22 người thiệt mạng vì động đất gần Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp
Ít nhất 22 người thiệt mạng và gần 800 người bị thương trong trận động đất ngoài khơi biển Aegean, chủ yếu tại thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng cứu hộ đang đào bớt đống đổ nát để tìm kiếm người còn sống sau một trận động đất mạnh khoảng 7 độ ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hôm 30/10. Phần lớn thiệt hại xảy ra tại thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ và vùng lân cận, nơi ba triệu người sinh sống.
Thị trưởng Izmir Tunc Soye cho biết 20 tòa nhà đã bị sập, giới chức đang tập trung cứu hộ tại 17 tòa trong số này. Cơ quan cứu trợ thiên tai Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 20 người chết và gần 800 người bị thương vì động đất. Tại đảo Samos của Hy Lạp, hai thiếu niên thiệt mạng vì bị tường đổ vào người khi trên đường đi học. Thương vong dự kiến còn tăng lên.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo cường độ động đất là 7, độ sâu tâm chấn là 10 km, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 33,5 km và nằm gần đảo Samos của Hy Lạp. Nhiều nhân chứng cho biết họ hoảng loạn trong trận động đất "chưa từng có".
Armenia và Azerbaijan đồng ý giảm xung đột tại Nagorno - Karabakh
Ngày 30/10, Bộ trưởng Ngoại giao của Armenia và Azerbaijan đã nhất trí về các bước khẩn cấp sau các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột ở Nagorno - Karabakh, đã khiến hàng trăm người thiệt mạng trong hơn một tháng giao tranh.
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Armenia và Azerbaijan đã diễn ra tại Geneva, với sự tham gia của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Hai bên đã đồng ý, không cố ý nhắm vào mục tiêu dân thường, tham gia trao đổi thi thể trên chiến trường và cung cấp danh sách các tù nhân chiến tranh đang bị giam giữ để tiến hành trao đổi trong vòng một tuần. Trước đó Armenia và Azerbaijan đã 3 lần ký kết lệnh ngừng bắn nhưng không thể thực hiện được.
Trả lời phỏng vấn tờ The Daily Telegraph ngày 30/10, Thủ tướng Armenia cho rằng, việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vào Nagorno-Karabakh có thể là giải pháp tối ưu cho cuộc xung đột tại khu vực này. Tuy vậy, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình từ Nga phải được sự chấp thuận của tất cả các bên tham gia xung đột. Đồng thời kêu gọi châu Âu nỗ lực hơn nữa để tác động Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt sự hỗ trợ cho Azerbaijan.
Anh xem xét áp đặt các biện pháp phong tỏa toàn quốc mới vào tuần tới
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang xem xét khả năng áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn quốc mới vào tuần tới, trong bối cảnh các bệnh viện trên cả nước đang bị quá tải bởi sự gia tăng các trường hợp mắc Covid-19.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang xem xét khả năng áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn quốc mới vào tuần tới. |
Dự kiến Thủ tướng Johnson sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 2/11 tới để công bố các biện pháp mới, theo đó mọi thứ có thể bị đóng cửa ngoại trừ các cửa hàng thiết yếu và cơ sở giáo dục. Các hạn chế mới có thể được áp dụng từ 4/11 đến 1/12.
Theo số liệu của Woldermeter, trong 24 giờ qua, Anh đã có thêm 274 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 46.229 ca. Anh ghi nhận thêm 24.400 ca mới, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở nước này lên 989.745 ca.
Goni trở thành bão mạnh nhất thế giới trong năm
Bão Goni trở thành cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm 2020 chỉ sau một ngày, dự kiến đổ bộ vào Philippines ngày mai.
Goni tăng thêm sức mạnh khi đi qua vùng nước ấm phía tây Thái Bình Dương, sức gió mạnh nhất tăng từ 160 lên 290 km/h vào đêm 30/10, trở thành siêu bão và được dự đoán sẽ còn mạnh hơn.
Bão Goni gia tăng sức mạnh trên vùng nước ấm hơn bình thường khoảng 1-1,5°C, được cho do con người làm biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ đại dương toàn cầu tăng lên.
Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp (JTWC) ở Trân Châu Cảng tại bang Hawaii, Mỹ, mô tả Goni là "một cơn rất mạnh". Ảnh vệ tinh cho thấy Goni có hình dạng đối xứng "gần như hoàn hảo" với tâm rõ ràng, đặc trưng của những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất.
Goni được dự đoán di chuyển theo hướng tây và đổ bộ vào trung tâm đảo Luzon, phía tây bắc thủ đô Manila vào khoảng 20h ngày 1/11. Bão có thể suy yếu một chút trước khi đổ bộ. JTWC dự báo sức gió mạnh nhất của Goni khi đổ bộ vào đảo Luzon là 225 km/h.
Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) phát cảnh báo về bão Goni, dự báo "mưa dữ dội" bắt đầu tối 31/10 có thể gây lũ lụt và lở đất. PAGASA dự báo gió mạnh có thể gây triều cường cao 2-2,5 m./.