Tọa đàm "Hồi ký chiến tranh" của Charles de Gaulle

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 16/5, tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace (Tràng Tiền, Hà Nội), Alpha Books và Trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam - VICC tổ chức tọa đàm xoay quanh tác phẩm Hồi ký chiến tranh của Charles de Gaulle nhân dịp xuất bản tập đầu bằng tiếng Việt.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của Ngài Jean-Noël Poirier - Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Pierre Journoud - giáo sư Sử học hiện đại Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier và GS Nguyễn Văn Khánh - Viện trưởng Viện chính sách và Quản lý.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tập đầu trong bộ ba Hồi ký chiến tranh của Tướng de Gaulle có tựa đề Tổ quốc gọi tên được xuất bản năm 1954, năm kết thúc chiến tranh Đông Dương. Với một “tư tưởng nào đó” về nước Pháp và Pháp ngữ, tác giả - người rút lui khỏi chính trường vào năm 1946, làm nổi bật trong cuốn sách các cuộc chiến chính trị và quân sự của nước Pháp tự do trong Thế chiến II, từ 1940 đến 1942. Truyện viết ở ngôi thứ nhất bộc lộ tầm quan trọng của nhiệm vụ mà tướng de Gaull đảm nhận khi phát trên sóng BBC Lời Kêu gọi kháng chiến trứ danh ngày 18/6/1940, chống lại Đức quốc xã và chính phủ Vichy hợp tác với quân chiếm đóng. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách thành công vang dội tại Pháp.

Nhân dịp xuất bản lần đầu tiên tác phẩm bằng tiếng Việt, ba diễn giả - Đại sứ Pháp tại Việt Nam và hai nhà sử học, một người Việt Nam và một người Pháp - bàn về “cuộc phiêu lưu tập thể lớn nhất thế kỷ của Pháp và cuộc đấu tranh kiên trì của một người nổi loạn xuất chúng để vực nước Pháp đứng lên từ vực sâu, đem lại chiến thắng vẻ vang cho cường quốc Pháp” (Jean-Louis Crémieux-Brilhac).

Không giống với những nhân vật của công chúng khác, de Gaulle tự tay viết nên cuốn hồi ký này. Điều đáng nói, với bộ sách này, độc giả không chỉ được thấu hiểu quãng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời của de Gaulle với bao nỗi gian truân, đơn độc và sự thất vọng trong những tháng ngày tha hương, những ảnh hưởng lớn về tư tưởng mà ông đã để lại trên chính trường Pháp cho đến ngày hôm nay… mà còn được thưởng thức một áng văn trác tuyệt từng được đề cử giải thưởng Nobel Văn học năm 1963, với lối viết tao nhã đầy tính văn chương của một ngòi bút bậc thầy được coi là hiện thân của nền văn học hiện đại Pháp

Vận mệnh của tướng de Gaulle không chỉ gắn liền với những trang sử huy hoàng nhất của nước Pháp thế kỷ XX, mà còn là hiện thân cho đường lối đối ngoại độc lập của nền Cộng hòa thứ Năm. Lập trường của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam và sự phản đối các hành động quân sự của Mỹ chưa đầy 1 thập kỷ sau Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là minh chứng cho sự phát xét đúng mực và quan điểm tân tiến của ông về quan hệ quốc tế. Có thể nói, thông qua những hoạt động của mình, Tướng de Gaulle đã góp phần to lớn cho sự phát triển quan hệ song phương mạnh mẽ và lâu dài giữa Việt Nam và Pháp.