Trong Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến nêu rõ, xét xử trực tuyến là việc tổ chức xét xử trực tiếp có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng. Theo đó, phiên tòa trực tuyến sẽ được mở tại tòa án với thành phần tham gia là hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư. Riêng bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác không bắt buộc phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng vẫn đảm bảo nhìn thấy mọi hình ảnh, diễn biến phiên tòa xét xử và có thể trao đổi với nhau.
Theo dự thảo quy chế xét xử do TAND TC soạn thảo, các phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng; đảm bảo an toàn thông tin nhưng công khai, bình đẳng, giữ tôn nghiêm. Dự kiến, xét xử trực tuyến áp dụng với các vụ án hình sự dưới mức đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt dưới 15 năm tù), có chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang chịu tạm giam.
Xuất hiện cảnh sát với vai trò là người tham gia tố tụng khác!Dự thảo quy chế nêu, không mở phiên tòa, phiên họp trực tuyến đối với vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài; Vụ án hình sự bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, tội chống lại loài người, hủy hoại hòa bình…
Phiên xử trực tuyến sẽ gồm một điểm cầu trung tâm cùng các điểm cầu tham gia nhưng không quá 3 điểm tham gia với vụ hình sự hoặc không quá 5 điểm với các vụ dân sự, hành chính. Địa điểm những nơi này phải được ghi trong biên bản phiên tòa. Tại điểm cầu trung tâm sẽ có mặt HĐXX, kiểm sát viên và có thể có bị hại, đương sự, luật sư, người tham gia tố tụng khác (làm chứng, phiên dịch, giám định…). Các cá nhân, cơ quan, tổ chức được theo dõi tại đây nếu phiên tòa công khai.
Các điểm cầu tham gia vụ án hình sự sẽ bao gồm bị cáo, người bào chữa, cảnh sát của nơi giam giữ. Trong vụ án dân sự, hành chính, điểm cầu tham gia sẽ do đương sự lựa chọn và có thành phần gồm đương sự, luật sư. Người tham gia bào chữa, bảo vệ được quyền trao đổi trực tuyến với bị cáo, bị hại, đương sự nhưng phải được chủ tọa đồng ý.
Khi tham gia tố tụng trực tuyến, đương sự có thể đưa thêm chứng cứ bằng cách sao chụp, gửi cho HĐXX hoặc chủ tọa. Với bị cáo, nhờ cảnh sát tại nơi giam giữ sao chụp, gửi hộ và TAND sẽ xác định tư cách của cảnh sát này là người tham gia tố tụng khác. Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình dạng dữ liệu điện tử. Nếu mất kết nối khi diễn ra, chủ tọa phải cho tạm dừng làm việc và quyết định lần tiếp theo sẽ xét xử trực tuyến hay thông thường.
Việc xét xử trực tuyến ngoài việc phải đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật còn đòi hỏi các đối tượng, đương sự phải hợp tác, trong khi thời gian giãn cách xã hội có nhiều thẩm phán ở trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa, không nghiên cứu được hồ sơ vụ án thì cũng không thể xét xử được. Do đó, việc triển khai xét xử trực tuyến cũng không dễ.Luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội |