Ngày 25/1, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng BCĐ thực hiện Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy chủ trì buổi kiểm tra của BCĐ tại huyện Mỹ Đức về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) trong các cơ quan thuộc TP và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP; công tác chuẩn bị Lễ hội - Du lịch chùa Hương năm 2019.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Theo lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức, ngay khi TP ban hành 2 quy tắc ứng xử, huyện đã có kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành, xã, thị trấn... Trong đó, Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan được thực hiện nghiêm, không có vi phạm lớn xảy ra; đông đảo cán bộ và Nhân dân hưởng ứng thực hiện. 100% cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn, CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan thuộc huyện được quán triệt và thực hiện duy trì thành nếp, phù hợp tình hình đơn vị, đồng thời đưa nội dung quy tắc vào xếp loại hàng tháng. Việc tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng đến được các hộ dân, thông qua việc thường xuyên tuyên truyền trên đài, tổ chức tọa đàm, niêm yết tại nhà văn hóa, di tích…
UBND huyện hướng dẫn 100% xã, thị trấn tổ chức thành công tọa đàm về thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các thôn (làng), tổ dân phố với trên 18.300 người tham dự; bổ sung việc thực hiện quy tắc này vào bình xét danh hiệu văn hóa; chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình trồng đường hoa, vẽ tranh bích họa, tạo cảnh quan sạch đẹp... Tuy nhiên, lãnh đạo huyện thừa nhận, một số CBCCVC, NLĐ và người dân có ý thức thực hiện nội dung 2 quy tắc chưa cao; chưa có chế tài xử lý vi phạm quy tắc ứng xử nên vẫn mang tính vận động, nhắc nhở hành vi ứng xử.
Tại buổi kiểm tra, Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động đánh giá việc thực hiện 2 bộ quy tắc này tại Mỹ Đức đạt kết quả tích cực, song lưu ý từ huyện đến cơ sở không thể triển khai một cách phong trào trong ngày một ngày hai. Riêng trong tổ chức lễ hội, huyện dù phải giải quyết công ăn việc làm cho người dân nhưng cần giữ được kỷ cương, không làm mất bản sắc văn hóa của lễ hội; từ người bán hàng đến ban tổ chức cần chấp hành các quy tắc của lễ hội.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tại huyện rất nghiêm túc, chủ động, sáng tạo, phù hợp tình hình địa phương, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; đã tạo chuyển động tích cực trong nhận thức của CBCCVC, NLĐ, người dân về ứng xử với đồng nghiệp, nơi công cộng… "2 - 3 năm trở lại đây, tôi cảm nhận được chuyển biến rõ nét trong cung cách làm việc, thái độ của CBCCVC tại huyện”, Phó Bí thư Thành ủy nói.
Dù vậy, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, 2 quy tắc ứng xử này ra đời xuất phát từ mong muốn của lãnh đạo TP về chuyển biến về nhận thức của mọi người dân trong ứng xử, nhưng cần bắt đầu từ CBCC; mà để thực hiện được tốt thì cần có quá trình thường xuyên, không chỉ như phong trào, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, huyện Mỹ Đức cần có giải pháp kiên trì, thường xuyên rút kinh nghiệm, đưa ra mô hình mới chứ không dừng lại ở văn bản. Với người dân, việc thực hiện quy tắc thể hiện chuyển động ngay từ những việc nhỏ như ăn mặc, nói năng, đi đứng… nơi đông người, mà trước hết trong các lễ hội. Cùng với đó, huyện cần tuyên truyền rộng rãi những mô hình tốt; đặc biệt tăng cường kiểm tra tại các xã, phường, điểm sinh hoạt văn hóa…
Riêng với công tác chuẩn bị lễ hội, Phó Bí thư Thành ủy lưu ý Mỹ Đức có nhiều lễ hội trong đó rất lớn là lễ hội chùa Hương, năm nay đã xây dựng kế hoạch sớm với nhiều giải pháp nhằm khắc phục tồn tại. Tuy nhiên, kế hoạch này của huyện thể hiện vẫn thiếu giải pháp đột phá để việc tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay thực sự có thay đổi.
“Trực tiếp tôi đi kiểm tra thấy cần khắc phục ngay việc bố trí hàng quán, phải dẹp vào trong để không ảnh hưởng lối đi của người dân. Trong bố trí xuồng đò cần khắc phục ngay tình trạng tranh giành khách, bắt chẹt khách. Huyện phải có giải pháp cụ thể để người dân cảm nhận được chuyển biến rõ nét tại lễ hội, muốn vậy cần chọn một số việc cụ thể để tạo đột phá trong công tác tổ chức sao cho đúng luật, văn hóa và nhất là phải chuyên nghiệp, không chắp vá; để có thể chuyển hóa quy tắc ứng xử vào việc tổ chức lễ hội. Huyện và Sở VH&TT phối hợp kiểm tra ngay trước khi khai mạc, và trong thời gian lễ hội lại kiểm tra đột xuất” - đồng chí nêu rõ.