Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc qua 5 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật. Ảnh: Thái San |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những nỗ lực, thành tích của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức có hiệu quả Ngày Pháp luật.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng nghiêm túc nhìn nhận việc hưởng ứng Ngày Pháp luật thời gian qua ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức. Ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, Nhân dân chưa cao; hành vi vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, ngay cả trong một số cán bộ, công chức thực thi công vụ. Việc xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật còn lúng túng, chất lượng chưa được như mong muốn; nguồn lực đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để Ngày Pháp luật năm 2019 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, ý nghĩa, trước hết, cần tiếp tục thực hiện thật tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn tổng thể, dài hạn, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của Hiến pháp; thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành quy định của luật, đặc biệt là về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thứ hai, chú trọng, tăng cường hơn nữa đến việc triển khai, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật để các luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo.
Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, có giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân, coi đây là khâu đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật, là mục tiêu quan trọng nhất của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Mỗi người dân, mỗi cộng đồng cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật vì lợi ích của mình và cộng đồng.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật để phục vụ đắc lực hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, để các hoạt động này gần gũi và cần thiết hơn đối với mỗi cộng đồng, mỗi người dân. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước là lực lượng nòng cốt; cần có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi người phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống. Một quốc gia phát triển vững bền cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó không chỉ được tôn vinh trong Ngày Pháp luật Việt Nam, mà phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị, phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi người dân, mỗi cộng đồng xã hội.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc qua 5 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật.