Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/12, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn.

Từ năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng loạt, mạnh mẽ các hoạt động để phòng, chống rác thải nhựa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Việt Nam phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống rác thải nhựa, túi nilon dùng một lần và bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực.
 Các khách mời tham gia buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP Hà Nội về Công tác Phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP Hà Nội; căn cứ Biên bản ký kết về việc hợp tác truyền thông giữa Báo Kinh tế & Đô thị và Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, ký ngày 1/11/2017, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường Hà tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn.
Tham gia buổi tọa đàm có:
- Về phía Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội có: Bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định & Đánh giá tác động môi trường.
- Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.
- Ông Vũ Duy Hưng - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội.
- Ông Kiều Việt - Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Du lịch Hà Nội.
- Ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO).
- GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam).

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết: Công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và túi nilon trong những năm gần đây luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp và Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Trong năm học mới, một học sinh lớp 6 trường Marie Curie đã gửi thư tới lãnh đạo với mong muốn không sử dụng bóng bay trong lễ khai giảng, để thấy ý thức về bảo vệ môi trường, chống lại rác thải nhựa và túi nilon đã được cộng đồng quan tâm.

Hôm nay, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm về nội dung này. Bằng việc tổ chức cuộc tọa đàm, chúng tôi mong muốn nhận được sự đóng góp của các chuyên gia, các sở ban ngành để có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống của người dân Thủ đô, đặc biệt góp phần vào việc hạn chế rác thải nhựa mà TP đang và sẽ triển khai trong năm 2020.

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành trong công tác quản lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, cụ thể:
- Thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhân thức, trách nhiệm của cộng đồng về việc thay đổi những thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời kêu gọi các Hiệp hội, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP cùng chung tay trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực.
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp thu gom và xử lý rác thải công nghiệp phát sinh theo đúng quy định. Hiện nay, các đơn vị, cơ sở sản xuất thường tự phân loại ngay tại nguồn để phục vụ nhu cầu tái chế, tái sử dụng lại, phần chất thải rắn công nghiệp nguy hại được hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý.
- Phối hợp với Sở Công thương tham mưu trình UBND TP ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 31/10/2018 hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP giai đoạn đến năm 2020.
- Chủ trì tham mưu cho UBND TP phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và T.Ư đoàn tổ chức Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa vào ngày 9/6/2019 tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Đây là sự kiện lần đầu được tổ chức tại Hà Nội và có tính chất tiêu biểu trên địa bàn cả nước; có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và có ý nghĩa chính trị quan trọng; tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành T.Ư, lãnh đạo các địa phương, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các Tập đoàn, Tổng công ty, các tổ chức quốc tế và đông đảo học sinh, sinh viên; nhân dân TP Hà Nội và các đơn vị báo chí, truyền hình.
- Chủ trì tham mưu cho UBND TP ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về "Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025".
Trong thời gian tới, để tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa, Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai các nhiệm vụ sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thủ đô trong việc thay đổi thói quen trong sinh hoạt hạn chế sử dụng túi nilon các sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần; giới thiệu mô hình thu gom, tái chế thực tế trong nước và Quốc tế về giảm thiểu chất thải nhựa để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng.
- Phối hợp với các tổ chức chính trị nhằm tăng cường vai trò, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn TP.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thuộc UBND TP; UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về "Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025".
KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 3

    Trưởng phòng Thẩm định & Đánh giá tác động môi trường

    Bà Nguyễn Thị Hưởng

  • Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 4

    Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

    Bà Trần Thị Phương Lan

  • Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 5

    Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Hà Nội

    Ông Vũ Duy Hưng

  • Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 6

    Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú - Sở Du lịch Hà Nội

    Ông Kiều Việt

  • Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 7

    Phó Tổng Giám đốc Công ty - Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO).

    Ông Phạm Văn Đức

  • Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 8

    Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam)

    GS.TS Đặng Kim Chi

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Hoàng Thi (hoangthihn@gmail.com) hỏi:
Có một thực trạng là đa số các cơ sở sản xuất túi nilon, đồ nhựa dùng một lần đều là các cơ sở nhỏ lẻ, phân tán và dùng công nghệ thô sơ nên khó quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có cho rằng đây là vấn đề khó khăn nhất trong quản lý, hạn chế sử dụng rác thải nhựa hiện nay?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 9
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời:
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện điều tra tình hình hoạt động sản xuất của các Nhà máy, cơ sở sản xuất nhựa, túi nilon khó phân hủy để làm cơ sở đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp:
- Đưa các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào Khu, cụm công nghiệp để dễ quản lý.
- Chấm dứt ko còn tồn tại những cơ sở tự phát, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân để đảm bảo an sinh xã hội.
- Có chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất chuyển đổi áp dụng công nghệ hiện đại và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy.
- Khuyến khích đầu tư xã hội hóa trong việc đầu tư Nhà máy thu gom tập trung, tái chế chất thải nhựa.
Bạn đọc Phạm Thùy Dung (Quận Đống Đa) hỏi:

Việc quản lý các phòng khám tư nhân trong việc sử dụng và xả thải rác y tế bằng nhựa hiện nay được thực hiện như thế nào?


Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 10
Ông Vũ Duy Hưng trả lời:
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có trên 3.900 phòng khám tư nhân. Theo phân cấp các phòng khám đều được phòng y tế quận huyện và các UBND xã phường thị trấn phối hợp quản lý. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các phòng ban của Sở phối hợp với các phòng y tế để thực hiện kiểm tra giám sát đối với các phòng khám tư nhân. Trong đó, có việc quản lý chất thải y tế.
Sở Y tế sẽ thực hiện nghiêm túc xử lý đối với các phòng khám tư nhân nếu phát hiện sai phạm trong đó có việc xả thải ra môi trường rác thải y tế (có thể đình chỉ, thu hồi, tạm dừng hoạt động).
Sở Y tế rất mong có sự phối hợp của các đơn vị thu gom khi phát hiện cơ sở sai phạm sẽ thông tin ngay đến Sở Y tế, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.
Ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO): Thực tế cho thấy công tác quản lý, phân loại rác thải của các phòng khám tư nhân trên địa bàn TP không thể tốt và hiệu quả như trong bệnh viện. Thậm chí, nhiều cơ sở chỉ ký hợp đồng thu gom để hoàn thiện hồ sơ hoạt động. Sau đó, họ không tuân thủ mà vứt rác ra nơi công cộng, không phân loại.
Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của Sở Y tế và sẵn sàng phối hợp trong công tác thanh kiểm tra các đơn vị trên. Đồng thời có những báo cáo, đề xuất với Sở về những hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Cũng mong Sở xem xét, nếu đơn vị vi phạm nhiều lần hoặc mức độ vi phạm nặng về vấn đề rác thải y tế thì có thể xem xét đến việc tạm dừng cấp giấy phép hoạt động.
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Ánh (anhnguyen@gmail.com) hỏi:
Thưa bà, tôi được biết Hà Nội đã có nhiều giải pháp để giảm thải chất thải nhựa, đặc biệt là việc hoàn thiện chính sách. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này? Và xin cho biết thêm về Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với UBND TP cũng như việc phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Ủy ban trong công tác phòng, chống rác thải nhựa, túi ni lông đang ở mức độ nào?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 11
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời:
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là đơn vị tham mưu trực tiếp cho UBND TP, tại kế hoạch chúng tôi phân công rất rõ vai trò của từng Sở, ngành theo lĩnh vực liên quan theo kế hoạch 232.
Về cơ chế chính sách rất quan trọng, không có thì khó có thể thực hiện được. Tham mưu phối hợp với các Sở, ban, ngành, đưa ra các chế tài xử phạt, thúc đẩy DN thay đổi mô hình sản xuất chất liệu thân thiện với môi trường.
Để hoàn thiện và kiểm soát được, chúng tôi sẽ tham mưu tăng cường công cụ kinh tế về phí, thay thế sản phẩm, kiến nghị xử phạt với các đơn vị không thực hiện. Riêng với Hà Nội, năm 2020 không còn cơ sở sản xuất túi nilon và đã có lộ trình.
Khi tuyên truyền thay thế và các sản phẩm thay thế, phải được cơ quan nhà nước chứng nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, rất nhiều DN dùng các sản phẩm nhựa thân thiện, nhưng chưa được cơ quan nhà nước chứng nhận.
Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường: Về luật, các chính sách cần bổ sung để cùng đồng loạt chống rác thải nhựa toàn quốc. Các DN nhỏ lẻ sẽ điều tra đánh giá liên quan đến nhựa, túi nilon.
Về công nghệ, sau khi có kết quả sẽ đánh giá để thay đổi phát triển bền vững, thúc đẩy công tác hình thức xã hội hóa khuyến khích đầu tư, thu gom tái chế chất thải, điểm thu gom sao cho phù hợp.
Đồng thời, phối hợp với URENCO để phân loại rác đầu nguồn, áp dụng mô hình chất thải nhựa của các đơn vị phát sinh ra thì họ phải trực tiếp thu hồi lại, sẽ khuyến khích lộ trình không sử dụng túi nilon. Trên địa bàn TP chúng tôi tuyên truyền để mọi người nâng cao ý thức, tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Bạn đọc Lâm Nguyễn (lamng@gmail.com) hỏi:
Hiện nay, nhiều DN dịch vụ, du lịch vẫn đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà quên đi trách nhiệm với môi trường và các sản phẩm du lịch. Vậy, bên cạnh việc nâng cao ý thức người dân, phát  động các chương trình không dùng rác thải nhựa thì Sở Du lịch Hà Nội có chế tài cụ thể nào cụ thể nào không hay chỉ là hoạt động phong trào?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 12
Ông Kiều Việt trả lời:
Thời gian qua, phong trào Nói không với bao bì nhựa đã thực sự lan tỏa, và du lịch Hà Nội cũng ko nằm ngoài hướng đó. Tuy nhiên nhiều DN, vì lợi nhuận và mục tiêu cạnh tranh, đã quên đi trách nhiệm với môi trường.
Sở xác định, 3.500 cơ sở lưu trú, 30 cơ sở ăn uống đạt chuẩn... trên địa bàn sẽ không chỉ là những điểm đến của du khách, mà còn là những "điểm nóng" xả thải. Vì vậy, Sở xác định công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thậm chí mạnh tay hơn là xử phạt theo thẩm quyền hoặc các quy định thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, Sở cũng có hoạt động khen thưởng, chứng nhận nhãn du lịch bền vững nhằm khuyến khích mô hình du lịch xanh tại các DN, điểm đến...
Bạn đọc Trương Hồng Minh (Quận Hoàng Mai) hỏi:

