Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:

Tinh gọn đầu mối quản lý để ổn định thị trường xăng, dầu

Ánh Ngọc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc chuyển quản lý xăng, dầu về một đầu mối sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong công tác điều hành.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính cho rằng, Chính phủ giao Bộ Công Thương quản lý toàn diện xăng, dầu là hợp lý. Bởi, khi có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, thị trường xăng, dầu sẽ được vận hành trơn tru, hiệu quả hơn.

Bộ Công Thương quản lý toàn diện xăng, dầu là hợp lý

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, Bộ Công Thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng, dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng, dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

- Theo tôi, đề xuất Bộ Tài chính chủ trì công tác điều hành xăng, dầu là không hợp lý. Tôi nghĩ rằng cơ quan quản lý cần có suy xét kỹ chắc chắn trước khi có bất kỳ đề xuất đối với phía Chính phủ để đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ ràng.

GS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính
GS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính

Nếu nói về câu chuyện quản lý, trước đây Bộ Tài chính cũng đã từng quản lý toàn bộ mặt hàng xăng, dầu, bởi trong bối cảnh khi đó có chiến tranh, xăng, dầu được coi là “mạch máu” của nền kinh tế. Chính vì lẽ đó mà Nhà nước giao cho Bộ Tài chính quản lý toàn diện xăng, dầu.

Khi nền kinh tế chuyển sang thị trường, Nhà nước giao cho Bộ Công Thương quản lý chính hoạt động xăng, dầu, còn Bộ Tài chính chỉ phối hợp quản lý về giá cả. Từ đó đến nay, Bộ Công Thương quản lý chính, Bộ Tài chính chỉ có vai trò phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng, dầu.

Bộ Công Thương đang quản lý chính mặt hàng xăng, dầu là hoàn toàn hợp lý. Xăng, dầu từ nhập khẩu, xuất khẩu cho đến tổ chức các đầu mối, các trung gian đến bán lẻ, thực tế đều là kinh doanh, mua bán nên kể cả sau này khi Việt Nam tạo dựng được thị trường đúng nghĩa theo cơ chế thị trường thì việc các DN kinh doanh, họ vẫn kinh doanh bình thường, lúc đó cơ quan quản lý là Bộ Công Thương vẫn quản lý mua bán, xuất - nhập khẩu.

Mặt khác, hiện nay dự thảo Luật Giá đang được sửa đổi theo hướng một cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ quản lý giá của mặt hàng đó vì những mặt hàng này có đặc trưng đặc thù. Vì vậy, công tác điều hành xăng, dầu nên được giao hoàn toàn cho Bộ Công Thương là hợp lý. Để chuyển hoàn toàn quản lý xăng, dầu về Bộ Công Thương, Nghị định 95 cần sớm được sửa đổi, sẽ giúp khơi thông được các đầu mối công việc.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng "đẩy" trách nhiệm quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương. Vậy đâu là căn nguyên của câu chuyện trách nhiệm quản lý giữa hai bộ, thưa ông?

- Có lẽ Bộ Công Thương thấy rằng vấn đề điều hành giá xăng, dầu phức tạp. Đặc biệt là trong năm 2022, giá xăng, dầu tăng vùn vụt, thậm chí có ngày tăng hàng chục USD/thùng. Công tác điều phối có vấn đề nên dẫn đến nhiều lúc không có xăng, dầu phục vụ nền kinh tế quốc dân.

Trong một năm “dị biệt” xảy ra nhiều vấn đề như vậy, đáng lẽ cả hai bộ Công Thương, Tài chính phải phối hợp nhuần nhuyễn để quản lý tốt hơn. Thực tế, trong thời gian vừa qua, cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều hành quản lý xăng, dầu chưa tốt nên dẫn đến nhiều thời điểm căng thẳng cả về nguồn cung và giá. Bên cạnh đó, hai bộ cũng phối hợp chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao nên mới có câu chuyện “đùn đẩy” cho nhau. Đây là động thái tiêu cực thực sự không nên xảy ra.

Cũng cần phải nhắc lại, chúng ta đã có những xung đột về lợi ích giữa các cơ quan quản lý, giữa các DN, đặc biệt xảy ra xung đột giữa các DN đầu mối với các thương nhân phân phối, hay giữa các thương nhân phân phối với cửa hàng bán lẻ cuối cùng.

Điển hình nhất là câu chuyện chiết khấu âm, hay càng bán càng lỗ trong một số thời điểm nhất định. Vì vậy, việc Bộ Công Thương và Bộ Tài chính ngồi lại bàn thảo với nhau, xử lý dứt điểm lẽ ra phải được làm sớm hơn, để tránh xảy ra những vấn đề diễn ra trong thời gian vừa qua.

Đổi mới cơ chế quản lý

Từ bài học nhãn tiền năm 2022 về thị trường xăng, dầu trong nước, ông có khuyến nghị gì về giải pháp quản lý, điều hành xăng, dầu để năm 2023 không lặp lại tình trạng đứt gãy nguồn cung?

- Để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu lâu dài, cần thay đổi hoặc là đổi mới cơ chế quản lý để thị trường xăng, dầu vận hành theo kinh tế thị trường. Việc đầu tiên là cần phải thực hiện thay đổi kế hoạch về cung ứng xăng, dầu với các đầu mối cũng như các đơn vị phân phối.

Sở dĩ tôi nói như vậy, vì từ trước đến nay Bộ Công Thương giao kế hoạch cung ứng xăng, dầu cho các DN đầu mối theo năm. Thế nhưng kế hoạch giao theo năm thì rõ ràng là không ổn, bởi vì thực tế xăng, dầu là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày và theo địa bàn, địa phương.

Việc Bộ Công Thương giao chỉ tiêu cụ thể từng DN đầu mối và phải rõ địa bàn DN đó phục vụ. Muốn làm được điều đó, Bộ Công Thương cần phải xây dựng kho dữ liệu về sản lượng tiêu thụ của cả nước, sản lượng tiêu thụ của từng địa phương thì khi đó mới có số liệu sát để DN đầu mối nhập khẩu.

Việc thứ hai là khi Bộ Công Thương phân giao kế hoạch, chỉ tiêu xong thì phải giám sát. Chỉ tiêu phân giao là theo tháng, sau đó phải kiểm tra, kiểm soát chặt. Bộ Công Thương quản lý toàn bộ ngành dọc về kinh doanh xăng, dầu kể cả về đầu mối, trung gian, đơn vị phân phối và bán lẻ ở cả 63 tỉnh, thành, thậm chí quản lý cả toàn bộ trạm xăng, dầu vì liên quan đến việc cấp phép đủ điều kiện kinh doanh hay không. Hay nói đúng hơn đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên cơ quan cấp phép là Bộ Công Thương phải có trách nhiệm giám sát xem DN có nhập xăng, dầu không, nhập tháng nào, nhập số lượng bao nhiêu?...

Một giải pháp quan trọng nữa là về cơ cấu tổ chức của các DN kinh doanh xăng dầu, làm sao giảm thiểu được khâu trung gian là tốt nhất. Tiếp theo là Việt Nam phải chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, nền kinh tế thị trường này cần vận hành hợp lí theo yêu cầu quản lý của Nhà nước. Muốn làm được điều này, trước hết Nhà nước cần xem xét cơ chế quản lý, cơ chế báo cáo phải rõ ràng, nghiêm túc.

Cũng trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu, Bộ Công Thương đề xuất phương án Bộ chỉ công bố giá cơ sở dữ liệu, còn DN tự định giá bán xăng, dầu. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

- Đây là phương án Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi hiện nay Nhà nước đang quản lý cả về sản lượng, số lượng và giá cả xăng, dầu bán ra, vì thế nếu Nhà nước “thả nổi” thì cách làm mới là điều quan trọng. Nhà nước cần có một mức giá khống chế, từ đó các DN có thể giảm chi phí để cạnh tranh nhau. Còn nếu để DN tự định giá thì như những tháng năm 2022 vừa qua chẳng hạn, DN sẽ bán giá rất cao, như vậy thị trường xăng, dầu lại bất ổn, căng thẳng.

Về nguyên tắc, nếu có cơ chế thị trường đúng nghĩa thì giá xăng, dầu phải để thị trường định giá. Nhưng hiện nay, thị trường xăng, dầu Việt Nam vẫn còn DN nắm thị phần lớn, nên không thể thả nổi giá xăng, dầu cho thị trường quyết định.

Tôi cũng đồng tình với nhược điểm của phương án mà Bộ Công Thương đã nêu trong dự thảo là để “DN tự quyết giá” sẽ có nhiều mức giá xăng, dầu trên thị trường. Khi người dân chưa quen sẽ có phản ứng đối với giá xăng, dầu của các DN có chi phí cao. Hoặc tại những địa phương ít nhà cung cấp, cạnh tranh kém, chi phí cao… người dân có thể phải mua xăng, dầu với giá cao hơn các địa phương khác.

Vấn đề hiện tại là cơ quan quản lý cần khảo sát lại hệ thống phân phối, giảm bớt các khâu trung gian, có thể từ đầu mối sản xuất - xuất nhập khẩu đến trực tiếp cửa hàng bán lẻ. Quy định chi phí min - max từng khâu (nhập khẩu, vận chuyển, lưu kho, chiết khấu... ). Từ đó, cơ quan chuyên môn quy định giá bán chung cho thị trường và DN tùy theo điều kiện thực tế của DN mà quyết định giá bán buôn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

"Bộ Tài chính chỉ nên thực hiện nhiệm vụ quản lý khoản thu ngân sách Nhà nước, thuế, phí đối với xăng, dầu; còn toàn bộ hoạt động kinh doanh, xác định chi phí định mức, giá cơ sở và giá bán lẻ cuối cùng theo cơ chế hiện hành nên giao lại cho Bộ Công Thương. Khi có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo thì chúng ta mới có một thị trường vận hành tốt hơn." - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh