Tình trạng bất bình đẳng vẫn tiếp diễn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 4/9, Hội thảo công bố kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em, phụ nữ Việt Nam (MICS Việt Nam 2014) diễn ra tại Hà Nội, do Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hợp tác của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.

Một trong những mục tiêu của MDGS Việt Nam 2014 là giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Kết quả của MICS năm 2014 nêu bật tình trạng bất bình đẳng vẫn tiếp diễn, thể hiện ở tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi trong nhóm dân số yếu thế. Cứ 1.000 trẻ sinh ra sống thì có 20 trẻ em tử vong trước ngày sinh nhật lần thứ 5. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong ở mức 22 trẻ em trên mỗi 1.000 ca sinh. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi cao nhất ở nhóm dân tộc thiểu số, với hơn 43 trường hợp tử vong trên 1.000 ca sinh.

Nuôi con bằng sữa mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự sống còn và phát triển của trẻ. Dữ liệu điều tra của MICS cho thấy, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đã tăng từ 17 lên 24% trong 5 năm qua.

Sự bất bình đẳng trong cân nặng khi sinh thể hiện rõ rệt nhất ở khu vực Tây Nguyên, với hơn 7% trẻ em sinh ra có cân nặng dưới 2.500gr so với mức bình quân chung cả nước là 5,7%.

Theo MDGS Việt Nam 2014, hơn 82% trẻ em Việt Nam trong độ 12-23 tháng tuổi được tiêm chủng đầy đủ nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em dân tộc Kinh cao hơn (84,6%) so với trẻ em dân tộc thiểu số (69,4%). Những hộ gia đình nghèo nhất có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất (72,2%), trong khi ở những hộ gia đình khá giả hơn chiếm 87%.

Về giáo dục, khoảng 71% trẻ em từ 36 đến 59 tháng tuổi tham gia các chương trinh giáo dục mầm non. Sự khác biệt theo vùng miền khá rõ rệt- các chương trình như vậy phổ biến hơn ở đồng bằng sông Hồng (85,5%) và thấp nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (39%). 

MICS năm 2014 cũng chỉ ra, hơn 68% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt về thể xác hoặc tâm lý. Các bé trai thường chịu hình phạt về thể xác (48,5%) hơn các bé gái (36,6%). Trẻ em ở những hộ gia đình nghèo và những em có mẹ trình độ văn hóa thấp thường có khả năng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt hoặc tâm lý.

Báo cáo MICS 2014 đánh giá thái độ của phụ nữ tuổi từ 15 đến 49 đối với việc bị chồng đánh đập vợ bằng cách đặt câu hỏi liệu người chồng có lý do hợp lý để đánh vợ trong các tình huống khác nhau? Kết quả khảo sát cho thấy 50% phụ nữ cho rằng người chồng có đủ lý do để đánh vợ. Điều này diễn ra khá phổ biến hơn ở những hộ gia đình nghèo và những phụ nữ có giáo dục thấp. Đây là số liệu kết quả điều tra từ 10.200 hộ nằm trên địa bàn của 510 xã/phường thuộc 369 huyện của 63 tỉnh, thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Liệu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: “Báo cáo MICS đã cung cấp những dữ liệu và phân tích quan trọng phản ánh những thành tựu của mục tiêu phát triển của Việt Nam”. Và “Việc thực hiện báo cáo MICS tại Việt Nam là cơ hội tuyệt vời để thu thập và phổ biến dữ liệu về trẻ em và phụ nữ, sử dụng một quy trình đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt”.

Trong khi ấy, ông YoussouF Abdel-Jelil – Đại diện UNICEF Việt Nam cho rằng cuộc điều tra là đóng góp chung vào cuộc cách mạng dữ liệu được kêu gọi nhằm hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Thực tế đã chứng minh là dữ liệu tốt, kịp thời và có thể tiếp cận được sẽ mang lại những giải pháp tích cực cho tình trạng bất bình đẳng và sự phát triển bền vững”.