70 năm giải phóng Thủ đô

Cần Thơ

Toạ đàm: Vật liệu nào thay thế cát sông?

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, cán cân cung-cầu cát ở ĐBSCL đang mất cân bằng hết sức nghiêm trọng, vấn đề đặt ra là không những đi tìm vật liệu thay thế nguồn cát sông mà còn cân đối lại nhu cầu sử dụng nguồn cát sông.

 Mất cân bằng cán cân cung cầu cát

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Vật liệu nào thay thế cát sông?” diễn ra tại Cần Thơ vào ngày 24/11, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho biết, cán cân cung-cầu cát ở ĐBSCL đang mất cân bằng hết sức nghiêm trọng. Nhu cầu tăng cao mà nguồn cung thì hạn chế. Ngay cả TPHCM cũng “cầu viện” vùng ĐBSCL về nguồn cát sông. Khu vực đã triển khai hàng loạt các công trình, đặc biệt là công trình giao thông.

Bên cạnh đó, những bất cập trong khai thác, quản lý tài nguyên cát trong nhiều năm qua nay bộc lộ. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào giải quyết vấn đề bức xúc hiện tại hôm nay nhưng không ảnh hưởng môi trường và lợi ích trong tương lai.

"Đây là câu hỏi lớn, không chỉ đơn giản là chúng ta đi tìm vật liệu thay thế nguồn cát sông mà ở vấn đề lớn hơn là cân đối lại nhu cầu sử dụng nguồn cát sông. Việc tạo ra thói quen sử dụng các vật liệu khác và phương pháp xây dựng khác cũng rất quan trọng nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng nguồn cát sông." - Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh.

Ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ  phát biểu tại buổi toạ đàm. (Ảnh Tiến Tô)
Ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ  phát biểu tại buổi toạ đàm. (Ảnh Tiến Tô)

Tìm giải pháp cho vật liệu thay thế cát sông

Chia sẻ về lời giải cho bài toán vật liệu san lấp cho địa phương, ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: TP đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra giải pháp trước mắt là nhờ sự hộ trợ của các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… để đủ vật liệu san lấp cho các công trình hiện tại.

Bên cạnh đó, TP đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết số số 45/2022/QH15 về cơ chế chính sách đặc thù trong đó có một dự án là nạo vét luồng Định An - Cần Thơ. Theo yêu cầu của dự án, sẽ nạo vét sâu và sẽ có lượng cát rất lớn, có thể sử dụng vào các công trình phù hợp.

Ngoài ra, trong quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030 có quy hoạch các hồ điều hòa. Với diện tích các hồ lớn, TP có thể sử dụng phần đất đào lên để đắp vào các công trình có tính chất san lấp. Cạnh đó, TP cũng nghiên cứu sử dụng những giải pháp về mặt kỹ thuật. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp đánh giá về các loại vật liệu thay thế cát sông. Ảnh Tiến Tô
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp đánh giá về các loại vật liệu thay thế cát sông. Ảnh Tiến Tô

Tại buổi Toạ đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể nghiên cứu, áp dụng những những phương án như: sử dụng cát biển; xay đá thành cát;  trộn tro xỉ... thay thế cát sông sử dụng ở một số công trình.

Đánh giá về tính khả thi của các nguồn vật liệu, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, không chỉ nhìn nhận ở góc độ kinh tế tài chính, mà còn đặt quan tâm đến vấn đề môi trường. Đồng thời, công trình nghiên cứu cát sạch rất cần tiếp tục có chính sách, tài chính thuế để khuyến khích ứng dụng; cần công bố tiêu chuẩn Việt Nam về công trình giao thông liên quan tới tiêu chuẩn vật liệu mới.

Đặc biệt ở TP Cần Thơ, Quốc hội đã có cơ chế về việc nạo vét luồng biển Định An, như vậy nếu có tiêu chuẩn về cát biển thì nhà đầu tư mới có thể bán được sản phẩm cát biển này để dự án khác sử dụng.