Nga dọa đáp trả tương xứng lệnh trừng phạt của EU
Nga đã chuẩn bị đưa ra đòn đáp trả tương xứng đối với những lệnh trừng phạt mà Đức và Pháp có thể áp vào nước này liên quan tới vụ nhân vật đối lập Alexei Navalny bị ám hại. Thông tin này do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tiết lộ với kênh Dozhd TV hôm 8/10.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt tương ứng nếu EU áp đặt lệnh trừng phạt nước này. |
Bà Zakharova nhấn mạnh rằng vụ ám hại ông Navalny chỉ là một cái cớ để áp đặt trừng phạt chống lại Nga. Bà nói thêm Moscow sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt tương ứng.
Người phát ngôn Zakharova lưu ý rằng lệnh trừng phạt sẽ chẳng phục vụ mục tiêu nào do các quốc gia phương Tây đặt ra liên quan tới vụ ông Navalny.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi Pháp và Đức thông báo những nước này đang lên kế hoạch chuyển đề xuất về các biện pháp trừng phạt có mục tiêu chống lại Nga với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Đề xuất của Đức nhắm vào các cá nhân Nga song không bao gồm các biện pháp nhắm vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, bất chấp một số chính trị gia châu Âu cho rằng dự án này có thể thành mục tiêu.
Ông Trump nhất trí lùi 1 tuần các cuộc tranh luận với ông Biden
Theo Sputniknews, ngày 8/10, đội ngũ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump thông báo ông Trump đã đồng ý lùi 2 cuộc tranh luận còn lại với ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tới ngày 22 và 29/10.
Thông báo có đoạn: "Chúng tôi đã nhất trí rằng sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày 22/10 và do đó, cuộc tranh luận thứ 3 sẽ lùi lại một tuần vào ngày 29/10. Người Mỹ xứng đáng được lắng nghe trực tiếp từ cả hai ứng cử viên tổng thống vào những ngày đó, 22 và 29/10."
Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận cuộc tranh luận thứ hai với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - ông Joe Biden - được tổ chức bằng hình thức trực tuyến và sẽ không tranh luận với đối thủ theo cách như vậy, cho rằng hình thức này sẽ cho phép người điều phối cắt lời ông.
Tổng thống Kyrgyzstan tuyên bố sẵn sàng từ chức
Ngày 8/10, Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbai Jeenbekov đã đưa ra tuyên bố, ông sẵn sàng từ chức ngay sau khi đất nước đi theo con đường hợp pháp.
Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbai Jeenbekov cho rằng, cần đưa tình hình hiện tại trở lại đúng hướng càng sớm càng tốt. Sau khi các nhà lãnh đạo hợp pháp của các cơ quan hành pháp được chấp thuận và đất nước đi theo con đường hợp pháp, ông sẵn sàng từ chức Tổng thống Cộng hòa Kyrgyzstan.
Tổng thống Jeenbekov cũng nói rằng, ông đã sẵn sàng ký sắc lệnh về việc từ chức của chính phủ nước cộng hòa sau quyết định liên quan của quốc hội.
Trước đó, các cuộc biểu tình đông người bắt đầu ở Kyrgyzstan, sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4/10. 16 đảng cạnh tranh để giành 120 ghế, nhưng chỉ bốn trong số đó đạt được số phiếu cần thiết.
Tổng thống Jeenbekov gọi những gì đang xảy ra trong nước là một nỗ lực nhằm chiếm lấy quyền lực. Ủy ban bầu cử Trung ương đã hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử, và các nhà lãnh đạo của các đảng đối lập đã thành lập các hội đồng điều phối thứ nhất và thứ hai. Ngày 7/10, Quốc hội Kyrgyzstan đã khởi động thủ tục luận tội nguyên thủ quốc gia.
Syria nêu điều kiện tiến hành đàm phán hòa bình với Israel
Theo Tân Hoa xã, ngày 8/10, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết việc trả lại những vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Syria là điều kiện tiên quyết hàng đầu để nước này đàm phán hòa bình với Israel.
Theo Tổng thống Bashar al-Assad, quan điểm của Syria trong đàm phán hòa bình với Israel là rất rõ ràng. Quan điểm này đã được đưa ra kể từ khi bắt đầu các vòng đàm phán hòa bình vào những năm 1990 của thế kỷ trước.
Hòa bình cho Syria liên quan quan tới các quyền lợi và quyền lợi của Syria là vùng đất của mình. Syria chỉ có thể bình thường hóa quan hệ với Israel khi nước này thu hồi lại vùng đất của mình.
Tuy nhiên, Syria nhận thấy không một quan chức nào phía Israel sẵn sàng có bước đi để hướng tới hòa bình.
Tổng thống Bashar al-Assad cũng cho biết thêm trong thời điểm hiện tại, không có bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai nước.
Quan hệ giữa Syria và Israel bắt đầu căng thẳng kể từ cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 khi Israel chiếm giữ Cao nguyên Golan. Israel chính thức sáp nhập vùng này vào lãnh thổ của mình vào năm 1981.