Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tính chuyện “hai nhà”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi lần điện ảnh "ồn" lên một sự vụ, sân khấu vắng người xem, phim truyền...

Kinhtedothi - Mỗi lần điện ảnh "ồn" lên một sự vụ, sân khấu vắng người xem, phim truyền hình không hấp dẫn… người ta lại đi tìm căn nguyên từ trên bàn giấy cho đến phim trường, sân khấu. Và trong một cuộc tụ hội mới đây của giới làm nghề, khâu đào tạo được cho là cần quan tâm đầu tiên để "cung" có thể gặp được "cầu" trên thị trường nghệ thuật.

“Cung” không đạt tiêu chuẩn

Có nghe những phàn nàn từ phía các nhà hát, hãng phim, đơn vị sản xuất… mới hiểu được vì sao các tác phẩm điện ảnh, kịch, phim truyền hình không với được tới thị hiếu của công chúng. Càng hiểu vì sao đội ngũ diễn viên, quay phim, đạo diễn trẻ xếp hàng dài chờ việc, mà các buổi casting cho phim vẫn như thể "đốt đuốc" tìm người; Các cuộc kiếm tìm kịch bản của đạo diễn cả bên sân khấu lẫn truyền hình, điện ảnh đều gian nan không kém gì nhau.

 
Giờ thực hành của sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Giờ thực hành của sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Là bởi chính các nhà hát, hãng phim đã hụt hẫng không ít lần khi tuyển "người trẻ" vào việc - nghĩa là "cung" không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn (dù chỉ là cơ bản) của nhà tuyển dụng. Các đơn vị sản xuất phim truyền hình thì dựa vào chất lượng phim tốt nghiệp để tuyển sinh viên mới ra trường. Nhưng khi vào việc mới "ngớ người" hình như người làm phim tốt nghiệp và người đứng tên bộ phim đó không phải là… một. Diễn viên thì vẻ bên ngoài "ưng mắt", song kiến thức xã hội, khả năng cảm thụ tác phẩm rất "nghèo", thậm chí nói lời thoại như… đọc. Hay nói như NSƯT Thanh Ngoan về bên sân khấu chèo: Thế hệ chúng tôi ngày xưa học chèo từ năm 13 tuổi đến năm 17 tuổi, còn các em bây giờ toàn 18 tuổi mới học, học vài năm đã lo lấy chồng. Nhiều em học mới được 1 năm đã mê mải lo đi đóng phim, "chạy sô"… làm gì còn thời gian đầu tư cho học, nên thầy có giỏi đến mấy cũng chẳng thể đào tạo ra một người hát chèo thực thụ…

Chung quy cũng tại khâu đào tạo, mà trách nhiệm chủ yếu hiện nay đang dồn trên vai hai trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, một ngoài Bắc, một trong Nam. Chính lãnh đạo hai trường cũng thừa nhận, khoảng 10 năm trở lại đây, họ cũng hụt hẫng cả về giáo viên lẫn chất lượng sinh viên đầu vào, khiến cho "cung" (đầu ra) không đạt tiêu chuẩn. Số lượng sinh viên thi tuyển vào trường giảm 20%, bộ môn nghệ thuật Tuồng gần như "ế", sinh viên vào khoa Biên kịch có điểm Văn dưới trung bình… Có thể vì thế mà người làm phim đành phải khỏa lấp cho những thiếu hụt của kịch bản, diễn xuất bằng cách dùng "chiêu" chân dài - danh hài làm "mồi câu" khán giả; hay chú tâm vào những khâu bên lề yếu tố nghệ thuật của "đứa con" mình làm ra.

Nhà trường + nhà hát

Để "cung" gặp được "cầu" trên thị trường nghệ thuật, không cách nào khác là phải tăng chất lượng nguồn cung - chính là nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên các trường nghệ thuật, gắn đào tạo với thực tế.

Được biết, một vài năm trở lại đây, Bộ VHTT&DL đã cho áp dụng phương án đào tạo kết hợp giữa trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và các nhà hát. Nghĩa là các nhà hát được tham gia cùng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh trong việc tuyển đầu vào cho các lớp diễn xuất. Sinh viên đỗ vào trường sẽ học kiến thức tại trường và học thực tế diễn xuất tại nhà hát. Mô hình này được đánh giá là khá hiệu quả, liệu có phải là một gợi ý hay cho các đơn vị nghệ thuật hiện tại?

Riêng đối với vấn đề đội ngũ giảng viên khối các trường nghệ thuật, để bù lấp cho sự thiếu hụt về số lượng (200 giảng viên - 1.600 sinh viên), giới làm nghề lẫn những người đang "đứng lớp" cho rằng, trước tiên cần quan tâm tới chế độ đãi ngộ để có thể thu hút được nghệ sĩ nổi tiếng vào việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, như "gợi ý" của lãnh đạo trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật nên khuyến khích các nghệ sĩ "lành nghề" đi học nâng cao trình độ, bằng cấp để khi đến tuổi về hưu có thể "đầu quân" cho các trường nghệ thuật, truyền lại nghề diễn cho thế hệ đi sau. Như vậy là một công đôi việc, trường nghệ thuật giải quyết được khâu thiếu hụt giảng viên, còn nghệ sĩ đỡ phí những kinh nghiệm nghề đã tích lũy được từ thực tế mấy chục năm trên sân khấu.