Tổ chức nhiều quầy hàng lưu động tại Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông
UBND quận Hai Bà Trưng đang triển khai tổ chức các quầy bán hàng lưu động phục vụ Nhân dân khi đến với không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận vào các ngày cuối tuần.
Theo đó, tại đây sẽ bố trí 7 - 14 quầy bán hàng lưu động dọc 2 bên trục đường Trần Nhân Tông, từ cổng chính Công viên Thống Nhất đến tượng đài Công an Nhân dân. Cụ thể, tại phần vỉa hè sát tường rào cũ của Công viên sắp xếp 3 cụm bán hàng lưu động, tại phần vỉa hè sát lòng đường bên phía hồ Thiền Quang sắp xếp 2 cụm bán hàng lưu động.

Mỗi cụm bán hàng gồm các xe quầy bán hàng lưu động không quây che chắn, lưu động đặt trên vỉa hè để tạo lối đi thông thoáng ở lòng đường, với kích thước nơi đặt xe bán hàng là 3mx3m.
Dự kiến ngày bắt đầu từ ngày 18/3/2023, các quầy hàng lưu động được tổ chức cùng thời gian hoạt động không gian đi bộ là 2 ngày/tuần vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần. Giờ hoạt động vào mùa Hè từ 7h30 ngày thứ Bảy đến 24h00 Chủ Nhật, vào mùa Đông từ 8h00 ngày thứ Bảy đến 24h00 Chủ Nhật. Đối với các dịp lễ hoặc khi có sự kiện đặc biệt, sẽ điều chỉnh tần suất và thời gian cho phù hợp.
Về sản phẩm kinh doanh, các quầy bán hàng lưu động bán các mặt hàng chính là nước giải khát, đồ ăn nhanh, đồ lưu niệm phục vụ Nhân dân tham gia phố đi bộ, không phục vụ khách ăn uống tại chỗ.
Để đảm bảo an ninh an toàn, vệ sinh môi trường tại không gian đi bộ, UBND quận đã đề nghị các đơn vị tham gia kinh doanh đóng xe bán hàng theo mẫu quy định; tự sắp xếp nguồn điện, nước, vệ sinh môi trường khi tham gia kinh doanh; đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định pháp luật.
Thực hiện Đề án số 11-ĐA/QU ngày 13/7/2021 của Quận ủy Hai Bà Trưng về tổ chức không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang gắn với phát huy giá trị cụm di tích chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận được quận Hai Bà Trưng đưa vào hoạt động tuy mới qua thời gian ngắn nhưng đã dần trở thành một điểm đến của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần.
Ngoài vị trí đắc địa, với tổng chiều dài tuyến phố đi bộ 1.600m, không gian đi bộ này còn có hệ sinh thái và các điểm văn hóa, vui chơi công cộng như: Khu vực Công viên Thống Nhất, Rạp xiếc T.Ư, Nhà văn hóa Học sinh - Sinh viên TP, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa kết hợp khu vực tượng đài “Công an Nhân dân vì dân phục vụ”.
Sau 2,5 tháng đi vào hoạt động (thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần), không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận đang dần trở thành không gian sáng tạo cộng đồng, không gian văn hóa… của quận Hai Bà Trưng nói riêng và Thủ đô nói chung, với ngày càng nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách.
Hàng tuần, đây là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quy mô khác nhau với sự tham gia của nhiều sở, ngành, đơn vị, hội, đoàn thể của TP, quận, phường, trường học và các tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật đến biểu diễn. Đặc biệt, các tiết mục, chủ đề, hoạt động cộng đồng phong phú, hấp dẫn được thay đổi theo từng tháng nhằm thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thưởng thức, tham gia.
Với kết quả khả quan bước đầu, quận Hai Bà Trưng đang phấn đấu đưa Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận trở thành điểm đến vào mỗi dịp cuối tuần của Nhân dân và du khách gần xa.

Quận Hai Bà Trưng: Khép kín địa bàn, giữ vững an ninh trật tự
Kinhtedothi- Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng yêu cầu việc bảo đảm an ninh trật tự, trật tự đô thị phải bài bản, kiên trì, làm đến đâu chắc đến đó, tránh tình trạng ra quân rầm rộ, hình thức nhưng thực tế thì giải quyết chậm.

Quận Hai Bà Trưng: Mỗi hộ dân được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy
Kinhtedothi - Đến ngày 13/3, cả 18/18 phường thuộc quận Hai Bà Trưng đã triển khai xây dựng mô hình phòng cháy chữa cháy, với tổng số 351 mô hình.

Quận Hai Bà Trưng tặng quà cho hàng trăm trẻ nghèo vùng cao
Kinhtedothi - Tổng giá trị 155,2 triệu đồng gồm hàng và quà được Hội Chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng trao tặng cho một số điểm trường ở 2 tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng - nơi có nhiều học sinh là người dân tộc, hoàn cảnh nghèo, khuyết tật từ các bản xuống học bán trú...