Trong lĩnh vực y tế cũng phải sử dụng rất nhiều sản phẩm nhựa một lần, vậy ngành Y tế Thủ đô đã có những chương trình hành động gì để giảm thiểu, xây dựng môi trường y tế an toàn cho cộng đồng?

Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 13
Ông Vũ Duy Hưng trả lời:
Ngay sau khi có Chỉ thị 08/CT-BYT về giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa trong ngành y tế và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch số 3020/KH-SYT-CĐN ngày 1/8/2019 phát động phong trào “chống chất thải nhựa” trong ngành y tế Hà Nội năm 2019.
- Mục đích nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức từ cán bộ lãnh đạo đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành y tế về nguy cơ gây ô nhiễm từ rác thải nhựa. Vận động thay đổi hành vi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Yêu cầu các đơn vị phải thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trong ngành Y tế Hà Nội (các đơn vị trong và ngoài công lập).
- Để thực hiện mục đích trên, ngành y tế Thủ đô đã đề ra 8 nhiệm vụ triển khai thực hiện như sau:
+ Tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ gây ô nhiễm khi sử dụng các sản phẩm nhựa và nilon sử dụng một lần. Thường xuyên phát động phong trào hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần khó phân hủy. Thu gom phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
+ Phát động phong trào trong cán bộ, công chức các cơ quan tích cực tham gia phong trào “chống rác thải nhựa”.
+ Yêu cầu các cơ sở y tế tuân thủ thực hiện việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý chất thải y tế là nhựa đảm bảo đúng quy trình.
+ Các cơ sở y tế thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa từ khâu mua sắm và khảo sát thay thế bằng chất liệu thân thiện môi trường. Cụ thể là sử dụng sản phẩm túi nilon thân thiện môi trường. Không sử dụng nước uống đóng chai trong các cuộc họp và thay thế bằng cách pha trà sử dụng ly thủy tinh. Khuyến khích nhân viên khi đến căng tin mua thức ăn và sử dụng tại chỗ.
+ Các khoa/phòng trong các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện sàng lọc để loại bỏ những thứ bằng nhựa không cần thiết ra khỏi nơi làm việc. Đưa tiêu chí chống rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng vật dụng cá nhân có chất liệu thân thiện môi trường.
+ Ngoài ra, bệnh viện phải thường xuyên truyền thông hướng dẫn “chống rác thải nhựa” thông qua các kênh truyền thông của bệnh viện cho người bệnh và người nhà bệnh nhân thông qua các bảng truyền thông, tờ rơi, bảng quy định sinh hoạt đối với người bệnh.
+ Đưa vào quy chế hoạt động và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện cam kết hạn chế, tiến tới không sử dụng bao bì nilon, sản phẩm khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch từ khâu mua sắm vật tư tiêu hao hóa chất cũng như vật dụng sinh hoạt của các tập thể, cá nhân trong đơn vị.
Bạn đọc Nguyễn Tiến Lực (tienlucxh@gmail.com) hỏi:
Thực tế nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam, trong đó có Hà Nội chia sẻ: Nhiều người Việt có thói quen sử dụng túi nilon khá nhiều. Vậy, ngành du lịch Hà Nội đã có chương trình hành động gì để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa một lần, làm sạch môi trường?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 14
Ông Kiều Việt trả lời:
Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam và du lịch Thủ đô nói riêng đã có bước phát triển vượt bậc, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và bên cạnh việc phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá về du lịch Hà Nội, Sở Du lịch cũng coi trọng việc bảo vệ môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Riêng về vấn đề hạn chế và xử lý rác thải nhựa, trong năm 2019, Sở đã thực hiện 5 hoạt động cụ thể, gồm:
Thứ nhất, ban hành kế hoạch số 79/KH-SDL về việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng 1 lần trong hoạt động du lịch trên địa bàn, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Ông Kiều Việt trả lời câu hỏi của độc giả.
Thứ 2, Sở Du lịch Hà Nội cũng chủ động phối hợp với Sở Công Thương trong triển khai thực hiện Kế hoạch chống rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2019 - 2020. Đặc biệt là tuyên truyền đến các DN và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Thứ 3, Sở Du lịch Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, nhân viên ngành Du lịch, tới người dân và du khách theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài Nguyên & Môi trường về việc Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Thứ 4, Sở Du lịch Hà Nội chú trọng chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch và điểm du lịch triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm việc sử dụng các sản phẩm thân thiện vệ sinh môi trường; hạn chế các sản phẩm nhựa dùng 1 lần; tiến hành thu gom chất thải tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm đến du lịch.
Cuối cùng, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục chú trọng thực hiện bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch và Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng trên địa bàn TP.
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Lâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:
Chuyên gia GS.TS Đặng Kim Chi vừa nói đến kinh tế tuần hoàn - khái niệm này khá mới, bà có thể cho biết cụ thể hơn?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 16
GS.TS Đặng Kim Chi trả lời:
Khái niệm kinh tế tuần hoàn chỉ mới với chúng ta nhưng thế giới thì xuất hiện lâu rồi. Thực chất đó chính là mô hình vườn ao chuồng, không vứt bỏ bất cứ điều gì trong các sản phẩm thải bỏ, và đều tận dụng trở lại trong quá trình sản xuất.
Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bao gồm 3 giai đoạn là khai thác, sản xuất và vứt bỏ, nhưng kinh tế tuần hoàn tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.
Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp hiểu đơn giản là việc tích cực đổi mới, đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, hạn chế tiêu hao năng lượng và sử dụng các nguyên nhiên vật liệu để có sản phẩm đầu ra đủ khả năng tái chế. Tức là phải chọn nguyên liệu có thể tái chế được hoặc sinh ra những vật liệu, nguyên liệu mới.
Còn đối với người tiêu dùng, ngoài việc hạn chế sử dụng các vật dụng, bao bì đóng gói liên quan tới nhựa cũng cần thay đổi hành vi và thói quen, thậm chí cần có thái độ kiên quyết loại bỏ sản phẩm khó phân huỷ.
Bạn đọc Phạm Lan Hạ (phamhahn@gmail.com) hỏi:
Thưa chuyên gia GS.TS Đặng Kim Chi, theo bà giải pháp nào để kiểm soát chất thải nhựa cũng như hạn chế túi nilon?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 17
GS.TS Đặng Kim Chi trả lời:
Để đối phó với vấn nạn rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay ban hành nhiều luật cấm để hạn chế, rồi tiến tới không còn rác thải nhựa.
Hiện nay, túi nilon dung 1 lần hiện đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 quốc gia cấm trên phạm vi cả nước. Từ tháng 1/2019, Hàn Quốc đã chính thức cấm sử dụng túi nilon trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Những cơ sở vi phạm có thể bị phạt đến 3 triệu won (62,8 triệu đồng). Kể từ tháng 4/2019, Chính phủ Campuchia bắt đầu đánh thuế việc sử dụng túi nilon. Những người đi mua sắm ở các trung tâm thương mại và các siêu thị sẽ phải trả thêm 400 Riel (khoảng 2.300 đồng) cho 1 túi nilon. Tại Kenya, bất kỳ ai ở nước này bị phát hiện bán, sản xuất, hoặc sử dụng túi nilon đều có thể bị phạt tới 38.000 USD hoặc lĩnh án tới 4 năm tù giam.
 GS.TS Đặng Kim Chi trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi tọa đàm
Một số quốc gia châu Phi khác đã cấm túi nilon, bao gồm Nam Phi, Rwanda và Eritrea. Tại châu Âu, dự kiến bắt đầu từ năm 2021, 10 sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa, thìa, đũa, tăm bông hay que gài bóng bay sẽ bị cấm sử dụng.
Về giải pháp, tôi thấy chúng ta không thể đánh đổi kinh tế với chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các giải pháp đã được các diễn giả trình bày về chính sách, giáo dục, nhưng tôi muốn đề cập thiên về giải pháp mang tính tổng hợp kỹ thuật. Ví dụ như giải pháp 3R, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, và 5R như từ không dùng, đến giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và cuối cùng và hủy bỏ có kỹ thuật và an toàn.
Ngoài ra, những giải pháp kỹ thuật công nghệ này là không khó và hoàn toàn có thể áp dụng được. Chúng ta cần tập trung đầu tư công nghệ sản xuất nguyên liệu để đưa ra sản phẩm thay thế nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường, hoặc khắc phục nhược điểm khó phân hủy của nhựa. Bởi nhựa có nhiều ưu điểm, như nhẹ, bền, dễ chế tạo và giá thành thấp. Đó là lý do sản phẩm nhựa được ưa chuộng trong hàng chục năm qua tại Việt Nam.
Chúng ta cần đầu tư và tạo điều kiện đầu tư vào công nghệ tái chế cơ học, thực ra có từ những năm 70, thế giới đã tạo ra sản phẩm sau tái chế sử dụng được, như bàn ghế, áo mưa, giàn giáo, nhưng quá trình tái chế này lại dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong quá trình làm sạch hoặc nhiệt để thay đổi thành phần.
Do đó, Việt Nam cần đầu tư vào các biện pháp, coi rác thải nhựa như nguyên liệu mới, như nguồn nhiệt cấp năng lượng cho nhà máy phát nhiệt, xi măng, và giảm tiêu thu nguyên liệu thông thường.
Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học trên thế giới và ngay ở Việt Nam cũng đang nghiên cứu tìm ra sản phẩm thay thế nhựa khó phân huỷ và sử dụng một lần.
Nghiên cứu tại Đại học Bách Khoa đã bước đầu thành công nghiên cứu nhựa có thể phân huỷ hoàn toàn ra CO2 và nước, tiến tới sẽ có đề tài hỗ trợ hoàn thành và nhân rộng dự án. Tôi rất mừng các nhà khoa học Việt Nam đã bước đầu quan tâm đến sản phẩm thay thế nhựa, hoặc nghiên cứu các sản phẩm khác thay thế như từ gỗ, tre, nứa...
Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc tuyên truyền và thay thế sử dụng nhựa bằng lá chuối, lá rong ở siêu thị, một phần giúp tạo ý thức cho người dân, nhưng sẽ không bền vững, bởi không phải vùng nào cũng cung cấp được số lượng lớn sản phẩm thay thế nhựa, bởi Việt Nam dùng rất nhiều nhựa trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, cần tiến tới nghiên cứu sản phẩm thay thế có tính chất như nhựa, nhưng phân hủy nhanh trong môi trường tự nhiên. Điều này đòi hòi sự nỗ lực từ các nhà khoa học và sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nên kinh tế tuần hoàn.
Bạn đọc Vũ Duy Khánh (vdkhanhhd@gmail.com) hỏi:
Hiện nay, tôi thấy việc thu gom xử lý rác thải vẫn thu chung rác thải nhựa, túi nilon với các loại rác khác sau đó chôn lấp, nhiều nơi còn đốt gây mùi khó chịu và ô nhiễm môi trường. Xin hỏi đơn vị xử lý việc này như thế nào?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 19
Ông Phạm Văn Đức trả lời:
Trước hết, tình trạng người nhặt rác là 1 vấn đề xã hội. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để hạn chế, chấm dứt hiện trạng trên. Hiện nay, do đời sống tăng lên, lượng người nhặt rác tại các bãi đã giảm nhiều. Dẫu vậy đây vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu của 1 số hộ gia đình.
Trước thực trạng trên, chúng tôi quản lý bằng cách đặt ra các quy định, như quy định giờ vào bãi (3 - 6 giờ sáng); hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ cho họ (ủng, găng tay...), nhằm hạn chế những rủi ro trong quá trình họ ở trên bãi. Còn về mong muốn chúng tôi rất hi vọng sẽ có giải pháp để chấm dứt triệt để tình trạng người dân nhặt rác trên bãi.
Về quản lý, xử lý rác thải, chúng tôi nhận thấy phải phân loại ngay từ nguồn. Việc xử lý tại bãi chỉ là xử lý phần ngọn của vấn đề.
Hiện Công ty đã đầu tư 2 dây chuyền để tái chế, công suất 30 tấn/1 ngày. Dự kiến sẽ sớm đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi đã hợp tác với 1 tập đoàn của Nhật Bản để tái chế rác thành viên chất đốt, đưa ra tiêu thị trên thị trường.
Bạn đọc Đặng Thanh Nga (Thái Thịnh, Hà Nội) hỏi:
Thưa bà, bà có ý kiến gì về con số mà URENCO đưa ra không ạ? Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, bà có thể cho biết rõ hơn về tình hình rác thải nhựa hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 20
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời:
Về số lượng rác, đúng như URENCO đã nêu. Theo đó, tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ sử dụng khoảng từ 30 đến 40kg nhựa/năm và là một trong 4 quốc gia tại châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất.
Riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ chất thải bao bì, túi nilon không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm khoảng từ 5 - 8% tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.
Quan trọng nhất ở đây là sắp tới chúng tôi sẽ đưa ra những chính sách thu gom, vận chuyển. Với công ty URENCO, trong công tác rác ở khu sinh hoạt về thì sẽ phân như thế nào?
Cụ thể, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND TP xây dựng các nhà máy tập trung để xử lý rác. Đặc biệt, phát triển kinh tế tuần hoàn, nghĩa là nguyên liệu đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác.
Đồng thời có những báo cáo, đề xuất với Sở về những hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Cũng mong Sở xem xét, nếu đơn vị vi phạm nhiều lần hoặc mức độ vi phạm nặng về vấn đề rác thải y tế thì có thể xem xét đến việc tạm dừng cấp giấy phép hoạt động.
Bạn đọc Dương Kiều My (Minh Khai, Hà Nội) hỏi:
Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) là DN chủ chốt chịu trách nhiệm thu gom rác trên đại bàn TP, đại diện URENCO có thể cho biết về tình hình rác thải nhựa hiện nay qua công tác thu gom? So với những năm 2000 thì tỷ lệ rác thải nhựa có biến động gì không, thưa ông?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 21
Ông Phạm Văn Đức trả lời:
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh khoảng 7.500 tấn rác sinh hoạt trong 1 ngày. Công ty được giao quản lý, xử lý rác tại bãi Xuân Sơn và Nam Sơn. Qua các số liệu, khối lượng rác đổ về bãi ngày càng tăng.
 Ông Phạm Văn Đức phát biểu tại buổi tọa đàm.
Từ năm 2000 tới nay, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ nhựa trong rác thải sinh hoạt tăng, từ dưới 10% lên 16,5%/năm. Bên cạnh đó, còn có sự đa dạng về các chủng loại.
Mỗi ngày có khoảng 350 người dân nhặt rác trên bãi Nam Sơn. Đây là hoạt động tự phát, có thời điểm cao điểm xấp xỉ 800 người. Những người này họ phân loại và tái chế hoàn toàn do thị trường yêu cầu, như chai lọ, nhựa sinh hoạt...
Bạn đọc Nguyễn Thành Nam (thanhnam@gmail.com) hỏi:

