Có thể tổ chức đợt thi phụ
Tại buổi họp trực tuyến với Bộ GD&ĐT về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã đề xuất phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thành 2 đợt: Đợt 1 dành cho thí sinh bình thường, đợt 2 dành cho thí sinh là F0, F1 không thể tham gia kỳ thi đợt 1; trong đó, đợt 2 cách đợt 1 là 10 ngày.
Về mốc thời gian 10 ngày nêu trên, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh giải thích: Theo quy định của ngành y tế thì F0 có thời gian cách ly 7 ngày và 3 ngày theo dõi; F1 có thời gian cách ly 5 ngày và 5 ngày theo dõi. “Nếu thí sinh rơi vào 1 trong 2 trường hợp nêu trên, sau khi hoàn thành thời gian cách ly, các em vẫn có thể tham gia kỳ thi, đảm bảo quyền lợi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo đúng nguyện vọng và năng lực”- ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết.
Tham dự Hội nghị trực tuyến tuyển sinh CĐ ngành Giáo dục mầm non, tuyển sinh ĐH năm 2022, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội nêu quan điểm: Dịch bệnh dần được kiểm soát; chúng ta đang trong thời kỳ bình thường mới, có cách ứng xử khác với dịch bệnh và tất cả đều mở cửa. Với xu hướng này, nếu không có đột biến thì tháng 6, tháng 7, tình hình sẽ còn tốt hơn. Bên cạnh dự phòng phương án xử lý nếu dịch bệnh bất lợi và có đột biến, Bộ cần có chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần bình thường mới, không chia cắt 2-3 đợt. “Kỳ thi chỉ diễn ra trong 2 ngày; vì vậy cần tổ chức gọn nhẹ, tốt nhất chỉ 1 đợt và tập trung giải quyết vấn đề sau thi, tránh tổ chức nhiều đợt dẫn đến xét tuyển kéo dài gây ảnh hưởng, mệt mỏi cho các trường và cả thí sinh”- đại diện ĐH Y Hà Nội nêu rõ.
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ tổ chức trong tháng 7. Về việc tổ chức thi, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay: Trường hợp cần thiết, Bộ sẽ tổ chức đợt thi phụ cho thí sinh là F0. Tuy nhiên, cùng kinh nghiệm tổ chức thi năm 2021 và trên tinh thần thích ứng an toàn với dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ sẽ có giải pháp thấu đáo, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh; đồng thời có thông báo trong thời gian sớm nhất.
Đề thi cần tăng tính phân loại
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) quan tâm đến chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT khi cho rằng: “Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 có mức độ phân hóa tương đối tốt, các trường có thể yên tâm dựa vào kết quả này để xét tuyển. Tuy nhiên từ năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tính phân hóa của đề thi giảm, khó đảm bảo khi xét tuyển đại học. Hy vọng trong năm 2022, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, đảm bảo các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển”.
Đồng ý quan điểm trên, PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh đề xuất nâng cao tính phân hóa, phân loại học sinh trong đề thi tốt nghiệp THPT. “Đây vừa là kỳ thi để xét tốt nghiệp, vừa là cơ sở để các trường tuyển sinh; vì thế các trường muốn Bộ xây dựng đề thi có tính phân hóa nhất định và trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đề lại càng cần phân hóa cao do việc tự tổ chức các kỳ thi riêng gặp khó khăn. Việc đề thi mang tính phân hóa giúp các trường có đầu vào cao như khối ngành y dược vẫn có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh…”, PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi nói.
Khẳng định công tác tổ chức thi và đề thi là 2 khâu chủ yếu quyết định tính tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như tính phân loại trong xét tuyển, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội mong rằng Bộ sẽ có vai trò chỉ đạo cao hơn, nhiều hơn đối với kỳ thi để các nhà trường yên tâm xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhất là với trường ĐH Y Hà Nội khi năm 2022 vẫn dự kiến coi xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là phương thức chủ yếu.
Trước nhiều góp ý, đề xuất của các cơ sở đào tạo và các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, lĩnh hội, nghiên cứu, trao đổi với lãnh đạo Bộ cùng chuyên gia, thầy cô để xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể cho kỳ thi; trong đó có việc đảm bảo chất lượng đề thi nhằm nâng cao tính phân hóa thí sinh.
Được biết, năm 2022, công tác tuyển sinh vẫn giữ ổn định như năm 2021; chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo; hướng tới đảm bảo khách quan, công bằng giữa các thí sinh, các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức 2 đợt: Đợt 1 diễn ra vào ngày 7 và 8/7 với gần 1 triệu thí sinh tham dự; đợt 2 diễn ra ngày 6 và 7/8 với hơn 11.000 thí sinh tham dự. Cả 2 đợt thi đều được dư luận xã hội đánh giá là thành công, an toàn, đảm bảo chất lượng.