Tinh thần hành động, khát khao đổi mới

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19, cần xây dựng được chiến lược tổng thể phục hồi kinh tế, có tiêu chí, điều kiện thống nhất về làm việc, sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn.

Đó là vấn đề được nhắc đến nhiều tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV - Kỳ họp diễn ra trong thời điểm đặc biệt khi khó khăn của dịch bệnh tác động nên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đang hiện hữu.

Ngoài công tác xây dựng pháp luật, điều người dân, cử tri trông đợi ở nghị trường là những giải pháp được bàn thảo, quyết định để có bước đi vững chắc cho sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vào thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, những bức thiết từ cuộc sống đang đòi hỏi. Nhìn thực tế cũng như nhận định được đưa ra tại Kỳ họp có thể thấy, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương. Trong năm 2021, bên cạnh nhiều khó khăn, vẫn có những điểm sáng, nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu ngân sách Nhà nước ước vượt dự toán; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 4,2%, khoảng 35% GDP. Chính phủ đã tổ chức thực hiện nhiều nội dung để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch và nhiều chính sách quan trọng, thiết thực để huy động nguồn lực, hỗ trợ cho người dân, đảm bảo an sinh.

 Phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra đòi hỏi quyết sách từ nghị trường khi còn 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 có thể không đạt. Việc tăng trưởng giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên; sức chống chịu của DN hay việc làm của người dân đang đứng trước khó khăn không nhỏ... Cùng với đó, các chính sách được ban hành chủ yếu là giải pháp giải cứu ngắn hạn mang tính ứng phó trước mắt, có thời hạn áp dụng hạn chế. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, sớm có giải pháp căn cơ để tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn cũng được đặt ra. Bởi thế, “trọng tâm của trọng tâm” là Quốc hội phải tập trung đánh giá thật kỹ các vấn đề đặt ra, từ đó mới có thể xác định các giải pháp căn cơ, cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn nhất; đúng, trúng các ưu tiên trong những tháng cuối năm và cả năm tiếp theo, điều chỉnh giải pháp hỗ trợ DN thế nào cho hiệu quả hơn, để thúc đẩy mạnh mẽ sự phục hồi. Đồng thời, có chiến lược ứng phó dịch bệnh gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế ở cấp độ quốc gia và địa phương; xây dựng được bộ tiêu chí, điều kiện thống nhất về làm việc, sản xuất, kinh doanh an toàn cũng như kế hoạch phục hồi kinh tế mang tính tổng thể…

Đứng trước những vấn đề rất lớn và khó ấy, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi đại biểu rất nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. Như Chủ tịch Quốc hội đã nói, Quốc hội đang thể hiện rõ tinh thần hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và DN ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, trước thực tế cuộc sống, còn nhiều việc đòi hỏi cái nhìn thấu đáo, sự vào cuộc tích cực, bản lĩnh hơn của mỗi đại biểu trên nghị trường. Cử tri hy vọng rằng, tại một Kỳ họp trong bối cảnh đặc biệt này, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung trí tuệ, nhiệt huyết, chung sức tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá cho sự phát triển trước mắt và xa hơn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và giải quyết được cả các vấn đề xã hội đang đặt ra.