Hiện nay có khoảng 300 DN sản xuất, kinh doanh thương mại, các khách sạn, nhà hàng, các ban quản lý chợ, các doanh nghiệp quản lý, khai thác chợ trên địa bàn TP Hà Nội cam kết hành động chống rác thải nhựa trong sản xuất và phân phối tiêu dùng. Xin hỏi về chế độ giám sát sự tổ chức thực hiện của các DN này?

Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 23
Bà Trần Thị Phương Lan trả lời:
Như tôi đã chia sẻ, phong trào chống rác thải nhựa mới được phát động hồi tháng 6, do đó cho đến nay chưa được triển khai đồng loạt trong mọi lĩnh vực và vẫn có những tác động đan xen. Nhiều đơn vị từ góc độ là người tiêu dùng đến DN chưa nắm bắt được hết để tổ chức triển khai thực hiện hoặc có vướng mắc trong tổ chức, thực hiện.
 Bà Trần Thị Phương Lan trả lời câu hỏi của độc giả.
Ví dụ hệ thống phân phối, một túi nilon sinh học đắt gấp mấy chục lần một túi nilon sử dụng 1 lần, hay bát đựng đồ ăn sẵn bằng bã mía trong TTTM AEON cũng có giá thành cao hơn bát nhựa dùng 1 lần.
Việc này ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tính cạnh tranh của DN phân phối. Do đó, nhiều DN phải tính toán, đặc biệt là DN đầu tư nước ngoài để tổ chức triển khai những phong trào này khó khăn hơn DN Việt khi cần xin ý kiến từ các cơ quan đầu não quốc tế.
Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định các DN trong hệ thống phân phối đang triển khai đồng loạt, tuy nhiên để triển khai mạnh mẽ hơn và nhanh chóng thay thế các sản phẩm dùng 1 lần khá khó khăn, trong bối cảnh chi phí cho các sản phẩm này cao hơn.
Trên cơ sở 1.000 bản cam kết từ các DN thu được cho đến nay, Sở Công Thương sẽ có biện phát rà soát. Đối với hệ thống phân phối, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tháng 12 được lồng ghép vấn đề này để các đơn vị báo cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch tuyên truyền, vận động để các DN có giải pháp hoàn thiện nhất yêu cầu các đơn vị tổ chức tham gia hiệu quả chương trình chống rác thải nhựa.
Bạn đọc Hoàng Minh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) hỏi:
Trong công tác phòng, chống rác thải nhựa thì vai trò của ngành Công thương là vô cùng quan trọng. Theo tôi được biết, ngành Công thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động chung tay hành động chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng. Ngành Công thương có định hướng như thế nào để cụ thể hóa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và những chỉ đạo trong Kế hoạch của TP Hà Nội về phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 25
Bà Trần Thị Phương Lan trả lời:
Như chúng ta đã biết, phòng, chống rác thải nhựa là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trên địa bàn TP hiện có 28 trung tâm thương mại (TTTM), 142 siêu thị, 455 chợ và gần 2.000 hệ thống cửa hàng tiện ích và chuỗi, do đó trong quá trình kinh doanh, việc sử dụng các sản phẩm dùng đồ nhựa 1 lần, túi nilon bao gói cho khách đang ở ngưỡng lớn. Do đó chúng tôi xác định ngành Công thương phải tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa.
Hưởng ứng Cuộc vận động chống rác thải nhựa do Thủ tướng chính phủ chỉ đạo, trong tháng 6/2019, Sở Công Thương Hà Nội đã trình bày UBND TP ký và ban hành Kế hoạch 144, theo đó triển khai kế hoạch sản xuất tiêu dùng bền vững trong đó nhấn mạnh chống rác thải nhựa.
Ngay sau đó, vào tháng 7/2019, Sở đã tổ chức Cuộc phát động phong trào chung tay chống trong sản xuất và tiêu dùng, nhận sự hưởng ứng cam kết của gần 300 DN tham gia trực tiếp ký kết chống rác thải nhựa tại hội nghị đó.
Sau đó, Sở Công Thương tiếp tục ban hành chống rác thải nhựa trong sản xuất và tiêu dùng ngành, cho rà soát toàn bộ hệ thống TTTM, chợ, phối hợp với Sở Du lịch rà soát các nhà hàng, khách sạn. Cụ thể, vừa qua, Sở đã ký kết văn bản liên tịch với Sở Du lịch chống rác thải nhựa trong lĩnh vực khách sạn, du lịch.
Cho đến nay, chúng tôi đã thu được 1.000 bản cam kết tham gia chống rác thải nhựa của các DN trong các lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng. Sở Công Thương cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các DN để tổ chức, triển khai, thực hiện phong trào này.
