Tổ trưởng tổ dân phố gắn kết tình làng nghĩa xóm

Bài, ảnh: Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 12 năm tham gia công tác hòa giải, ông Trương Hồng Ân (Tổ trưởng Tổ dân phố 7, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) luôn được bà con kính trọng và tin tưởng vì sự gần gũi, biết chia sẻ với mọi người.

Với cương vị là Tổ trưởng tổ dân phố, ông Trương Hồng Ân luôn nắm bắt mọi tâm tư nguyện vọng của người dân để truyền đạt đến lãnh đạo phường Quang Trung. Ông là chiếc cầu nối bắc nhịp cho chính quyền đến gần hơn với bà con khu phố mình. Là người sống lâu năm ở tổ dân phố, ông Ân luôn nắm rõ các vụ việc trên địa bàn, hiểu rõ về từng người nên nếu xảy ra mâu thuẫn trong các gia đình, hàng xóm ở tổ dân phố thường chủ yếu về tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa cha con, anh em, vợ chồng, hàng xóm, ông cùng tổ hòa giải luôn có mặt kịp thời để giải quyết.

Ông Trương Hồng Ân (giữa) và các thành viên tổ hòa giải ở phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây.

“Vừa qua, trên địa bàn phường Quang Trung có 2 gia đình hàng xóm mâu thuẫn với nhau vì tranh chấp đất đai, xây nhà. Ông Hùng xây nhà trước, bà Loan xây sau đã xảy ra va chạm khiến ông Hùng không đồng ý cho gia đình bà Loan xây sát vào tường nhà mình; đồng thời kiện lên UBND phường. Chúng tôi đã giải quyết bằng cách mời cán bộ địa chính xuống đo đạc, kiểm tra toàn bộ diện tích của 2 nhà, phát hiện họ xây dựng không lấn chiếm diện tích của nhau. Cũng chỉ vì lời ăn tiếng nói giữa 2 gia đình chưa vừa lòng nhau nên chúng tôi đã dùng tình cảm hàng xóm láng giềng, đoàn thể để khuyên nhủ. Ngoài việc yêu cầu gia đình bà Loan xây nhà ở TP theo đúng quy định về hè đường, chúng tôi cũng đề nghị cho hộ bà Loan xây nhà sát vào tường nhà ông Hùng, tường nhà vừa kín, nhà bền chắc không bị hắt nước vào. Sau khi chúng tôi phân tích, ông Hùng đã rút đơn về” – ông Ân chia sẻ.
Ở tổ dân phố có những vụ tranh chấp, mâu thuẫn, đến những vụ xô xát gây mất trật tự, ông Ân đều có mặt và giải quyết có tình có lý khiến bà con rất khâm phục.
Nhiều năm tham gia công tác ở tổ dân phố, tham gia công tác hòa giải, điều mà ông Trương Hồng Ân trăn trở, đó là một bộ phận Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Những người tham gia tổ hòa giải đều là những người gương mẫu, có uy tín, có kinh nghiệm, chấp hành pháp luật, sống có tình nghĩa, vì dân, luôn lắng nghe, tuyên truyền và giải thích cho người dân phải sống, xây dựng nhà nước pháp quyền, tôn trọng pháp luật, ở địa phương luôn giúp đỡ nhau. Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện khó khăn về chỗ ở, việc làm, thu nhập, phải bươn chải với cuộc sống, người dân không nghiên cứu về pháp luật, các chính sách, chế độ nên nhận thức còn hạn chế. Khi tổ dân phố mời đi họp, tuyên truyền, vận động, người dân cũng không thể nắm được. Vì vậy, tổ hòa giải luôn phải hỗ trợ, tuyên truyền, giúp đỡ người dân về các vấn đề luật pháp, đạo lý, tình người để người dân hiểu biết và chấp hành.
Ông Ân cũng cho hay, ở tổ dân phố triển khai, thực hiện mô hình tổ hòa giải “5 tốt” kết hợp với các đoàn thể, gắn với nhiệm vụ ở tổ để nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải. Điều mà ông mong muốn, đó là kịp thời phát hiện các vụ việc mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở để chủ động hòa giải, sẽ hạn chế được các hậu quả xảy ra, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Theo quan niệm của ông Ân, gia đình hạnh phúc thì mọi người mới yên tâm công tác, cống hiến cho xã hội.
Trong thời gian làm Tổ trưởng tổ dân phố, ông đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Đây là niềm vinh dự và là động lực để ông tiếp tục cống hiến với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần