Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổ chức lễ hội âm nhạc: Giải pháp tạo đột phá

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong 3 tháng cuối năm, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra nhiều lễ hội âm nhạc lớn, nhằm xây dựng thương hiệu văn hóa, tạo nên sức hút với công chúng trong nước và du khách quốc tế.

Tuy nhiên, việc duy trì các sự kiện âm nhạc thường niên, góp phần xây dựng công nghiệp văn hoá đòi hỏi nhiều sự đột phá.

Xây dựng thương hiệu

Tại các TP lớn trên thế giới, nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội âm được tổ chức thường niên đã tạo ra các điểm hẹn, góp phần xây dựng thương hiệu cho các địa phương. Mới đây, BTC lễ hội âm nhạc “HAY Glamping Music Festival 2023”, diễn ra tại Hà Nội từ 29 - 30/9 mới công bố danh sách nghệ sĩ tham gia. Bên cạnh rapper Suboi, JustaTee, MCK… cựu thành viên nhóm nhạc nối tiếng thế giới Boyzone – Ronan Keating; Epik High - huyền thoại hip hop của K-pop… cũng tham gia sự kiện.

Khán giả đội mưa thưởng thức lễ hội âm nhạc Gió mùa.
Khán giả đội mưa thưởng thức lễ hội âm nhạc Gió mùa.

Trong chương trình, sự giao thoa âm nhạc giữa các nền văn hóa khác nahu được đơn vị tổ chức quan tâm chú ý. Theo đó, Epik High sẽ trình diễn cùng khung thời gian với Suboi, JustaTee và MCK. Do đó sự kết hợp cũng đang được nhiều khán giả quan tâm chờ đón, hứa hẹn tạo ra những khoảnh khắc bùng nổ trong suốt thời gian diễn ra chương trình.

Cũng tại Hà Nội, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival 2023, sẽ tái ngộ khán giả Thủ đô trong tháng 10 với chủ đề "Phố Hàng Nhạc". Monsoon với sự tham gia của những tên tuổi indie (nhạc sản xuất độc lập) hàng đầu cũng đang cho thấy một sự thay đổi để đến gần hơn với khán giả trẻ. Nếu những năm trước, chỉ những danh ca Thanh Lam, Hồng Nhung, Hà Trần, Tùng Dương… đảm nhận vị trí headliner (người trình diễn chính trong đêm diễn), hay chú trọng đến những nghệ sĩ quốc tế có chuyên môn cao mà không tính đến khía cạnh nổi tiếng thì nay cả 2 yếu tố ấy đã được cân bằng.

Không chỉ riêng Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh, Lễ hội Âm nhạc quốc tế HOZO International Music Festival sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 22 - 24/12. Nhạc sĩ Huy Tuấn – Giám đốc âm nhạc cho biết: Liên hoan âm nhạc quốc tế HOZO có sứ mệnh đưa thế giới đến Việt Nam và mang Việt Nam ra thế giới thông qua việc truyền tải và lan tỏa các giá trị âm nhạc - văn hóa. Vì thế, HOZO 2023 sẽ tiếp tục là một điểm hẹn thưởng thức văn hóa nghệ thuật độc đáo tầm cỡ quốc tế mang thương hiệu riêng của TP mang tên Bác.

Kiến tạo chính sách để công nghiệp văn hoá phát triển

Điểm chung của 3 sự kiện nói trên là đều thực hiện trong thời gian dài, có thương hiệu riêng. Nhưng để duy trì tính định kỳ, sức hút luôn là bài toán khó với bất cứ đơn vị tổ chức nào.

Đơn cử, Monsoon vẫn được đánh giá là sự kiện âm nhạc được tổ chức chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế, nhưng do ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến sự kiện này được tổ chức không thường xuyên, khiến thương hiệu này vẫn còn lạ lẫm đối với khán giả quốc tế.

Tại Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số”, nhạc sĩ Quốc Trung cũng bày tỏ: “Dạo này đi đâu cũng thấy nói về công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Nhưng đa phần không hiểu là để xây dựng một nền công nghiệp sáng tạo người ta cần có những quy trình sản xuất, quản lý, truyền thông… một cách khoa học”.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung: Xây dựng kế hoạch, mốc thời gian thực hiện là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. “Nếu không được chuẩn bị và có đủ thời gian thì đừng bao giờ hi vọng là có được sản phẩm sáng tạo đỉnh cao hay truyền tải nó đến công chúng với chất lượng cao nhất. Công nghiệp văn hóa không có chỗ cho chộp giật, cũng chẳng có đường tắt để đón đầu…” -  nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.

Về chính sách, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng việc vận hành chính sách ở địa phương rất quan trọng. Nó cũng đòi hỏi lãnh đạo địa phương am hiểu về lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo để có thể điều hành. Bà cho biết rất mong chờ ở chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia đang soạn thảo. Chương trình này có thể tăng kinh phí cho các ngành công nghiệp sáng tạo, đồng thời đặt các mục tiêu cho lãnh đạo học tập để am hiểu công nghiệp sáng tạo hơn.

Khi đã tạo dựng được giá trị thương hiệu cho sự kiện, các lễ hội âm nhạc sẽ không chỉ là sân chơi cho những người làm nghề, tạo cơ hội thưởng thức nghệ thuật cho người dân tại thành phố mà còn mang lại nhiều giá trị về du lịch, kinh tế cho địa phương.