Quay ngược thời gian bằng ứng dụng công nghệ
Màn đêm buông xuống, sân Thái Học trong không gian Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám yên tĩnh, bao phủ lên đó là không khí linh thiêng của di sản gần 1.000 năm (1070 – 2021). Trong không gian ấy, đại tiệc ánh sáng bằng công nghệ 3D mapping được trình chiếu. Trên từng viên gạch ngói ở mái nhà Thái Học, các bức tường, ô cửa cửa hình ảnh về 82 bia tiến sĩ, thầy giáo Chu Văn An, biểu tượng Khuê Văn Các dần xuất hiện một sinh động, ấn tượng.
|
Ứng dụng công nghệ 3D mapping tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Minh An. |
Thời gian gần đây, không chỉ có công nghệ 3D mapping, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn giới thiệu các sản phẩm ứng dụng công nghệ như hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360.
Trong đó, khi trực tiếp trải nghiệm ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR, khách tham quan sẽ được “du hành thời gian”, đặt chân trên nền đất Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ lúc mới khởi dựng năm 1070. Cũng bằng công nghệ này, Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện lên ở mọi khung giờ, với những cảm nhận đặc sắc về không gian, ánh sáng của di tích, tuỳ thuộc vào mong muốn của người sử dụng.
Chia sẻ về những sản phẩm trong Đề án “Phát triển du lịch thông minh tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Sản phẩm mới chỉ giới thiệu về mặt công nghệ mà chưa có nội dung một kịch bản hoàn. Sau khi được UBND TP phê duyệt Đề án, Trung tâm sẽ triển khai các công việc liên quan đến xây dựng nội dung, kịch bản, sản phẩm hoàn chỉnh và vận hành tổ chức giới thiệu sản phẩm đến công chúng. Các câu chuyện về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, về đạo học Việt Nam sẽ được giới thiệu trên nền tảng công nghệ, đa dạng, phong phú và khách tham quan có thể quay lại nhiều lần để thưởng thức những tác phẩm mới.
Không gian phố đi bộ trong tương lai có gì?Nhận xét về việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, PGS. TS Đặng Văn Bài – Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia chia sẻ: “Với việc ứng dụng công nghệ, du khách đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm văn hoá, tương tác và đối thoại với quá khứ, với những con người huyền thoại trong lịch sử giáo dục truyền thống của Việt Nam thông qua một nút bấm trên thiết bị thông minh. Tạo điều kiện cho du khách quyền chủ động tìm hiểu cái mình cần, tự giác học tập và thu nhận kiến thức phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch hiện đại”.
|
Phóng viên trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Minh An. |
Theo Đề án “Phát triển du lịch thông minh tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”, không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ được tổ chức thành không gian phố đi bộ vào buổi tối. Chia sẻ về kế hoạch tổ chức, ông Lê Xuân Kiêu cho hay: “Trong Đề án, Trung tâm đề xuất với TP có hoạt động trải nghiệm công nghệ mapping về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, về đạo học Việt Nam, tổ chức vào buổi tối. Chương trình sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn nếu các tuyến phố Văn Miếu, Quốc Tử Giám của quận Đống Đa được tổ chức thành không gian đi bộ. Khi nhà ga S11 (phố Quốc Tử Giám) của tuyến tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội đi vào hoạt động, khu vực này sẽ là điểm giao thông quan trọng của TP với lưu lượng người qua lại rất đông. Việc kết nối các khu nội tự với hồ Văn và vườn Giám bằng nhiều hoạt động cả ban đêm và ban ngày gắn với giá trị của di tích, với giáo dục là cơ sở quan trọng cho tuyến phố đi bộ xung quanh di tích. Không gian phố đi bộ có thể giới thiệu về sách, thư pháp, văn phòng tứ bảo; trải nghiệm cuộc sống của những sĩ tử từ các tỉnh về Thăng Long ở nhà trọ học khu vực xung quanh trường Giám xưa.
Thông qua việc tổ chức không gian phố đi bộ, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám kỳ vọng có thế gắn kết các giá trị không gian di tích với nhau, tạo thành bản sắc riêng của không gian đi bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng giá trị lịch sử, văn hóa giáo dục và đạo học Việt Nam. Thông qua đó, khách tham quan có thể trải nghiệm sản phẩm mới, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ứng dụng công nghệ giúp Văn Miếu -Quốc Tử Giám xây dựng được nhiều nội dung tham quan. Tuy vậy, khi xây dựng thành sản phẩm du lịch, cần tính toán đến việc cảm thụ của khách. Việc ứng dụng công nghệ số nếu làm tốt sẽ tạo sự độc đáo cho sản phẩm du lịch, vừa phát huy, vừa bảo tồn tốt di tích. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng |