Qua 1 năm hoạt động mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình cũng có nhiều thuận lợi và khó khăn.
Thuận lợi là được sự quan tâm của Bộ Y tế, Sở Y tế, UBND xã. Sau khi triển khai được sửa lại cơ sở vật chất, đến nay rất khang trang, sạch đẹp. Trang thiết bị được đầu tư mới từ văn phòng đến trang bị y tế.
Nhân lực tại trạm có 11 cán bộ cũ, có bác sĩ tuyến huyện được cử về luôn phiên khám và điều trị. Thuốc năm 2019 có đầy đủ các loại thuốc 140/249 loại theo quy định. Về quản lý sức khỏe toàn dân đã quản lý được 97% dân số trong xã.
|
Bà Trần Thị Mai Hương phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Khó khăn là nhiều người dân chưa hiểu rõ khám chữa bệnh gia đình nên khâu tuyên truyền khá vất vả. Về ứng dụng CNTT, trạm sử dụng 3 phần mềm nhưng không kết nối với nhau, tốn nhân lực để sử dụng. Phần mềm chưa kết nối với bệnh viện tuyến trên nên khó khăn trong việc theo dõi bệnh nhân.
Ngoài ra, bác sĩ từ tuyến trên về thực hiện nhiệm vụ chỉ được tính 70% chi phí, điều này khiến nhiều bác sĩ có ý kiến.
Hiện tại, trung bình 50 đến 60 bệnh nhân đến khám chữa bệnh nhưng nhân lực không được tăng, dẫn tới nhiều khó khăn.
Với Tân Hội, nổi bật nhất 2019 là triển khai được mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, với các bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường điều trị được nhiều hiệu quả. Cũng trong năm đã triển khai được hạng mục y học cổ truyền.
Ông Nguyễn Gia Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng: Áp dụng Trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng được sự chỉ đạo sát sao của huyện cũng như sự quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của huyện.
Đến nay, TTYT huyện Đan Phượng đã xây dựng 10 Trạm y tế. Theo kế hoạch, đến 2020, TTYT huyện Đan Phượng xây dựng 16/16 TYT. Với sự đầu tư kinh phí là hơn 29 tỷ đồng, các Trạm y tế của huyện Đan Phượng đã được bố trí các buồng phòng chức năng, hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của Nhân dân.
Nhờ triển khai mô hình tốt, nên các Trạm y tế của huyện được Nhân dân tin tưởng, hưởng ứng và cảm ơn vì họ được hưởng lợi rất nhiều. Bởi thay vì trước đây, Nhân dân phải đi lên tuyến trên KCB vừa mất chi phí cao lại vừa mất thời gian đi lại, chờ đợi.
Ngoài ra, khi triển khai mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, TTYT huyện Đan Phượng được các BV tuyến T.Ư (Bệnh viện Châm cứu T.Ư, Bệnh viện E), hàng tuần về hỗ trợ các trạm y tế KCB về bệnh tiểu đường, châm cứu, cầm tay chỉ việc, đào tạo cho cán bộ cơ sở…
Tuy nhiên, các trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn khi nhân lực y bác sĩ còn thiếu trong khi đó, trạm y tế có rất nhiều chương trình, hoạt động nên các trạm y tế không thể làm nhiều việc song song. Khó khăn đó là các bác sĩ của BV tuyến trên không thể về hỗ trợ các trạm y tế hàng ngày.
Một số trạm y tế đã triển khai theo nguyên lý, lượng bệnh nhân cũng có tăg lên nhiều so với trước nhưng lượng bệnh nhân tăng chưa như kỳ vọng. Ngoài ra, thanh toán bảo hiểm y tế còn nhiều khó khăn. Các dịch vụ chuyên sâu chưa thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế.
Ông Trần Trọng Thắng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn):
Như các đơn vị khác được sự quan tâm từ các cấp, việc triển khai mô hình nguyên lý y học gia đình đã được xã triển khai từ 2014. Trong quá trình triển khai có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn.
Đây là mô hình mới nên kinh phí luôn là vấn đề đầu tiên. Đối với trạm y tế Mai Đình cũng là cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị. Nhưng từ các năm trước trạm đã được huyện Sóc Sơn hỗ trợ đào tạo nhân lực cũng như đầu tư trang thiết bị cùng sự giúp đỡ của bệnh viện tuyến trên.
Năm 2019, mô hình nguyên lý y học gia đình được quan tâm hơn từ các cấp nên khi triển khai người dân được hưởng lợi rất nhiều. Có những ngày trên 100 bệnh nhân, trung bình là từ 60 đến 70 bệnh nhân/ngày.
Song song với đó, việc người dân được quản lý và điều trị những bệnh phù hợp với trạm y tế sẽ giúp người dân chuyển tuyến giảm đi đáng kể. Tỷ lệ chuyển tuyến hiện nay chỉ từ 5 - 9%.
Về chế độ đãi ngộ với bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ đã đảm bảo nhưng cũng cần cho trạm y tế xã nhân lực để nhận chuyển giao công nghệ. Từ đó mới giúp mô hình nguyên lý y học gia đình phát triển bền vững được.
Trước đây khi chưa triển khai mô hình thì năng lực, trình độ của cán bộ y tế không được tăng lên nhưng sau khi triển khai mọi thứ đã được cải thiện từ đó mang lại lợi ích cho người dân.
Chúng ta cần liên tục nâng cao chất lượng thiết bị, cơ sở vật chất để người dân yên tâm hơn. Đồng thời gia tăng số lượng nhân sự để đảm bảo năng suất làm việc. Ưu tiên chế độ để kéo bác sĩ về với tuyến cơ sở. Tăng cường nguồn kinh phí cho hoạt động của mô hình nguyên lý y học gia đình. Với đội công tác viên y tế thôn cần có phụ cấp nhằm mang lại công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.