịch tễ học nhằm xác định ca nhiễm ở người đầu tiên và nguồn lây nhiễm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần