Các thẩm phán đã bác vụ kiện nhằm vào các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin được gửi trực tiếp lên tòa án tối cao khi cho rằng bang Texas không có tư cách pháp lý để đưa ra cáo buộc.
"Bang Texas đã không thể hiện lợi ích có thể nhận thức được về mặt tư pháp đối với cách thức các bang khác tiến hành bầu cử" - Tòa án cho hay
Theo đó, 7 trong 9 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ không đồng ý xúc tiến vụ kiện này. Tuy nhiên, 2 thẩm phán thuộc phe bảo thủ của tòa, Samuel Alito và Clarence Thomas cho biết họ có thể cho phép Texas khởi kiện nhưng sẽ không chặn 4 bang xác nhận kết quả bầu cử của họ.
Quyết định này kết thúc vụ kiện được Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi là "vụ kiện lớn", đồng thời có thể là sự kết thúc đối với các nỗ lực pháp lý ông đang thúc đẩy Tòa án Tối cao tác động vào kết quả bầu cử.
Trước đó, hôm 8/12, Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton công bố vụ kiện quy trình bầu cử tại các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vi hiến. Đơn kiện được gửi thẳng tới Tòa án Tối cao Mỹ. Đơn kiện bang Texas cho rằng, các bang nói trên vi phạm điều khoản đại cử tri của hiến pháp khi thay đổi trong quy định và quy trình bỏ phiếu thông qua tòa án hoặc các biện pháp hành pháp, thay vì cơ quan lập pháp của bang.
Theo Tổng chưởng lý bang Texas, các quy định và quy trình bầu cử khác nhau ở các hạt trong các bang là vi phạm điều khoản bảo vệ công bằng của hiến pháp. Đồng thời, ông Ken Paxton lập luận những vi phạm này dẫn đến "các sai phạm bỏ phiếu" ở 4 bang trên.
Cũng theo đơn kiện, Tổng chưởng lý bang Texas yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ cho phép cơ quan lập pháp bang chỉ định đại cử tri.
17 bang khác và 106 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ủng hộ vụ kiện của Bang Texas.
Tuy nhiên, trong đơn phản hồi đưa ra ngày 10/12, các đại diện của bang chiến trường này thúc giục Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện của Texas. Tổng chưởng lý ở 4 bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin nói những tuyên bố mà bang Texas đưa ra trong đơn kiện gửi lên Tòa án Tối cao là không có cơ sở thực tế hay pháp lý.
4 bang trên nói rằng đơn kiện của Texas không đưa ra được căn cứ thực tế hay pháp lý nào, và những tuyên bố được nêu trong đơn là "sai sự thật". Liên minh hơn 23 bang và vùng lãnh thổ hôm 10/2 đã nộp bản đóng góp ý kiến thúc giục tòa tối cao bác yêu cầu của bang Texas.
Vụ kiện, được xem là tia hy vọng cuối của ông Trump, hướng đến lật ngược chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 3/11. Tuy nhiên, đến nay những nỗ lực đó vẫn chưa mang lại kết quả.
Trước đó, nhiều chuyên gia về hiến pháp không nghĩ rằng Tòa án Tối cao Mỹ sẽ đồng ý xem xét vụ kiện đề xuất tước quyền bỏ phiếu của hàng triệu cử tri.