Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (11/12), Ban Biên tập báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm - tư vấn pháp luật trực tuyến với độc giả báo điện tử Kinh tế & Đô thị tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề: “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em”.

Tham gia buổi tọa đàm - tư vấn pháp luật trực tuyến có:
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật TNHH Hừng Đông - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Công ty Luật Nguyễn Viết - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Đình Hào - Công ty Luật Nguyễn Chiến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết, tư vấn pháp luật trực tuyến là việc làm thường xuyên của báo Kinh tế & Đô thị. Hôm nay, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức tọa đàm - tư vấn pháp luật trực tuyến với độc giả báo điện tử Kinh tế & Đô thị tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề: “Phòng, chống bạo hành đối vớiphụ nữ và trẻ em” nhằm giúp cho bạn đọc Thủ đô và cả nước nắm bắt thêm thông tin về phòng, chống bạo hành trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em là nguy cơ phá vỡ những giá trị tốt đẹp của gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội và đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Bên cạnh đó, công tác phòng chống bạo hành với phụ nữ và trẻ em hiện nay vẫn còn nhiều thách thức nếu mỗi người trong xã hội không làm gì. Do đó, qua buổi tọa đàm, mong muốn huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức, mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết: "Đoàn Luật sư TP Hà Nội vinh dự được phối hợp với Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chương trình tuyền truyền phổ biến giáo dục pháp luật hôm nay.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV phát biểu tại buổi tọa đàm.
Chương trình có ý nghĩa rất đặc biệt khi TP vừa tổng kết công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, các đồng chí ở các cơ quan TP đã rất tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và được Thủ tướng tặng Bằng khen. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, khi hiện nạn bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, xâm phạm quyền phụ nữ và quyền trẻ em ngày càng gia tăng, có chiều hướng ngày càng đáng lo ngại. Nguyên nhân do nhận thức về pháp luật, nên việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về những vấn đề này cần được đẩy mạnh hơn để mọi người thấy sự cần thiết của việc tôn trọng, sống và làm việc theo pháp luật.
Các luật sư sẵn sàng tham gia tọa đàm trực tuyến này, rất mong bạn đọc theo dõi nắm bắt và góp phần lan tỏa tuyên truyền của báo Kinh tế & Đô thị để góp phần vào chủ đề giao lưu hôm nay được thực hiện tốt. Báo cũng cần thực hiện thêm những chương tình giao lưu trực tuyến như thế này hơn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ TP giao về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật".
KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 3

    Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội

    Luật sư Nguyễn Văn Chiến

  • Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 4

    Công ty Luật Nguyễn Chiến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

    Luật sư Nguyễn Đình Hào

  • Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 5

    Công ty Luật TNHH Hừng Đông – Đoàn Luật sư TP Hà Nội

    Luật sư Nguyễn Hữu Toại

  • Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 6

    Công ty Luật Nguyễn Viết – Đoàn Luật sư TP Hà Nội

    Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến

  • Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 7

    Công ty Luật TNHH Hừng Đông – Đoàn Luật sư TP Hà Nội

    Luật sư Nguyễn Danh Huế

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Phạm Thùy Dương (phamduonghn@gmail.com) hỏi:
Vừa qua, một cô giáo yêu cầu các học sinh trong lớp tát một học sinh khác hơn 200 cái tát khiến em này phải nhập viện. Hành vi này bị xử lý thế nào?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 8
Luật sư Nguyễn Hữu Toại trả lời:
Theo như thông tin tôi nắm bắt được trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố cô giáo Thủy với tội danh "Hành hạ người khác".
Tuy nhiên, để đưa ra kết luận và hình thức xử lý trong vụ việc này, chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể. Một phần nguyên nhân của sự việc xuất phát từ áp lực thành tích của trường. Trong khi đó, căn bệnh thành tích buộc giáo viên phải có cách quản lý lớp để không bị trừ điểm thi đua. Áp lực từ cơ chế quản lý và hệ thống thi đua của nhà trường, căng thẳng dồn nén nên trong lúc nóng giận, cô giáo đã áp dụng hình thức răn đe, xử phạt phản giáo dục và không thể chấp nhận được. Chưa kể, cô Thủy là giáo viên mới chuyển đến nên việc thi đua là rất quan trọng trong tâm niệm của cô.
Ngoài ra chúng ta cũng phải đánh giá đến trình độ chuyên môn của giáo viên, đã được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm tốt hay chưa. Đây là các yếu tố tác động dẫn đến hành vi phản giáo dục trên. Sau sự việc, cô Thủy đã chịu áp lực rất lớn từ dư luận.
Quan điểm của tôi, không nên hình sự hóa sự việc.
Bạn đọc Kinh tế & Đô thị (ktdtonline@gmail.com) hỏi:
Xin Luật sư giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Trẻ em 2016:
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 9
Luật sư Nguyễn Văn Chiến trả lời:

Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/6/2017 và được Quốc hội khóa XIII thông qua. Trên cơ sở các nguyên tắc chung mà Công ước quốc tế quy định với các quốc gia, mục đích của Luật này được xác định: Tương lai phát triển của trẻ em chính là nguồn lực phát triển quan trọng cho mỗi quốc gia. Do vậy, Luật Trẻ em 2016 đã có sự đổi mới căn bản, từ chỗ có 10 quyền thì Luật 2016 mở rộng lên 25 quyền: Trẻ có quyền mang họ bố hoặc họ mẹ, quyền trẻ em được bảo đảm không công bố danh tính của người cha… Cùng với đó, trẻ cũng có những quyền khác tương tự quyền công dân (bảo đảm không bị tiết lộ đời tư; trẻ từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến, nếu đồng ý thì mới được công bố danh tính…). Trẻ cũng được đảm bảo lành mạnh trong đời sống tinh thần, sự phát triển thể chất.

Bên cạnh đó, Luật Trẻ em 2016 cũng quy định với trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục…., người lớn, người có trách nhiệm không được giấu giếm, phải bảo vệ trẻ. Nhất là hiện nay ở những chung cư, khu vui chơi giải trí đều dành không gian riêng cho trẻ sinh hoạt, nếu người lớn xâm hại cản trở hoạt động đó thì đều bị xử lý, tùy mức độ. Đồng thời, Quốc hội đang thảo luận về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, thì trong Luật Trẻ em cũng quy định nghiêm cấm bán cho trẻ những chất gây  nghiện, nhằm phù hợp với những công ước quốc tế.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Thúy (Bắc Giang) hỏi:

Thỉnh thoảng đi làm về muộn, người mệt mỏi nhưng chồng tôi vẫn ép vợ phải quan hệ tình dục. Xin hỏi đây có phải là bạo lực gia đình không?

Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 10
Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến trả lời:
Nếu điều này lặp lại nhiều lần và mức độ ép buộc cao khiến người vợ đau đớn hoặc không thoải mái thì có thể quy là hành vi bạo lực gia đình.
Hành động trên sẽ bị xử phạt theo Khoản 3 Điều 52 NĐ167/2013/NĐ-CP - Xử lý hành vi cưỡng ép thành viêngia đình thực hiện các hành động khiêu dâm… kích động tình dục, phạt tiền 500.000 đồng - 1triệu đồng.
Bạn đọc Nguyễn Viết Quang (ngvietquang@yahoo.com) hỏi:
Trong thời gian gần đây ở nước ta xảy ra một số vụ bạo hành trẻ em đã bị phát hiện, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đề nghị luật sư cho biết quy định của pháp luật xử lý các hành vi trên?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 11
Luật sư Nguyễn Đình Hào trả lời:
Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 có 15 khoản quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Điều 105 Luật Trẻ em quy định về xử lý vi phạm như sau:
''Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật''.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trẻ em sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi chỉ đề cập đến việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự.
a) Nghị định của Chính phủ số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em có 14 điều quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em. Cụ thể như sau:
Điều 21. Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.
Điều 22. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Điều 23. Vi phạm quy định về cấm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi.
Điều 24. Vi phạm quy định về không ghi chú trẻ em không được sử dụng trên xuất bản phẩm, ấn phẩm, đồ chơi hoặc không thông báo tuổi của trẻ em không được xem, nghe các chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh và các cuộc trình diễn nếu có nội dung không phù hợp với trẻ em .
Điều 25. Vi phạm quy định về cấm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích khác có hại cho sức khỏe.
Điều 26. Vi phạm quy định về cấm đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị.
Điều 27. Vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội.
Điều 28. Vi phạm quy định về cấm xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác.
Điều 29. Vi phạm quy định về cấm lạm dụng lao động trẻ em; sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng hóa, hàng giả, hàng trốn thuế, tiền tệ trái phép.
Điều 30. Vi phạm quy định về cấm cản trở quyền học tập của trẻ em .
Điều 31. Vi phạm quy định về cấm lăng nhục, chửi, mắng và bắt làm những việc có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật .
Điều 32. Vi phạm quy định về cấm đặt nghĩa trang, cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho chứa thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy, nổ trong phạm vi ảnh hưởng đến cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc ngược lại.
Điều 33. Vi phạm quy định về không bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, giao thông vận tải dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Điều 34. Vi phạm quy định về hoạt động của cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Nghị định này căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15/6/2004 đã hết hiệu lực thi hành. Vì vậy, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định này để thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.
b) Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS) đã có các quy định về hành vi phạm tội đối với trẻ em (người dưới 16 tuổi) và các hình phạt. Cụ thể như sau:
(1) Điểm i Khoản 1 Điều 52 quy định hành vi phạm tội đối với người dưới 16 tuổi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
(2) Tội giết người (Điều 123)
Điểm b Khoản 1 Điều 123 quy định ''Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
b) Giết người dưới 16 tuổi''.
(3) Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124):
''1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm''.
(4) Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ trong đó có trẻ em (Điều 127)
''2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm:
b) Đối với người dưới 16 tuổi...''.
(5) Tội bức tử (Điều 130):
''2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:
b) Đối với người dưới 16 tuổi...''.
(6) Tội đe dọa giết người (Điều 133)
''2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
d) Đối với người dưới 16 tuổi''.
(7) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS)
Điều 134 BLHS quy định người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (điểm c Khoản 1 Điều 134 BLHS).
(8) Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137)
''2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
c) Đối với người dưới 16 tuổi...''.
(9) Tội hành hạ người khác (Điều 140):
''2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi...''.
- Tội hiếp dâm (Điều 141):
(10) Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142)
Điều này có 3 khoản quy định các hình phạt rất nặng từ phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
(11) Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144):
Điều này có 3 khoản quy định hình phạt từ phạt tù có thời hạn đến tù chung thân.
(12) Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145):
Điều này có 3 khoản quy định người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.
(13) Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147).
(14) Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151).
(15) Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153).
(16) Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS).
Ngoài ra, BLHS còn một số điều quy định về việc xử lý đối với các hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào các tội phạm liên quan đến tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt chất ma túy và tiền chất; sử dụng người dưới 16 tuổi vào các tội phạm liên quan đến mại dâm, lao động...
Bạn đọc Đoàn Đức Anh (ddanhbg@gmail.com) hỏi:
2 bạn học cùng lớp con tôi mới 17 tuổi đã kết hôn, liệu có vi phạm pháp luật?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 12
Luật sư Nguyễn Hữu Toại trả lời:
Với trường hợp này thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Điều 8, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo điều kiện: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy trường hợp này cả hai đều chưa đủ độ tuổi kết hôn.
Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó”.
Ngoài ra, nếu cố tình tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 183 Bộ luật hình sự năm 2015:
“Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”.
Trên thực tế ở nước ta, có trường hợp người chồng đủ tuổi kết hôn, người vợ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn tổ chức chung sống. Trong quá trình chung sống đã phát sinh mâu thuẫn, người vợ có làm đơn tố cáo người chồng và pháp luật cũng đã xử lý nhiều trường hợp như vậy.
Bạn đọc Nguyễn Thị Hải (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi:
Theo Luật Trẻ em, trẻ em là đối tượng luôn được hưởng sự ưu tiên cao nhất. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền lợi của trẻ em đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Đề nghị Luật sư cho biết mức phạt đối với người dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 13
Luật sư Nguyễn Đình Hào trả lời:
Dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt là một trong những biện pháp trừng phạt đối với trẻ em bị pháp luật cấm. Biện pháp trừng phạt này bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Luật sư Nguyễn Đình Hào trả lời độc giả.
Cụ thể:
Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP nêu trên quy định ''Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần''.
Ngoài hình thức xử phạt nêu trên, điểm a Khoản 4 Điều 27 Nghị định nêu trên quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
''a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại Khoản 2 Điều này''.
Bạn đọc Nguyễn Quang Hải (Cầu Diễn, Hà Nội) hỏi:

Gần nhà tôi có cặp vợ chồng không cho con đi học mà bắt con phải đi làm thuê từ độ tuổi vị thành niên, liệu có bị xử lý?

Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 15
Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến trả lời:
Việc bắt con trong độ tuổi vị thành niên đi làm và không cho đi học là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật cũng như về mặt đạo đức.
Hành vi này sẽ bị Xxử phạt theo Khoản 2 Điều 56 NĐ 167/2013/NĐ-CP - Xử lý hành vi bạo lực về kinh tế - Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động với mức phạt tiền 500.000 đồng - 1triệu đồng.
Tình trạng này rất phổ biến ở những khu vực nông thôn, tại đó không thiếu trẻ vị thành niên bị ép buộc đi làm thay vì đi học.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Khanh (Vân Hồ, Hà Nội) hỏi:
Chị K bị chồng đánh nên đã bỏ trốn đến trạm y tế xã, một nơi đã được chính quyền địa phương thông báo là địa chỉ tin cậy tại cộng đồng giúp những người bị bạo lực G.đình đến lánh nạn. Tuy nhiên sau ba ngày chữa trị vết thương tại đây, trạm trưởng yêu cầu chị K phải thanh toán tiền chữa trị và tiền ăn ở. Hành vi trên của ông trạm trưởng y tế có vi phạm pháp luật không ?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 16
Luật sư Nguyễn Danh Huế trả lời:
Theo Quy định tại Điều 30 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là cá nhân, tổ chức có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư”.
Như vậy, cơ sở y tế này là hoàn toàn tự nguyện đã được chính quyền địa phương thông báo là địa chỉ giúp đỡ các nạn nhân bạo hành gia đình, do vậy hành vi thu phí trên là hành vi trái với quy định pháp luật.
Bạn đọc Trương Thủy (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi:
Ông Q là người mang nặng tư tưởng gia trưởng (Huế), luôn quản lý chặt chẽ nguồn tài chính của gia đình. Mọi chi tiêu của vợ con đều do ông quyết định và hạn chế tối đa. Nhà có xe đạp nhưng con đi học cách nhà 5km ông không cho sử dụng xe đạp. Ông quản lý chặt chẽ tiền bạc, buộc vợ và các con phải phụ thuộc vào mình về tiền bạc và tài sản để khẳng định quyền gia trưởng của mình. Hành vi của ông V có vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình hay không? Nếu vi phạm thì bị xử phạt như thế nào?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 17
Luật sư Nguyễn Danh Huế trả lời:
Tôi cho rằng, những trường hợp như này rất phổ biến và thực sự rất khó xử lý, tuy nhiên, nếu hành vi này kéo dài, lặp đi lặp lại, gây tổn hại tới sức khỏe, tinh thần của các thành viên trong gia đình thì điều này đã có dấu hiệu của bạo lực gia đình.
Đối với việc xử lý hành vi trên ở mức độ nhẹ có thể bị xử phạt theo Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP - Xử lý hành vi bạo lực về kinh tế - Hành vi kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính - Phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng.
Bạn đọc Vũ Bình (Quận Đống Đa, Hà Nội) hỏi:

Hành vi mạt sát, lăng mạ kéo dài giữa vợ với chồng có bị coi là làm nhục, khủng bố tinh thần và dựa trên cơ sở nào để xử lý?

Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 18
Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến trả lời:
Trên thực tế thì những hành vi trên bị coi là hành vi bạo lực gia đình. Hành vi của anh chồng này sẽ bị xử phạt theo Khoản 1 Điều 51 NĐ167/2013/NĐ-CP - Xử lý hành vi lăng mạ, chì chiết - Phạt tiền 500.000 đồng - 1triệu đồng. Cần lưu ý hành vi sẽ gây đến tổn hại về cả mặt tinh thần những thể xác của người vợ.
Bạn đọc Nguyễn Thị Cát (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:
Xót xa khi thấy chồng đánh con vì bị điểm kém, đồng thời phạt con không cho ăn cơm, chị N chạy đi báo công an nhưng bị chồng chặn lại. Chị hô hoán lên nhờ hàng xóm giúp đỡ. Khi công an phường đến thì chồng chị khoá cửa lại không cho ai vào và nói đây là việc riêng của gia đình anh, không ai được can thiệp. Hành vi nêu trên của chồng chị N có vi phạm pháp luật không và bị xử phạt như thế nào?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 19
Luật sư Nguyễn Hữu Toại trả lời:
Theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền khi nhận được thông tin trình báo có quyền đến gia đình chị để xác thực sự việc. Hành động của chồng chị trên thực tế xảy ra nhiều.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông - Đoàn Luật sư TP Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến.
Tuy nhiên, theo điều 8 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007: "Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình", hành vi này có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu gây ra hậu quả như ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, với hành vi này có thể xử phạt hành chính theo khoản 1, 2, Điều 50, NĐ 167/2013/NĐ-CP - Xử phạt hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình với mức tiền 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Ngoài ra buộc người chồng phải xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Bạn đọc Lưu Phương Giang (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:
Trong các giám sát của Quốc hội, Luật sư nhận thấy tình trạng bạo hành với phụ nữ và trẻ em hiện nay ra sao?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 21
Luật sư Nguyễn Văn Chiến trả lời:
Qua thực tế hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tư pháp trong vấn đề thực thi pháp luật, có liên quan đến xử lý hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự người khác, có cả những trường hợp gây thương tích hoặc xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ. Trong đó, đa số người chồng có nhận thức pháp luật hạn chế, có tính gia trưởng, cho rằng mình có quyền dạy vợ, con bằng hành vi bạo lực. Những hành vi này ngày càng gia tăng không chỉ ở nông thôn mà vừa qua ở cả trong môi trường giáo dục, với các cháu học sinh.
Đây là dấu hiệu khiến chúng ta cần nhìn nhận lại về sự phối hợp trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với mọi tầng lớp nhân dân; nạn nhân cũng không thể tiếp tục cam chịu mà phải có biện pháp để người có hành vi bạo lực đó nhận thức được pháp luật, thấy mình có sai phạm và phải bị xử lý. Song, có nhiều trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền xử lý với các hành vi này có tâm lý tư tưởng đó là việc trong nhà, nên ít khi can thiệp một cách mạnh mẽ vào câu chuyện gia đình họ; nên việc ngăn chặn xử lý kịp thời chưa đáp ứng được. Cũng có những người báo với chính quyền nhưng việc đến để ngăn chạn còn chậm trễ, nhất là ở nông thôn cho rằng đó là việc trọng gia đình, dẫn đến sự việc nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, tình trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng, mỗi người có thẩm quyền cần có trách nhiệm hơn nữa để ngăn chặn. Nếu một hành vi trở thành quá trình, có hệ thống rồi thì cần có chế tài xử lý nghiêm khắc, từ xử lý hành chính đến hình sự. Đồng thời, cần thiết có sự quan tâm thường xuyên hơn nữa của chính quyền địa phương để ngăn chặn các hành vi nghiêm trọng tiếp theo.
Bạn đọc Nguyễn Văn Toản (vtoanhn@gmail.com) hỏi:
Do nghi ngờ vợ ngoại tình với một đồng nghiệp ở cơ quan, trong những lần hai vợ chồng cãi nhau, anh A thường nói to cho bà con xung quanh nghe thấy. Không chịu nổi cách hành xử của chồng, vợ anh đã bỏ về nhà bố, mẹ đẻ sống ly thân. Anh A còn viết thư nặc danh gửi đến cơ quan vợ, photo, phát tán thư ở khu dân cư nơi vợ chồng anh cư trú nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của vợ. Vậy hành vi nêu trên của anh A có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 22
Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến trả lời:
Cần khẳng định đây là hành vi bạo lực gia đình.
Theo quy định của pháp luật hành vi trên có thể bị xử phạt theo Điểm c) Khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP - Xử lý hành vi phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Phạt tiền 1 triệu - 1,5 triệu đồng, và buộc xin lỗi công khai, buộc thu hồi tài liệu phát tán.
Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến giao lưu cùng bạn đọc tại buổi tọa đàm.
Nạn nhân có thể tự mình khiếu nại hay tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền như UBND hay Công an để yêu cầu những cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền cũng như lợi ích hợp pháp khác của mình.
Ngoài ra, nạn nhân có thể liên hệ với những tổ chức xã hội như Cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình cũng như các Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, những địa chỉ tin cậy trên địa bàn UBND cấp xã, phường công bố để được tư vấn và hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.
Trong tình huống ngược lại, nếu người vợ đi đánh ghen gây thương tích cho người khác thì theo quy định của pháp luật là cố ý gây thương tích cho người khác. Tùy vào mức độ thương tích sẽ bị xử phạt hoặc khởi tố.
Bản thân tôi đã từng tư vấn cho một người thứ 3 trong một cuộc hôn nhân. Mặc dù người này là sai về mặt đạo lý nhưng xét về khía cạnh pháp luật thì việc chị bị hành hung cần phải có sự can thiệp của pháp luật.
Bạn đọc Dương Thị Minh (Bạch Mai, Hà Nội) hỏi:

Chồng tôi là người có bản chất gia trưởng, thô bạo và thích hành hạ vợ con. Tôi đã chịu nhịn nhiều năm vì tôi nghĩ rằng nói ra cũng chẳng ai giúp được mình. Tôi cần làm gì để thay đổi tình trạng này?

Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 24
Luật sư Nguyễn Văn Chiến trả lời:
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 25
Luật sư Nguyễn Văn Chiến trả lời tại buổi tọa đàm.

Cần tự mình và/hoặc nhờ sự giúp đỡ của các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi,… và/hoặc các cơ quan, đoàn thể liên quan giải thích những qui định pháp luật về hậu quả hành vi thô bạo, hành hạ vợ con… và thuyết phục, giải thích để ông chồng hiểu và thay đổi cách ứng xử, đối xử với vợ con.

Bạn đọc Bạch Thị Tuệ (bachtuetb@gmail.com) hỏi:
Chồng tôi thường xuyên đánh tôi, có lần tôi bỏ chạy thì anh ấy ném phích nước nóng vào người tôi. Nhưng chưa lần nào tôi bị thương đến mức độ chảy máu hay phải đi bệnh viện. Như vậy, có thể nói chồng tôi có gây ra bạo lực gia đình với tôi hay không?
Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 26
Luật sư Nguyễn Hữu Toại trả lời:
Biểu hiện của chồng chị có đủ yếu tố là hành vi bạo lực gia đình. Bởi đó là hành vi cố ý xâm hại tính mạng, sức khỏe của vợ mình, không nhất thiết phải có thương tật, tử vong... mới được coi là bạo lực gia đình. Bởi hậu quả của hành động này sẽ ảnh hưởng tới tất cả các thành viên trong gia đình, gây tâm lý hoảng sợ, con cái sẽ có những suy nghĩ sai lệch, gia đình ly tán.
Theo quy định của pháp luật, đối với hành vi của chồng chị có thể bị xử lý theo Điểm a, Khoản 2, Điều 49, Nghị định 167/2013/NĐ-CP; Phạt tiền 1,5 triệu - 2 triệu đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Bạn đọc Trần Kiều Trinh (Trần Quý Cáp, Hà Nội) hỏi:

Em thấy ở Mỹ nếu bố mẹ đánh con thì có khi bị kiện ra tòa, bị đi tù vì bạo hành trẻ em. Đề nghị luật sư cho biết quy định của pháp luật Hình sự Việt Nam về hành vi này?

Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 27
Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến trả lời:
Ở Việt Nam, con cái có thể bình đẳng, có chính kiến với bố mẹ và thể hiện, trình bày chính kiến với thái độ lễ phép, đúng mực phù hợp với nền tảng đạo đức, văn hoá và đồng thời có thể giải thích cho bố mẹ biết về những quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý, xử phạt, hình phạt đối với hành vi bố mẹ đánh con.
Cụ thể là, xử phạt theo Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP - Xử lý hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên: Phạt tiền 1 triệu - 1,5 triệu đồng hoặc 1,5 triệu - 2 triệu đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân yêu cầu.
Về trách nhiệm hình sự, tùy vào hậu quả của hành vi gây ra có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 134); tội hành hạ người khác (Điều 140); tội làm nhục người khác (Điều 155)… Do đó, khung hình phạt đối với các tộị này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn.
Bạn đọc Hoàng Khánh Ly (Cầu Giấy - Hà Nội) hỏi:

Bạo lực gia đình là gì? Những hành vi nào là bạo lực gia đình?

Tọa đàm tư vấn pháp luật “Phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em” - Ảnh 28
Luật sư Nguyễn Danh Huế trả lời:
Bạo lực gia đình bao gồm nhiều hành vi đã được cụ thể hóa trong Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12. Bạo lực gia đình bao gồm những hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây ảnh hưởng tới kinh tế đối với những thành viên khác trong gia đình.
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 thì những hành vi được coi là hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
 Luật sư Nguyễn Danh Huế trả lời câu hỏi của độc giả.
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
- Cưỡng ép quan hệ tình dục;
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
- Chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Các hành vi bạo lực nói trên cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng. Như vậy, mặc dù cha dượng và mẹ bạn đã ly hôn nhưng hành vi của ông ấy đối với các thành viên trong gia đình bạn được coi là hành vi bạo lực gia đình.