Chưa có năm nào giá cau ở mức cao và kéo dài trong thời gian kỷ lục như năm nay. Tình trạng trên đã tạo nên "cơn sốt" tại nhiều địa phương của Quảng Ngãi. Từ cây cau, nhiều hộ dân đã có thu nhập “khủng”, cá biệt có hộ ước tính thu về gần tỷ đồng khi kết vụ.
Hồi tháng 6, cau tươi ở Quảng Ngãi dao động từ 45.000 đồng/kg (cả cuống lẫn quả), rồi tăng dần lên trên 60.000 đồng. Đến tháng 10, giá cau chạm mốc 80.000 đồng/kg, thậm chí tăng lên gần 85.000 đồng/kg, sau đó giảm nhẹ nhưng ở vẫn mức trên 75.000 đồng/kg. Có những ngày giá cau thay đổi trong vài giờ, từ trưa đến chiều tăng 5.000 đồng/kg.
Cau tươi sau khi được thu mua ở các nhà vườn sẽ được thương lái đem bán lại cho các chủ vựa để sơ chế, sấy thành cau khô, xuất sang thị trường nước ngoài, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Những năm trước, cau thường phải sấy khô mới bán đi thì năm nay có thể bán tươi, hàng tiêu thụ cũng nhanh hơn.
Một chủ vựa thu mua tại xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành) cho hay, năm 2023, thị trường cau biến động, đầu mùa giá dao động khoảng 20.000 đồng/kg, nhưng đến chính vụ lại rớt giá thê thảm.
Bước vào vụ cau năm 2024, phía Trung Quốc thu mua số lượng lớn và tăng giá liên tục nên giá cau tươi vì thế cũng tăng. Tuy nhiên, do chỉ phụ thuộc vào thị trường tỷ dân này nên chủ cơ sở nói trên không dám chắc giá cau cuối vụ hoặc năm sau có giữ ở mức cao như vậy hay không.
Thực tế, giá cau luôn là “biến số”, khó dự đoán, bởi không hiếm khi giá cau đột ngột lên cao tạo thành cơn sốt, sau đó bất ngờ rơi thẳng đứng. Thậm chí có năm cau để chín rụng đầy gốc vì không ai hỏi mua.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha cau. Nếu giá ổn định và có đầu ra sẽ giúp người trồng cau có thu nhập. Song ông Trung cũng cho rằng, thị trường tiêu thụ loại nông sản này rất khó đoán.
Điều đáng bàn hiện nay là trước hiệu quả kinh tế do cây cau mang lại, nhiều người đã đầu tư kinh phí mua giống, thậm chí lên núi thuê đất để trồng cau. Giá cau tươi tăng nên kéo theo giá cây cau giống cũng cao và khan hiếm.
Gia đình anh Phạm Văn Trực (huyện Nghĩa Hành) đang có vườn cau hơn 300 cây, trong đó có 50 cây đang cho thu hoạch, còn lại mới trồng được 2 năm. Thấy cây cau có tiềm năng nên anh vừa trồng mới thêm hơn 100 cây cau con và đang đặt 100 cây giống nữa.
Những năm gần đây, diện tích trồng cau ở huyện Nghĩa Hành tăng khá nhanh, bởi giống cây này dễ trồng, lại ít công chăm bón. Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 700 ha cau, tăng 4% so với năm 2023.
“Do giá cau liên tục tăng cao trong thời gian qua nên đã xuất hiện tình trạng một số người dân tự phát chuyển đổi từ các cây trồng khác sang cây cau. Đặc biệt, có một số hộ trồng cau trên diện tích đất trồng cây hàng năm”- Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê chia sẻ.
Thực trạng diện tích cau tăng nhanh, không phù hợp với định hướng của huyện Nghĩa Hành là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, nhất là những cây đã đạt chứng nhận OCOP.
"UBND huyện Nghĩa Hành đã giao Phòng NN&PTNT phối hợp cùng các địa phương khảo sát lại hiệu quả của cây cau trong phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, kiểm soát chặt diện tích cây cau trên quan điểm không khuyến khích người dân phá bỏ cũng như trồng mới cây cau một cách ồ ạt"- Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm chia sẻ.
Tại huyện miền núi Sơn Tây, cau là cây mang lại thu nhập ổn định nhất hiện nay. Toàn huyện có hơn 1.000 ha cau, hàng năm ngành nông nghiệp đều hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trồng mới cau thay cho diện tích già cỗi.
Huyện này cũng không khuyến khích trồng ồ ạt cau do chưa dự báo được thị trường tiêu thụ. Thay vào đó, nên phát triển thêm một số giống cây khác như ổi, chuối... để đa dạng nguồn thu nhập.