70 năm giải phóng Thủ đô

Tổ dân phố số 5 thị trấn Sóc Sơn: Lấy Quy tắc nắn chỉnh hành vi ứng xử

Bài, ảnh: Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi tọa đàm “Thực hiện có hiệu quả quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn” diễn ra sáng 19/6, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những ứng xử đẹp của cán bộ công chức, hiện tượng vứt rác bừa bãi, thiếu ý thức trong khi lưu hành giao thông còn là điều đáng lo ngại.

Lo từ chuyện trong nhà, ra ngoài đường

Từ đầu năm 2017, tổ dân phố số 5, thị trấn Sóc Sơn được chọn thí điểm triển khai Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng. Qua một năm rưỡi thực hiện, trên địa bàn dân cư số 5 đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong các cơ quan, tổ chức, các đảng viên, cán bộ, viên chức. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những hành động và lời nói chưa thực sự văn minh.

Theo bà Minh Lý - hội viên Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 5: “Việc giữ vệ sinh chung trên địa bàn còn khá phức tạp. Mặc dù tổ dân phố đã phối hợp với công ty vệ sinh môi trường quy định về giờ đổ rác từ 18 giờ 30 cho tới 21 giờ hàng ngày, nhưng đôi khi do xe rác đi quá nhanh, kẻng quá bé, người dân không thể chủ động mang rác ra xe kịp, nên xảy ra tình trạng nhiều gia đình mang rác ra lại mang vào. Rác một ngày tràn ngập làm người dân bức xúc, có người vô ý tiện tay để rác ra lề đường”.
Ông Nguyễn Trọng Điều, Tổ dân phố số 5, thị trấn Sóc Sơn chia sẻ về vấn đề ATGT trên địa bàn khu dân cư.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Lưu Hồng – hội viên Hội Người cao tuổi tổ dân cư số 5 cũng bức xúc về hiện tượng nhiều người dân do không muốn tập kết rác nhiều, ngại đi đổ xa, vun rác thành nhiều đống rồi đốt làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Bên cạnh đó, do địa bàn dân cư gần chợ Sóc Sơn và các trung tâm thương mại, có nhiều hàng quán tập trung đông, họp chợ, nên tình trạng mất vệ sinh xảy ra liên tục. “Người bán hàng mổ cá, đổ nước ra sàn, chất thải bắn tứ tung gây mùi hôi thối” - bà Lý bày tỏ.

Trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn tập trung nhiều trường học và khu thương mại, nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá đông. Giờ cao điểm, một số người thiếu ý thức đứng tràn ra đường nói chuyện gây tắc nghẽn. Bên cạnh đó, việc vi phạm luật giao thông, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều và vượt đèn đỏ vẫn thường xuyên xảy ra. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Điều - người dân thị trấn Sóc Sơn, nhiều người thiếu ý thức lên xe là phóng nhanh, vượt ẩu, đi không theo luật, lấn đường dẫn đến tình trạng chen nhau, tuýt còi ầm ĩ. Hơn nữa, tại cổng trường THPT Sóc Sơn nhiều tốp học sinh túm 5 tụm 3 làm ùn tắc giao thông. Nhiều học sinh phóng nhanh vượt ẩu, gây tai nạn xong bỏ chạy…

Người lớn cần làm gương

Hầu hết các đại biểu có mặt tại tọa đàm đều đồng nhất với quan điểm cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân trên địa bàn khu dân cư, qua đó nâng cao ý thức cá nhân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ trong việc thực hiện mục tiêu chung của TP.

“Nên nghiên cứu và đưa nội dung quy tắc này vào quy ước tổ dân phố để hàng năm có mục tiêu thực hiện. Thường xuyên đôn đốc các gia đình, biểu dương gia đình thực hiện tốt và nhắc nhở những trường hợp chưa tốt. Nên có biểu dương khen thưởng, nêu gương các cá nhân tập thể. Mỗi người dân có ý thức tuyên truyền vận động cho bộ QTƯX hiện diện khắp đường làng, ngõ xóm” - bà Nguyễn Thị Nhàn, người dân thị trấn Sóc Sơn chia sẻ.

Chị Đào Hằng – Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 5 cũng nhấn mạnh: “Để nâng cao văn hóa ứng xử, phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, gia đình bố mẹ ông bà phải làm gương. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần có những định hình về phong cách văn hóa ứng xử phù hợp hay những tình huống, câu chuyện, nội dung hình ảnh phổ biến cho học sinh ở nơi công cộng như ăn mặc, lời nói, đi lại. Ngoài ra, người dân cần đề xuất với chính quyền địa phương để tổ chức và nhân rộng các buổi phổ biến cho toàn thể Nhân dân về bộ QTƯX. Có như vậy, bộ QTƯX mới đi sâu, đi sát thực tiễn”.