Đoàn giám sát đánh giá cao việc Sở GD&ĐT TP đã chủ động trong việc thực hiện rà soát, sắp xếp, đề xuất cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc và trình TP theo quy định. Ngày 8/9/2016, Chủ tịch UBND TP đã ký ban hành Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT với cơ cấu tổ chức cơ quan gồm Ban giám đốc và 9 phòng chuyên môn (giảm 4 phòng so với hiện tại). Cùng với đó, trên cơ sở rà soát và đề xuất của Sở, TP cũng đã ban hành quyết định sáp nhập các trung tâm dạy nghề, Trung tâm GD thường xuyên, Trung tâm GD kỹ thuật tổng hợp thành Trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên. Trong đó, từ số lượng 71 trung tâm đã giảm đầu mối xuống còn 29 trung tâm. Theo lãnh đạo Sở, Sở hiện đang triển khai thực hiện các quyết định này theo đúng quy định.
Trong tinh giản biên chế, Sở GD&ĐT đã xây dựng lộ trình giảm biên chế và phấn đấu đến năm 2021 giảm ít nhất 10% biên chế so với biên chế được giao năm 2015. Con số thống kê cho thấy, với biên chế hành chính tại cơ quan Sở, năm 2016 được giao là 145 công chức và 20 hợp đồng Nghị định 68, nhưng hiện mới sử dụng 139 công chức và 18 hợp đồng. Sở đã xây dựng kế hoạch biên chế năm 2017 trình TP với đề xuất biên chế công chức giảm tiếp 2 người so với chỉ tiêu năm 2016 (143 công chức). Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến cho biết: Năm 2016, Sở đã được TP phê duyệt 5 trường hợp nghỉ tinh giản biên chế, thuộc đối tượng nghỉ hưu trước tuổi do sức khỏe yếu, dôi dư cơ cấu, năng lực hạn chế. Hiện, đang trình TP xem xét, giải quyết 3 đối tượng tinh giản biên chế, nghỉ vào thời điểm tháng 3/2017. Đối với các đơn vị sự nghiệp, do đặc thù của ngành GD thực hiện theo đúng quy định về định mức biên chế (giáo viên (GV)/lớp), nhưng Sở cũng thực hiện việc rà soát, bố trí phân công hợp lý để không tăng biên chế mặc dù số lớp tăng.
Nhấn mạnh đến việc tinh giản biên chế không chỉ ở con số cơ học hoặc tính số người về hưu, mà còn phải quan tâm đến vấn đề tinh giản các đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ, tuyển dụng nguồn nhân lực tốt, nâng cao chất lượng bộ máy, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam cho rằng: Đây là việc khó và đụng chạm đến quyền lợi cán bộ, công chức, nên phải làm công khai, minh bạch và có lộ trình thích hợp. Đồng thời, cần gắn với Đề án vị trí việc làm; làm tốt công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên các tiêu chuẩn công việc. Cùng với đó, Sở cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ GV cả trình độ và đạo đức nghề nghiệp. Chủ động tham mưu cho TP các kiến nghị, đề xuất để phát triển ngành ngày càng chất lượng. Đi kèm với phát triển hệ thống công lập, cần tìm cơ chế để kêu gọi, khuyến khích xã hội hóa các trường chất lượng cao không bằng nguồn lực Nhà nước. “Trên cơ sở các quyết định về cơ cấu, tổ chức đã được phê duyệt, Sở cần nhanh chóng tổ chức sắp xếp bộ máy cho phù hợp và đảm bảo yêu cầu”- Trưởng ban Pháp chế nêu.