Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tòa án Nhân dân Tối cao đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần 2

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống. Ảnh: Thanh Hải

Ngày 9/9, Tòa án Nhân dân Tối cao đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tòa án Nhân dân (13/9/1945 – 13/9/2015); đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II và Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án Nhân dân lần thứ III. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống.  Ảnh  Thanh Hải
Kinhtedothi - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống. Ảnh: Thanh Hải
Trong diễn văn ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình nêu rõ, tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Nhân dân ta đã giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ngày 13/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33-C thiết lập các Tòa án quân sự để trấn áp các phần tử phản cách mạng, bảo vệ chính quyền dân chủ Nhân dân mới được thành lập. Để hoàn thiện hệ thống Tòa án, ngày 24/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán. Như vậy, Tòa án quân sự là tiền thân của hệ thống Tòa án Nhân dân hiện nay và ngày 13/9 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Tòa án. 

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp từng bước được bổ sung và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án không ngừng được nâng cao. Cán bộ, công chức Tòa án có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, Nhà nước và tận tụy với Nhân dân. Đội ngũ hội thẩm tòa án cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động giải quyết, xét xử tại các Tòa án Nhân dân. 

Với những đóng góp to lớn của hệ thống Tòa án Nhân dân, Tòa án quân sự trong suốt 70 năm qua, hệ thống Tòa án Nhân dân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2015, Đảng và Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II cho hệ thống Tòa án Nhân dân. 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà hệ thống Tòa án Nhân dân các cấp đã đạt được trong 70 năm qua. Chủ tịch nước lưu ý, ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của Nhân dân ta có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức gay gắt. Các Tòa án Nhân dân cũng có những thuận lợi rất cơ bản, đó là chủ trương, đường lối của Đảng về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020; vai trò, vị trí trung tâm của Tòa án đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và được thể chế hóa trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014; hoạt động của Tòa án sẽ được cải cách mạnh mẽ hơn thông qua việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tố tụng để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp và đảm bảo hoạt động xét xử là hoạt động trọng tâm của các hoạt động tư pháp. 

Bên cạnh đó, những thách thức đối với công tác của Tòa án Nhân dân hiện nay cũng rất lớn, nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân cũng rất nặng nề. Tình hình các loại tội phạm và các tranh chấp trong xã hội ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp hơn về tính chất, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm quốc tế. Trước tình hình đó, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt ra đối với công tác xét xử ngày càng cao; đòi hỏi mỗi Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các Tòa án cần phải có quyết tâm cao, cầu thị hơn nữa để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm. Đồng thời, không ngừng cố gắng, nỗ lực trong công tác và học tập để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. 

Cùng với đó, các Tòa án cần tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Mỗi Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các Tòa án phải luôn ghi nhớ, thấm nhuần sâu sắc, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ “Trong công tác xét xử phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Nhưng thế cũng chưa đủ. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”, “Là những người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên phải nêu cao cái gương: Phụng công thủ pháp, chí công vô tư cho Nhân dân noi theo”.

Với truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với những đổi mới tích cực của các Tòa án Nhân dân, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, hệ thống Tòa án Nhân dân nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra đối với công tác Tòa án trong tình hình mới. 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II cho Tòa án Nhân dân; truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố Chánh án đầu tiên của Tòa án Nhân dân tối cao Phạm Văn Bạch; trao Huân chương Hồ Chí Minh cho nguyên chuyên viên, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Trọng tài Kinh tế Nhà nước, Tòa án Nhân dân Tối cao Trần Kim Giám.