Báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cập nhật đến hết ngày 16/8) cho biết, nhìn chung hoạt động sản xuất thủy sản vẫn đang duy trì. 13 tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra.
Tình hình con giống, thức ăn và vật tư thủy sản vẫn ổn định. Toàn vùng chỉ có 6/120 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp đang phải tạm ngưng, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nuôi trồng thủy sản. Khó khăn về thiếu nhân lực thu hoạch, về ách tắc vận chuyển trong sản xuất thủy sản tại một số địa phương cơ bản đã được tháo gỡ…
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, trong đó, giá cá tra giống rất thấp (21.000-23.000đ/kg), giá cá tra thương phẩm thấp kéo dài (khoảng 21.000đ/kg); giá tôm xuống thấp gần đây nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm.
Tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn. Số DN chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở, còn 326/449 cơ sở tiếp tục sản xuất (chiếm 65%). Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.
Do TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021 nên các DN chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí “3 tại chỗ” rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản…
Theo tìm hiểu của PV, tại Đồng Tháp (địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất cả nước), giá cá tra nguyên liệu hiện ở mức 20.500-21.500 đồng/kg trong khi chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu gần 22.500 đồng/kg, đồng nghĩa người nuôi lỗ khoảng 1.500 đồng/kg. Giá cá nguyên liệu giảm là do nhiều nhà máy chế biến hạn chế mua vào do giảm công suất hoặc tạm thời đóng cửa nghỉ do dịch bệnh.
Trong thời gian giãn cách vừa qua, tại Đồng Tháp, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản (thức ăn, thuốc…) đến vùng nuôi đảm bảo thông suốt và phương tiện vận chuyển đảm bảo thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại như thời hạn của giấy xác nhận kết quả test nhanh quá ngắn gây tốn chi phí và thời gian thực hiện…
Theo các DN sản xuất cá tra, khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến cá tra là thực hiện “3 tại chỗ” vì phát sinh quá nhiều chi phí, công và lương người lao động tăng; vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn; người lao động không muốn làm “3 tại chỗ”.
Các DN giảm công suất chế biến hoặc đóng cửa. Nhiều DN đề xuất thực hiện linh hoạt “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” và DN được chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe, test Covid trước khi vào làm việc tại nhà máy đối với công nhân và người lao động…