Về khối sản xuất, Sở Công Thương  đã tổ chức rà soát và đề xuất khó khăn vướng mắc để thay đổi sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện đã có khoảng 20 DN sản xuất sản phẩm nhựa dùng 1 lần trên địa bàn TP đã ký cam kết chống rác thải nhựa do Sở phát động.
Bên cạnh đó, hệ thống TTTM, siêu thị đã hưởng ứng tích cực phong trào này với nhiều phong trào hết sức thiết thực. Các siêu thị chuyển sang sử dụng túi sinh học, bao gói các sản phẩm bằng lá chuối hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường. Các nhà hàng kinh doanh dịch vụ chuyển từ ống hút nhựa sang ống tre, ống giấy, ống từ bột ngô. Trong đó, hệ thống Vinmart thực hiện “Ba xanh”: Kinh doanh xanh - cung ứng xanh - người tiêu dùng xanh.
Trong hôm 19/12, Sở Công Thương có chương trình phối hợp AEON Mall Việt Nam chống rác thải nhựa trong toàn hệ thống của đơn vị này ở Hà Nội cũng như toàn tỉnh miền Bắc. Theo đó, các TTTM thuộc hệ thống quyết định sử dụng túi sinh học cho khách hàng và còn đặt mục tiêu giảm 30% túi sinh học trong năm 2020.
Có thể nói, chỉ trong 6 tháng kể từ khi Sở Công Thương triển khai kế hoạch chống rác thải nhựa đã thu đươc nhiều kết quả tích cực.
Thời gian tới, Sở Công Thương xác định công tác tuyên truyền sẽ được ưu tiên hàng đầu. Trong năm 2020 sẽ xây dựng các loại hình tuyên truyền đến DN sản xuất, phân phối từ chợ đến siêu thị, tuyên truyền đến người tiêu dùng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội làm video clip tuyên truyền tại khu vực phố đi bộ, nhà hàng, khách sạn, tuyên truyền  trên đài phát thanh tuyến quận huyện và chợ...
Thứ hai, phối hợp các cơ sở sản xuất rà soát chính sách và đưa ra đề xuất với TP và T.Ư để hỗ trợ các DN tiên phong thay đổi công nghệ để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chúng tôi cũng hướng tới tổ chức Hội nghị kết nối 3 bên bao gồm Nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà phân phối tiêu dùng để đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Kết nối DN sản xuất bao bì đó với nhà phân phối để tiêu thụ, khuyến nghị các DN phân phối khi thu mua bao gói để cho vào hệ thống tiêu thụ thì phải đảm bảo thân thiện môi trường.
Bạn đọc Nguyễn Anh Tú (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:
Hậu quả chất thải nhựa một lần với môi trường và sức khỏe con người là rất lớn, thậm chí còn là nguồn cơn gây ung thư. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này lại không ngay và luôn nên người dân vẫn thản nhiên sử dụng. Vậy, đại diện Sở Y tế Hà Nội có thể cho biết rõ hơn về sự ảnh hưởng chất thải nhựa đến sức khỏe con người?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 26
Ông Vũ Duy Hưng trả lời:
Đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần có ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trong sản xuất đồ nhựa để làm ra các sản phẩm bằng chất dẻo gia dụng như: Hộp đựng thức ăn, bình sữa trẻ em, đồ chơi có sử dụng chất hóa học Bisphenol-A (BPA)…
 Ông Vũ Duy Hưng trả lời câu hỏi của độc giả.
Theo Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học và Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư cho thấy, BPA là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao, ngoài ra BPA còn có tác động làm não chậm phát triển, gây rối loại nội tiết, vô sinh...
Bên cạnh đó, các đồ dùng nhựa một lần được tái chế như túi nilon, ống hút, cốc nhựa dùng một lần, hộp xốp, nước đóng chai nhựa… chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như: Hóa chất dẻo, phẩm màu, chì, cadimi… sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng.
Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể , sảy thai, dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe con người.
Việc đốt rác thải nhựa, nilon cũng gây nguy hiểm tới sức khỏa cộng đồng. Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng khiến lượng rác thải nhựa ra môi trường ngày càng lớn trong khi việc quản lý thu gom xử lý chưa kịp thời nên hiện tượng đốt rác thải nhựa, túi nilon còn rất phổ biến.
