Trong suốt cuộc Tọa đàm, người dân và độc giả có thể gửi câu hỏi trực tiếp về hòm thư: Ktdtonline@gmail.com. |
Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông chính là sự khởi đầu của phương thức vận tải mới văn minh và hiện đại của Thủ đô Hà Nội. |
9 giờ, buổi Tọa đàm chính thức bắt đầu. Buổi Tọa đàm có sự tham gia của ông Vũ Quang Khôi – Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT; ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT; ông Vũ Hồng Phương – Phó phụ trách Ban QL Đường sắt, Bộ GTVT; ông Đỗ Công Thủy – Vụ phó vụ Vận tải Tổng cục Đường bộ Việt Nam; ông Phạm Thanh Học - Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội; ông Lê Trung Hiếu – Phó Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội; ông Nguyễn Văn Học Phó phòng Vận tải – Sở GTVT; ông Vũ Hồng Trường – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt HN; ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị; nhà báo Hữu Việt – Trưởng Ban Văn Hóa – Báo Nhân Dân;
Về phía khách mời, có GS.TS Từ Sỹ Sùa - Đại học giao thông vận tải; GS.TS Bùi Xuân Phong - Hội Kinh tế - Vận tải Đường sắt Việt Nam; ông Hasegawa – Tổng Giám đốc Việt Nam Tokyko Metro; ông Jashon – Chuyên gia phụ trách các dự án giao thông của ADB; bà Nguyễn Tố Trân – Chuyên gia truyền thông ADB;
Một số đại biểu tham dự Tọa đàm. |
Đến tham dự buổi Tọa đàm, giao lưu trực tuyến này còn có sự hiện diện các chuyên gia và nhiều người dân trên địa bàn TP Hà Nội có sự quan tâm đặc biệt đến dự án này.
Đến dự và đưa tin buổi Tọa đàm, giao lưu trực tuyến ngày hôm nay có sự hiện của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội.
Sự khởi đầu cho một phương thức vận tải mới cho giao thông Thủ đô
Phát biểu mở đầu buổi Tọa đàm, ông Vũ Hồng Trường Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội cho biết: Ưu tiên phát triển giao thông công cộng mà nóng cốt là các phương tiện vận tải nhanh là vấn đề cấp thiết đặt ra cho TP Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh bởi đây là phương thức tiện lợi và hiện đại. Và đây cũng là phương thức để tạo ra văn hóa giao thông đô thị theo hướng văn minh hiện đại.
Ông Vũ Hồng Trường Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội phát biểu mở đầu Tọa đàm. |
Sự ra đời của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội để quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội thể hiện quyết tâm chính trị cao của TP nhằm tạo ra một đơn vị chuyên nghiệp giúp cho giao thông Thủ đô đột phá.
Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước sẽ đi vào hoạt động. Đây là sự khởi đầu cho một phương thức vận tải mới cho giao thông Thủ đô.
Để chuẩn bị cho việc vận hành và khai thác tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, Công ty đã tích cực đào tạo nhân lực cũng như cơ sở vật chất cần thiết. Trong đó khâu truyền thông được trú trọng nhằm quảng bá tuyến đường sắt này đến với người dân.
Hôm nay, Công ty phối hợp với báo Kinh tế & Đô thị cùng các chuyên gia tổ chức buổi tọa đàm này với hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp để Hà Nội có thể đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông một cách tốt nhất, mở đầu cho hệ thống giao thông đô thị trong tương lai.
Ông Phạm Thanh Học - Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm. |
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Thanh Học – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ: Hôm nay chúng ta tổ chức buổi tọa đàm tuyên truyền này có 2 vấn đề quan trọng, một là tuyên truyền cho mọi người biết; hai là hướng dẫn mọi người sau này tham gia như thế nào cho thuận lợi nhất. Có câu hỏi đặt ra là hôm nay chúng ta tổ chức chương trình tọa đàm về tuyên truyền này có sớm quá không? Xin khẳng định là không sớm, vì công tác truyên truyền, công tác dân vận bao giờ cũng phải đi trước, đi trong và đi sau mỗi sự kiện diễn ra.
