Tòa có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng khi xử án?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người được ủy quyền đã thực hiện hành vi vượt quá phạm vi được ủy quyền, đem tài sản không do mình sở hữu thế chấp ngân hàng để bảo lãnh cho khoản vay của người thứ ba.

Hai cấp xét xử của TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên hủy hợp đồng thế chấp của người được ủy quyền. Điều đáng nói, sau khi bản án bị kháng nghị, quá trình xét xử phúc thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không áp dụng đúng pháp luật để tuyên án?

Mang tài sản được ủy quyền đi thế chấp

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đạt và bà Nguyễn Thị Năm (trú tại 118, đường 8/3 phường 5, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) là chủ sở hữu các căn nhà và đất tại TP Hồ Chí Minh, gồm: Căn nhà số 30A và 38A đường Nhiêu Tâm, phường 5, quận 5; Quyền sử dụng đất (có tài sản gắn liền với đất) tại thửa số 909-23, tờ bản đồ số 6. Địa chỉ lô B1- 07 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Ngày 19/10/2009, ông Đạt, bà Năm đã làm hợp đồng ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (SN 1958, ngụ tại 30A Nhiêu Tâm, phường 5, quận 5) được quyền thay mặt mình: “Quản lý, sử dụng, cho thuê, thanh lý cho thuê, sửa chữa, xin phép xây dựng, hoàn công, đóng các loại thuế, đăng ký, thế chấp, xóa thế chấp, bán chuyển nhượng hoặc tặng cho, hủy hợp đồng mua bán - chuyển nhượng, hủy hợp đồng tặng cho (kể cả trước và sau khi xây dựng) đối với các tài sản nêu trên, căn cứ theo những quy định của pháp luật hiện hành”, được Phòng công chứng số 5, TP Hồ Chí Minh chứng thực.
Căn nhà số 38A, đường Nhiêu Tâm, phường 5, quận 5 có chủ sở hữu  là ông Đạt và bà Năm.
Căn nhà số 38A, đường Nhiêu Tâm, phường 5, quận 5 có chủ sở hữu là ông Đạt và bà Năm.
Ngày 15/3/2011, bà Tươi đã tiến hành ký Hợp đồng thế chấp số 93/EIBSDG1-TDDN/BLTS/11 và số 94/EIBSDG1-TDDN/BLTS/11, thế chấp nhà đất của ông Đạt, bà Năm cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Sở giao dịch 1 (SGD1) để đảm bảo cho một phần khoản vay 35 tỷ đồng của Công ty TNHH SX - TM Cao su Thành Công (Công ty Thành Công), ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh do bà Nguyễn Thị Xuyến làm Giám đốc, theo Hợp đồng tín dụng số 2000-LAV-201101382 mà Công ty Thành Công đã ký với Eximbank SGD1 (ngày 14/3/2011).

Hơn 4 tháng sau, ngày 21/7/2011, Eximbank SGD1 và Công ty Thành Công đã tự thỏa thuận tăng hạn mức tín dụng lên 46 tỷ đồng của Hợp đồng tín dụng số 2000-LAV-201101382 được ký (ngày 14/3/2011) mà không thông báo cho bà Tươi được biết. Sau khi vay được tiền, Công ty Thành Công đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ cho Eximbank nên bị ngân hàng này khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Eximbank yêu cầu được phát mãi các tài sản thế chấp nêu trên để thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay của Công ty Thành Công. Vụ án đã được TAND huyện Củ Chi xét xử sơ thẩm và TAND TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm.

Bản án sơ thẩm số 49/2012/KDTM - ST (ngày 24/9/2012) của TAND huyện Củ Chi và Bản án phúc thẩm số 105/2013/KDTM - PT (ngày 18/1/2013) của TAND TP Hồ Chí Minh đã nhận định: Căn cứ Điều 361, Bộ luật Dân sự 2005 “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh)”, thì bản chất của Hợp đồng thế chấp số 93 và 94 nêu trên, là hợp đồng bảo lãnh chứ không phải là hợp đồng thế chấp vì bà Tươi là người thứ ba đem tài sản của ông Đạt, bà Năm để đảm bảo cho Công ty Thành Công vay tiền của Eximbank.

Trong khi tại hợp đồng ủy quyền, ông Đạt, bà Năm không ủy quyền cho bà Tươi được quyền đem tài sản nêu trên để bảo lãnh cho người khác (Công ty Thành Công) vay tiền. Theo đó, bà Tươi đã thực hiện vượt quá phạm vi mà ông Đạt, bà Năm đã ủy quyền. Vì vậy, cả hai bản án đã tuyên hủy Hợp đồng thế chấp số 93 và 94 nêu trên. Buộc Eximbank phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ giấy tờ liên quan đến các căn nhà và đất nêu trên cho ông Đạt và bà Năm.