Khi được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa. Đặc biệt, là có nguy cơ gây ung thư cao khi phơi nhiễm thường xuyên.
Ngoài ra, các sản phẩm nhựa dùng một lần có tác động đến môi trường phòng chống dịch bênh sinh thái. Túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần chỉ sử dụng trong một thời gian rất ngắn rồi vứt bỏ nhưng các sản phẩm này có đặc tính là rất lâu phân hủy thì tác hại của nó là vô cùng lớn không chỉ với sức khỏe con người mà còn dối với môi trường hệ sinh thái trên trái đất. Theo các nhà nghiên cứu thì phải mất từ 500 - 1.000 năm túi nilon mới phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Hậu quả của việc sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần còn là điều kiện để cho các loại bệnh tật sinh sôi và phát triển. Ví dụ như túi nilon, bát nhựa, cốc nhựa… vứt ra môi trường có thể là vật dụng đọng nước, là môi trường cho bọ gây sinh sống đây là nguồn cơn gây ra bệnh sốt xuất huyết...
Bạn đọc Báo Kinh tế & Đô thị (ktdtonline@gmail.com) hỏi:
Hiện nay, nhiều người có thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần mà chưa hiểu hết được tác hại của nó. Vậy, bà có thể  giúp người dân nhận diện rõ hơn về rác thải nhựa một lần và tác hại của rác thải nhựa nói chung đối với môi trường và sức khỏe của con người ?
Tọa đàm trực tuyến “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” - Ảnh 28
Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời:
Theo tính chất của từng loại nhựa có thể phân ra: Nhựa LDPE (bao bì đựng hàng tiêu dùng, thức phẩm - tên gọi chung là túi nilon, chai truyền dịch, xilanh tiêm); nhựa HDPE (vỏ chai nước khoáng, nước giải khát, dầu ăn); nhựa PVC (ống nước, tấm lợp nhựa, dây điện); nhựa PP (bao bì xác rắn, một số loại nhựa cứng); nhựa PS (hộp xốp, bọc vỏ máy, vỏ bút bi, cốc đựng nước nhựa).
Một số ngành nghề sản xuất và dân sinh có thể sinh ra các loại chất thải nhựa như: Đóng gói (40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói, bao bì đựng các thực phẩm đồ dùng sinh hoạt gia đình như chai, cốc, ống hút, kể cả bát đĩa đũa nhựa, các sản phẩm công nghiệp); Nông nghiệp (hệ thống ống tưới tiêu, thùng/hộp trồng cây, lưới và tấm bảo vệ); Xây dựng (sử dụng rất nhiều nhựa cho khung cửa, cửa, cổng, dàn giáo, bàn ghế, tủ, vải nhựa che phủ các công trình);... Đó là chưa kể đến ngành nghề tạo nên rác thải vi nhựa như mỹ phẩm, dệt may, giao thông đường bộ;...
Tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường
Điều đáng ngại, chất thải nhựa có thể tồn tại rất lâu trong môi trường và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Túi nilon dùng làm bao bì, khi thải bỏ túi ni lon, kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp thì túi nilon lẫn vào đất tồn tại hàng trăm năm sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
 Bà Nguyễn Thị Hưởng trả lời câu hỏi của độc giả.
Túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Nếu túi nilon được xử lý bằng nhiệt lại sinh ra rất nhiều khí độc. Và với chế độ nhiệt không tốt còn sinh ra cả dioxin, CO2 và một số chất khác gây độc cho cơ thể, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,...
Đặc biệt, các nhà khoa học trên thế giới đã xác định được tác động của các mảnh vụn nhựa có kích thước nhỏ (vi hạt nhựa) trong môi trường đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật. Những mảnh chất thải nhựa sẽ bị phân nhỏ dưới các tác động cơ học thành các mảnh vụn nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm. Các động vật nuốt phải các vi hạt nhựa sẽ làm tắc khí quản gây ngạt thở, hoặc tác động xấu tới hệ hệ tiêu hóa, là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài động vật.
Các vi hạt nhựa có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật trong nước ngọt và trong môi trường biển; chúng có thể là vật trung gian gây tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, khi động vật ăn vào sẽ bị nhiễm độc, chất độc này lại được chuyển sang con người khi con người ăn các động vật đó.