PGS.TS Phạm Minh Anh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; TS Vũ Lộc An - Phó Hiệu trưởng; Thạc sĩ Đỗ Lê Triều - Trưởng khoa Xây dựng Đảng chủ trì tọa đàm.
Dự Tọa đàm có các đồng chí trong Ban Giám hiệu, Hội đồng khoa học cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong nhà trường.
Trình bày báo cáo đề dẫn tọa đàm, TS Vũ Lộc An - Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, đồng chí Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916, tại làng Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; tham gia cuộc nổi dậy năm 1930 và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 3/1934. Đồng chí Trần Quốc Hoàn là đảng viên cộng sản ưu tú và kiên cường, một cán bộ lãnh đạo cách mạng giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước ta, đã cống hiến trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Quá trình tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn được Đảng tin tưởng và giao đảm nhận nhiều nhiệm vụ. Trên cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí từng 3 lần đảm nhận cương vị cao nhất của Hà Nội là Bí thư Thành ủy và là Giám đốc (nay là Hiệu trưởng) đầu tiên của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội.
Hơn 20 bài viết của các tác giả trong và ngoài trường đã gửi đến Ban tổ chức; tại buổi tọa đàm có 12 ý kiến được trình bày. Các ý kiến tham luận đã tập trương làm rõ thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của đồng chí Trần Quốc Hoàn - một trong những nhà cách mạng tiền bối của Đảng ta và Đảng bộ Thành phố Hà Nội, cùng vai trò của đồng chí trong việc đặt nền móng đầu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ của Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
Năm 1949, sau khi đặc khu Hà Nội được thành lập, đồng chí Trần Quốc Hoàn được điều động trở lại làm Bí thư. Cũng trong thời gian này, thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ 6(tháng 1/1949) về yêu cầu, nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ra quyết định “Mở cuộc vận động đào tạo và rèn luyện cán bộ tổng phản công”. Ngày 12/11/1949, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội thông qua “Nghị quyết án” tổ chức trường đào tạo rèn luyện cán bộ chuẩn bị tổng phản công, lấy tên là Trường Lê Hồng Phong và phân công đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bí thư Thành ủy kiêm Giám đốc Trường.
Giai đoạn đầu mới được thành lập, cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động của trường vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Do điều kiện chiến tranh, nhà trường chưa có địa điểm cố định mà phải thường xuyên di chuyển với phòng học đơn sơ, chủ yếu là tranh tre nứa lá. Đội ngũ cán bộ, giảng viên lúc đó của nhà trường rất ít ỏi, lại chưa được đào tạo cơ bản nên việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược diễn ra khẩn trương, quyết liệt, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là trong tổng kết thực tiễn, xây dựng, phát triển lý luận chính trị. Đồng chí chỉ rõ: “Trong công tác, chúng ta phải hết sức coi trọng lý luận, nhưng đồng thời phải đặc biệt chú ý nghiên cứu tình hình thực tiễn. Chính do giải quyết những vấn đề thực tiễn mà đề ra lý luận. Từ rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, khái quát hóa đề ra thành quy luật, nguyên tắc, như thế là thành lý luận”.
Đồng chí dành nhiều thời gian, tâm huyết và trí tuệ để tổng kết thực tiễn, đánh giá, kiểm điểm sâu sắc công tác đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm, nghiên cứu, khái quát thành lý luận, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo nền móng cho việc hình thành, phát triển lý luận nói chung cho Đảng đặc biệt là lý luận cho cán bộ ngành Công an. Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, đồng chí nhấn mạnh “khâu then chốt là phải xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ”.
Mặc dù giữ chức vụ Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trong khoảng thời gian ngắn (từ năm 1949 – 1952), nhưng những đóng góp và quá trình quản lý, phát triển nhà trường của đồng chí Trần Quốc Hoàn hết sức quan trọng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ thủ đô Hà Nội. Đó là những nền móng đầu tiên cho sự phát triển sau này của Nhà trường.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, PGS.TS Phạm Minh Anh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường biểu dương, ghi nhận sự nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ, giảng viên nhà trường, nhất là cán bộ, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng – đơn vị được nhà trường giao chủ trì trong công tác chuẩn bị và tổ chức tọa đàm.
PGS.TS Phạm Minh Anh khẳng định, trong thời gian đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ trọng trách Hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong, ông rất quan tâm đến công tác huấn luyện cán bộ nhằm nâng cao trình độ cán bộ về chính trị, tư tưởng, phương pháp công tác. Không chỉ có nhiều lớp huấn luyện, nhiều hội nghị học tập dưới nhiều hình thức được tổ chức trong Đảng bộ mà bản thân đồng chí là người tham gia giảng dạy, huấn luyện. Những hoạt động, chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có tác động tích cực đến công tác cán bộ, không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ giữ vững tinh thần, có thêm kinh nghiệm vượt qua các khó khăn mà còn đối phó được các âm mưu, thủ đoạn mua chuộc thâm độc của kẻ thù.
Tham luận tại tọa đàm, đồng chí Trần Huyền Phương - Giảng viên chính Khoa Xây dựng Đảng cho biết, đồng chí Trần Quốc Hoàn tuy là người con của xứ Nghệ nhưng là niềm tự hào của Đảng bộ Hà Nội; đặc biệt là cán bộ, giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong hôm nay và mai sau. Tôn kính và trang trọng, cán bộ, giảng viên Nhà trường các thế hệ luôn học tập, làm theo tấm gương của đồng chí; luôn ghi nhớ vị trí xứng đáng nhất của đồng chí trong truyền thống vẻ vang của Nhà trường, người thầy, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - Thành phố Hà Nội.
Noi gương đồng chí Trần Quốc Hoàn – Người thầy Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Phạm Minh Anh kêu gọi cán bộ, giảng viên nhà trường đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng nhà trường thành trường chính trị chuẩn, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Thủ đô Hà Nội.