Vi phạm thủ  tục tố tụng? 
Theo luật sư Phạm Minh Tâm: Tại Hợp đồng tín dụng 2000-LAV-201101382, Eximbank SGD1 đã cấp hạn mức 35 tỷ đồng cho Công ty Thành Công vay trong khi tài sản đảm bảo được định giá chỉ 23 tỷ đồng. Như vậy, Eximbank SGD1 có dấu hiệu “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179, Bộ luật Hình sự)”, cần phải bị xử lý hình sự vụ việc này.

Bản án số 213/2015/KDTM-PT (ngày 5/2/2015) của TAND TP Hồ Chí Minh cho rằng: Căn cứ Khoản 1, Điều 31, Nghị định 84/2007/NĐ-CP (ngày 25/5/2007) của Chính phủ quy định: “Bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai được hiểu là thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho người thứ ba vay vốn theo quy định của Bộ luật Dân sự (sau đây gọi chung là thế chấp bằng quyền sử dụng đất)”; Điểm 2.1, Khoản 2, Mục I, Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT (ngày 13/6/2006) của Bộ Tư pháp và Bộ TN&MT quy định: “Thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba mà trong Luật Đất đai gọi là bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất (gọi chung là thế chấp quyền sử dụng đất)”; Khoản 4, Điều 72, Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 29/12/2003) về giao dịch bảo đảm: “Việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất… được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba”.

Chính vì áp dụng sai điều khoản các văn bản nêu trên, nên HĐXX đã tuyên: “Việc bà Tươi ký hợp đồng thế chấp tài sản đề đảm bảo cho khoản vay của Công ty Thành Công tại Eximbank là hoàn toàn phù hợp với hợp đồng ủy quyền của ông Đạt, bà Năm và không vượt quá phạm vi mà ông Đạt, bà Năm đã ủy quyền. Công nhận hợp đồng thế chấp số 93 và 94 có hiệu lực pháp luật”.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định: HĐXX Tòa phúc thẩm không biết “vô tình hay cố ý” không áp dụng pháp luật trong Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Đất đai sửa đổi năm 2009 mà lại áp dụng các Nghị định để làm căn cứ tuyên án. Tuy nhiên, khi áp dụng các Nghị định, HĐXX lại áp nửa vời, trích dẫn sai nội dung những điều quy định…, “cố ý” hiểu sai tinh thần của Nghị định (?!). Cụ thể, khi áp dụng Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/12/2003 về giao dịch bảo đảm, HĐXX lại “cố ý” lờ đi không đả động đến Điều 13 của Nghị định - Trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc sở hữu của bên bảo đảm: “Trong trường hợp bên bảo đảm dùng tài sản không thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại các Điều 256, 257 và 258 Bộ luật Dân sự”. Và Điều 2 của Nghị định 163 quy định: “Việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”.

Căn cứ Khoản 1, Điều 342, Bộ luật Dân sự 2005: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp”; Khoản 1, Điều 106, Luật Đất đai 2009 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Luật sư Phạm Minh Tâm nhấn mạnh, Luật Đất đai sửa đổi năm 2009 và Bộ luật Dân sự 2005 quy định rất rõ: “Chỉ chủ sở hữu tài sản mới được quyền thế chấp, bảo lãnh cho người thứ ba vay vốn ở tổ chức tín dụng, chứ không quy định người được ủy quyền (là bà Tươi) được quyền đem tài sản không thuộc sở hữu của mình (bà Tươi chỉ được ủy quyền thế chấp tài sản) để bảo lãnh cho người thứ ba vay vốn”. Như vậy, bà Tươi đem nhà và đất của ông Đạt, bà Năm thế chấp tại Eximbank để bảo lãnh cho Công ty Thành Công vay tiền là vượt quá phạm vi được ủy quyền.

Tại phiên tòa ngày 5/2/2015, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: “Riêng hai Hợp đồng thế chấp số 93 và 94 nêu trên, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, án sơ thẩm tuyên vô hiệu là phù hợp pháp luật, vì vậy đề nghị không chấp nhận việc nguyên đơn và bị đơn yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp trong hai hợp đồng thế chấp này và tuyên hủy bỏ hai hợp đồng số 93 và 94 ký ngày 15/3/2011”.

Luật sư Phạm Minh Tâm phân tích: “Bản án số 213/2015/KDTM-PT ngày 5/2/2015 của TAND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm nghiêm trọng việc áp dụng pháp luật khi tuyên án, cụ thể: Vi phạm Điều 13, Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006; vi phạm các Điều 256, 257, 258, 320 và 342 Bộ luật Dân sự 2005 và vi phạm Điều 106, Luật Đất đai 2009. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp và thiếu người tham gia tố tụng theo Điều 56, Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi năm 2011”.