Tin tức thế giới hôm nay 5/1: Đề phòng biểu tình bạo lực, Mỹ triển khai Vệ binh quốc gia tại Washington

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ cho phép Lực lượng Vệ binh quốc gia sẽ hỗ trợ thủ đô Washington; IAEA xác nhận Iran bắt đầu quá trình làm urani lên mức 20%... là những tin quốc tế mới nhất trong ngày 5/1.

Lực lượng Vệ binh quốc gia sẽ hỗ trợ thủ đô Washington
Ngày 4/1, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller đã đồng ý cho triển khai một số lượng hạn chế Lực lượng Vệ binh quốc gia tại thủ đô Washington D.C nhằm đối phó với các cuộc biểu tình dự kiến diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/1.
 Người ủng hộ ông Donald Trump tập trung trong cuộc tuần hành ngày 14/11/2020 tại Washington DC. Ảnh: Reuters
Thị trưởng thủ đô Washington D.C Muriel Bowser trước đó đã gửi yêu cầu Lực lượng Vệ binh quốc gia hỗ trợ cảnh sát địa phương, các cơ quan cứu hỏa và dịch vụ khẩn cấp trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump cũng như phản đối Quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020.
Cùng ngày, cảnh sát trưởng thủ đô Washington D.C Robert Contee cho biết Lực lượng Vệ binh quốc gia sẽ hỗ trợ "quản lý đám đông" và kiểm soát giao thông để lực lượng cảnh sát thủ đô tập trung vào các hành vi bạo lực tiềm ẩn cũng như những vấn đề an ninh khác.
IAEA xác nhận Iran bắt đầu quá trình làm urani lên mức 20%
Ngày 4/1, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận rằng Iran đã bắt đầu quá trình làm giàu urani lên tới 20% mức tinh khiết, mức mà Tehran đạt được lần cuối trước khi có Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi của thỏa thuận hạt nhân năm 2015) với các cường quốc thế giới. Hoạt động này được thực hiện tại tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow.
Ảnh chụp từ trên cao cơ sở hạt nhân Fordow của Iran.
Trong một báo cáo được gửi tới các quốc gia thành viên vào chiều cùng ngày, IAEA cho biết ngày 4/1, Iran đã bắt đầu cung cấp urani đã được làm giàu tới 4,1% vào 6 máy ly tâm tại nhà máy làm giàu nhiên liệu Fordow để làm giàu thêm lên tới 20%.
Trong khi đó, theo Đại sứ Iran tại IAEA Kazem Gharibabadi - Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đã thông báo rằng cơ quan này xác nhận việc một xi lanh chứa 137,2 kg urani được làm giàu lên tới 4,1% đã được kết nối với dây chuyền cấp liệu và quá trình làm giàu urani lên tới 20% đã bắt đầu.
Anh từ chối dẫn độ ông chủ WikiLeaks sang Mỹ
Thẩm phán Anh Vanessa Baraitser ra phán quyết không dẫn độ ông chủ WikiLeaks Julian Assange sang Mỹ sau phiên xử tại tòa Old Bailey ở thủ đô London hôm 4/1. "Với những điều kiện gần như bị cách ly hoàn toàn, tôi tin rằng quy trình được giới chức Mỹ đưa ra sẽ không thể ngăn Assange tìm cách tự tử", bà Baraitser ho hay.
Anh từ chối dẫn độ ông chủ WikiLeaks Julian Assange sang Mỹ.
Thẩm phán Baraitser bác bỏ lập luận từ luật sư của Assange cho rằng quá trình tố tụng mang động cơ chính trị, được thúc đẩy bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc dẫn độ có nguy cơ đe dọa công việc của giới phóng viên.
Các công tố viên Mỹ cho biết sẽ kháng quyết định của thẩm phán Anh.
Assange, công dân Australia 49 tuổi, bị Mỹ truy tố theo Đạo luật gián điệp vì công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc hồi năm 2010, trong đó đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. WikiLeaks sau đó tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài.
EU hoãn phê duyệt vaccine của Moderna
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm 4/1 đình chỉ phê duyệt vaccine của Moderna, dù đã tiến hành một cuộc họp đặc biệt trong bối cảnh chỉ trích gia tăng về việc khối triển khai vaccine chậm chạp. EMA cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán vào 6/1 để xác định có bật đèn xanh cho loại vaccine thứ hai được sử dụng ở EU hay không.
EU hoãn phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của Moderna.
Dù đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech vào ngày 27/12, tiến độ của EU vẫn chậm hơn nhiều so với Mỹ, Anh hay Israel. Ủy ban châu Âu trước đó bảo vệ khối này trước chỉ trích về việc triển khai chậm chạp, và cho biết kế hoạch của họ sẽ khiến EU vượt qua "những khó khăn phát sinh".
Vacine Pfizer/BioNTech hiện là vaccine duy nhất hiện được phép sử dụng ở EU từ khi được EMA cấp phép nhanh chóng ngày 21/12. Mỹ sử dụng loại vaccine này bên cạnh vaccine của Moderna, trong khi Anh mới đây cũng đã phê duyệt thêm vaccine của AstraZeneca.