70 năm giải phóng Thủ đô

Tin tức thế giới ngày 18/1: Israel gấp rút phê duyệt xây dựng nhà định cư mới ở Bờ Tây

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Israel phê duyệt xây dựng gần 800 nhà định cư mới ở Bờ Tây; Anh mời Ấn Độ dự Thượng đỉnh G7… là những tin quốc tế mới nhất trong ngày 18/1.

Israel phê duyệt xây dựng gần 800 nhà định cư mới ở Bờ Tây
Ngày 17/1, tổ chức Peace Now chuyên theo dõi hoạt động định cư tại các vùng lãnh thổ Palestine cho biết, nhà chức trách Israel cùng ngày đã phê duyệt kế hoạch xây dựng thêm 780 nhà định cư mới ở vùng Bờ Tây.
Israel phê duyệt xây dựng gần 800 nhà định cư mới ở Bờ Tây.
Động thái này diễn ra vào phút chót trước khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump hết nhiệm kỳ vào ngày 20/1.
Peace Now cho rằng động thái trên của Israel nhằm "tránh va chạm" với chính quyền kế nhiệm ở Mỹ.
Cũng theo tổ chức này, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Israel đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà định cư.
Trong năm, 2020, Israel đã phê duyệt hoặc đẩy nhanh các dự án xây dựng hơn 12.000 nhà - con số cao nhất trong một năm kể từ năm 2012, khi Peace Now bắt đầu thống kê số liệu. 
Anh mời Ấn Độ dự Thượng đỉnh G7
Chính phủ Anh vừa chính thức gửi lời mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển (G7) 2021 với tư cách khách mời của nước chủ nhà.
Cuộc họp dự kiến diễn ra tại Cornwall, Anh từ ngày 11 - 14/6. Thông cáo của Đại sứ quán Anh tại Ấn Độ cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể sẽ tới thăm Ấn Độ ngay trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra tại Cornwall, Anh từ ngày 11 - 14/6. 
Trong năm là chủ nhà của Thượng đỉnh G7, nước Anh cũng gửi lời mời tới lãnh đạo Australia và Hàn Quốc tham dự cuộc họp vào tháng 6 tới nhằm "làm sâu sắc hơn kinh nghiệm và chuyên môn tại bàn thảo luận".
Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 6 tới sẽ là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của nhóm trong vòng 2 năm qua. Nội dung làm việc dự kiến của hội nghị này xoay quanh chủ đề hợp tác để nắm bắt cơ hội phục hồi sau đại dịch Covid-19, đoàn kết để xây dựng tương lai công bằng hơn, xanh hơn và thịnh vượng hơn. 
Hàn Quốc rút tàu chiến chống cướp biển khỏi Eo biển Hormuz
Hàn Quốc đã rút đơn vị hải quân chống cướp biển hoạt động gần Eo biển Hormuz ra khỏi tuyến đường biển này để tạo bầu không khí tích cực trước các cuộc đàm phán với Iran về vụ bắt giữ tàu chở dầu và thủy thủ đoàn.
Tàu khu trục 4.400 tấn Choi Young. (Nguồn: Yonhap)
Nguồn tin ngoại giao ngày 18/1 cho biết, việc rút Đơn vị Cheonghae diễn ra trước khi phái đoàn Hàn Quốc, do Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Choi Jong-kun dẫn đầu, đến Tehran vào ngày 10/1 để đàm phán với các quan chức cấp cao của Iran về vụ bắt giữ và các vấn đề khác.
Không lâu sau vụ bắt giữ, Hàn Quốc đã điều tàu khu trục 4.400 tấn Choi Young của đơn vị hải quân này đến vùng biển gần Eo biển Hormuz. Đại sứ Iran Saeed Badamchi Shabestari được cho là đã bày tỏ với Seoul sự không hài lòng với quyết định này. 
Nhật Bản lập hệ thống giám sát người nước ngoài nhiễm Covid-19
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã lên kế hoạch thiết lập hệ thống để giám sát một cách hiệu quả các công dân nước ngoài mắc Covid-19 sau khi nhập cảnh nước này.
Hiện nhà chức trách Nhật Bản vẫn lưu giữ tên và quốc tịch của công dân nước ngoài tại các trạm kiểm dịch khi họ nhập cảnh. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu này hoạt động riêng rẽ với hệ thống HER-SYS, vốn được triển khai từ tháng 5/2020 để theo dõi tình hình lây nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản theo thời gian thực.
Sân bay Haneda ở Tokyo.
Vì vậy, MHLW đang tìm cách kết nối hai hệ thống dữ liệu trên với nhau thông qua số hộ chiếu của người nhập cảnh, từ đó các cơ sở y tế trên toàn quốc có thể chia sẻ thông tin về người nước ngoài nhiễm Covid-19 một cách nhanh chóng. Bộ trên dự kiến sẽ hoàn tất việc kết nối các hệ thống này trong tháng 1.
Bên cạnh đó, MHLW dự định sẽ tăng cường xét nghiệm kháng nguyên đối với những người không có triệu chứng.