Tại Phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ: Ngày 14/10/2020, Chính phủ có Báo cáo số 525/BC-CP về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020. Báo cáo gồm 03 phần, kèm theo phụ lục chi tiết, trong đó đã báo cáo cụ thể kết quả trên các mặt của công tác PCTN năm 2020; đánh giá kết quả đạt được, dự báo tình hình; xác định phương hướng, nhiệm vụ của công tác PCTN năm 2021 và một số kiến nghị, đề xuất.
Với những nỗ lực không ngừng kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác PCTN năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao; tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Kết quả công tác Phòng chống tham nhũng
Về kết quả phòng ngừa tham nhũng: Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện kết quả cụ thể trong việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử, kiểm soát xung đột lợi ích, nộp lại quà tặng; chuyển đổi vị trí công tác; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu... Việc kê khai tài sản lần đầu theo Luật PCTN năm 2018 có chậm so với kế hoạch nhưng việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt Đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng: Toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi trên 44.580 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 54.770 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; 02 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan chức năng.
Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, đạt 75,4%. Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng. Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 3.605 việc (đạt tỉ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành), tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là hơn 15.017 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01%) so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tham nhũng kết hợp với việc phát hiện và xử lý nghiêm minh một số vụ án liên quan đến tham nhũng, cùng với hiệu ứng tích cực có được từ công tác vận động, tuyên truyền và các đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, các ngành, các cấp trong hệ thống nhà nước nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) đã có tác dụng răn đe và hạn chế tham nhũng. Nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Dự báo tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn.
Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng
Việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị được tăng cường thực hiện; Công tác cải cách hành chính tiếp tục đẩy mạnh. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh, có bước tiến mạnh, đột phá; các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ; nhiều việc hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại. Các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm được dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. |
Đề cập những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đã được quan tâm, có nhiều cố gắng, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tình trạng hồ sơ giải quyết trễ hạn, bị yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần. Các Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN đã xây dựng, triển khai thực hiện rộng rãi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt theo Đề án, Kế hoạch đề ra. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định; Việc kiểm tra nội bộ, tự phát hiện tham nhũng trong một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Một số đơn vị thuộc một số bộ, ngành, địa phương xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu chưa được xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời. Công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách... nhưng việc kết luận hành vi tham nhũng trong các sai phạm này còn gặp khó khăn...
Nguyên nhân chủ yếu là do: Đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở còn hạn chế, thiếu sự chủ động và chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về PCTN. Một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Năng lực, sức chiến đấu của một số cơ quan, tổ chức đơn vị còn hạn chế, chưa đủ sức để tự phát hiện tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan quản lý nhà nước chưa được phát huy mạnh mẽ, có nơi chưa quan tâm đúng mức tới công tác tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng. Mặc dù cơ chế bảo vệ người tố giác đấu tranh PCTN đã được quy định, nhưng trên thực tế hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe doạ vẫn xảy ra khiến nhiều người lo ngại, không dám mạnh dạn tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao nên tình hình vi phạm, nhất là biểu hiện nhũng nhiễu trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN còn bất cập.
Phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021
Để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Năm 2021, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể sau: Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: Các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ nguồn kinh phí của Nhà nước; Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTN trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTN; tổ chức thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021 chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về PCTN. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ xác minh, tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện, nhất các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Tổng kết Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, đề xuất việc ban hành Chiến lược, chương trình, kế hoạch về công tác PCTN cho các giai đoạn tiếp theo.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN, nhất là việc triển khai thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và các Luật mới được sửa đổi, bổ sung có liên quan chặt chẽ đối với công tác PCTN như Luật Giám định tư pháp, Luật Xây dựng; Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện qua hoạt động tố tụng, kiểm toán nhà nước; tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và Nhân dân tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp để phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, phấn đấu tạo được bước chuyển rõ rệt, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, khắc phục cơ bản, tiến tới xóa bỏ tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong PCTN./.