Có rất nhiều vấn đề người dân đang cần, trong đó có vấn đề tuyên truyền về đường sắt đô thị. Trong thời gian đầu, thông tin về tuyến đường sắt đô thị đến với người dân còn ít, cho nên, ngay cả cá nhân tôi cũng chưa quan tâm đến tuyến đường sắt đô thị này. Trong thời gian tuyến đường thi công ảnh hưởng đến giao thông đi lại, báo chí và dư luận có nêu vấn đề thi công thời gian dài, dự toán vượt so với kế hoạch ban đầu.
Vừa qua trong lần đầu tiên đi thử tuyến Cát Linh – Hà Đông cùng Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP và các cơ quan, ban ngành, từ hôm đó với tư cách là một công dân của Hà Nội, tôi về đã tuyên truyền cho rất nhiều người và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về hệ thống đường sắt này.
Trước đây, tôi cũng nghĩ rằng sao làm lâu thế, nhưng đến khi trực tiếp đi trên tuyến vận hành thì thấy rất nhiều các hạng mục công việc, thực hiện không dễ dàng chút nào; Thứ hai, đó là vấn đề tại sao đội vốn vì chúng ta chưa làm công trình như thế này bao giờ, từ việc chưa có kinh nghiệm nên chưa thể tính toán kỹ hết tất cả mọi hạng mục công việc có thể phát sinh trong quá trình triển khai.
Qua việc được đi thử trên tuyến đường này tôi thấy rất văn minh, liên quan đến công tác tuyên truyền tôi thấy đây là việc làm rất tốt, rất đúng. Hoan nghênh vai trò của Công ty đường sắt, Ban quản lý đường sắt đô thị và đặc biệt là Báo Kinh tế & Đô thị. Tôi cho rằng hôm nay chúng ta tổ chức được buổi Tọa đàm để tuyên truyền cho người dân này rất là tốt, rất đúng.
Vấn đề thứ hai, chúng ta cần cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt cho người dân trong đó có việc bây giờ tuyến đường sắt đã hoàn thành rồi thì sẽ đi như thế nào, đi có tiện lợi gì, nó hay ở đâu... chúng ta tuyên truyền những cái người dân đang cần chứ không tuyên truyền những cái đang có.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông mới chỉ là 1 trong 10 tuyến và vấn đề là chúng ta phải làm thế nào để kết nối hạ tầng với 9 tuyến còn lại chưa đi vào hoạt động. Rồi vấn đề tuyến đường sắt này dự kiến sẽ vận chuyển được khoảng 1 triệu lượt khách mỗi ngày, thì việc sử dụng xe buýt trên các tuyến này sẽ được vận hành ra sao để có thể đảm bảo hài hòa giữa 2 loại hình. Lúc đó sẽ phải có một phép tính để tính toán lại mật độ xe buýt trên tuyến này cho hợp lý...
Sau bao nhiêu năm nỗ lực, cố gắng chúng ta đã đưa vào vận hành được tuyến đường sắt này, chắc chắn là hiện đại, chắc chắn là văn minh, chắc chắn là tiện lợi thì chúng ta phải tập trung vào tuyên truyền những cố gắng, nỗ lực để có thể đưa ra đượcsản phẩm này. Hướng dẫn cho người dân cách tham gia như thế nào?
Tôi có 4 mong muốn để có thể giải quyết vấn đề giao thông, môi trường và tạo ra hình ảnh đẹp cho Hà Nội hiện nay: Thứ nhất, tất cả các dòng sông của Hà Nội (đặc biệt là sông trong khu vực nội thành) đều chảy, xây dựng hệ thống cây xanh công trình dọc hai bên bờ sông; Thứ hai, tiến tới xây dựng một đô thị Hà Nội thì sẽ không còn đi xe máy, các đô thị trên thế giới đều thế và tuyến đường sắt đô thị chính là nhân tố góp phần để thực hiện mục tiêu này, khi việc đi lại văn minh hiện đại thì người dân sẽ tự thay đổi phương tiện đi lại; Thứ ba, Hà Nội sẽ kè được bờ sông Hồng, nếu kè được thì Hà Nội thì sẽ mang lại cảnh quan rất đẹp; Thứ tư, là Hà Nội không còn dây dợ lằng nhằng nữa.
Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ - TTg ngày 31/3/2016, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) với tổng chiều dài 417,8km.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm: “Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị ở Hà Nội”, Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho hay, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô cần có 10 tuyến ĐSĐT, trong đó 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm, 5 tuyến kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven.
Ông Lê Trung Hiếu – Phó Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm. |
Trong đó có 2 tuyến số; 1 và 2A do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh gồm có 2 nhánh. Nhánh 1 có lộ trình Ngọc Hồi - Ga Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên, dài 26km, sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án nhanh 1 đã được Bộ GTVT phê duyệt, cơ bản hoàn thành thiết kế kỹ thuật, và điều chỉnh phân kỳ đầu tư từ 2017 - sau 2025. Nhánh 2 Gia Lâm - Dương Xá, dài 7,4km được đưa vào danh mục đầu tư đến năm 2030.
Tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông, dài 13km, đã hoàn thành 98% khối lượng xây dựng; 88% khối lượng lắp đặt thiết bị; đang chạy thử liên động toàn tuyến. Dự kiến tuyến ĐSĐT số 2A sẽ được bàn giao về cho Hà Nội vận hành, khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán 2019.
TP Hà Nội cũng đang làm chủ đầu tư 2 dự án ĐSĐT số 2 và số 3. Tuyến ĐSĐT số 2 Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi. TP đang đặt mục tiêu, từ nay tới năm 2020, sẽ hoàn thành đoạn tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (11,5km); và đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, (5,9km). Hai đoạn tuyến: Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Bưởi (7km) và Nội Bài - Thăng Long (17,4km) dự kiến đầu tư đến năm 2030; sau 2030 sẽ kéo dài tuyến lên Sóc Sơn (10,2km).
Tuyến ĐSĐT số 3 Trôi - Nhổn - Yên Sở gồm 3 đoạn: Nhổn - Ga Hà Nội (12,5km); Trôi - Nhổn (5,9km); Ga Hà Nội - Yên Sở - Hoàng Mai (7,3km). Dự kiến, sau năm 2030, tuyến số 3 sẽ được kéo dài đến Sơn Tây (30km). Riêng đoạn tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA; dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Hình ảnh tại Tọa đàm. |
3 đoạn tuyến ĐSĐT đang làm thủ tục nghiên cứu báo cáo tiền khả thi gồm: Tuyến số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc - Ba Vì. Và tuyến số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7km với 8,13km đi ngầm; Dự án có tiến độ đầu tư thực hiện từ năm 2018 - 2025, có thể đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2026. Tuyến ĐSĐT số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất có tốc độ thiết kế đoạn đi ngầm là 90km/giờ; đoạn đi cao và đi bằng là 120km/giờ; chiều dài toàn tuyến 38,4km. Dự án có tiến độ đầu tư thực hiện từ năm 2018 - 2025, có thể đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2026.
Tuyến ĐSĐT số 8 Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá cũng đang được nghiên cứu với tổng chiều dài 39,1km, gồm 2 nhánh: Sơn Đồng - Mai Dịch (đầu tư đến năm 2030) và Mai Dịch - Vành đai 3 - Dương Xá (đầu tư sau năm 2030). Ngoài ra Hà Nội còn 4 tuyến ĐSĐT chưa triển khai thực hiện gồm: tuyến số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi; số 7 Mê Linh - Hà Đông; và tuyến số 10 Sơn Tây - Hoà Lạc Xuân Mai, đều nằm trong quy hoạch từ nay đến năm 2030.
Nội thất bên trong tàu điện trên cao tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. |
Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định được tương đối đầy đủ, hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội. Khi hoàn thành, các tuyến ĐSĐT sẽ tạo nên bộ khung xương sống hoàn chỉnh cho hệ thống giao thông vận tải Thủ đô, đem đến rất nhiều cơ hội phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hoá, chính trị...
Ông Vũ Hồng Phương – Phó phụ trách Ban QL Đường sắt, Bộ GTVT phát biểu tại Tọa đàm. |
Liên quan đến tình hình mới nhất về Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Phương – Phó phụ trách Ban QL Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian vừa qua, Ban QL Đường sắt đã tập trung vào 4 nhóm công tác nhằm đảm bảo tiến độ đưa Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào vận hành.
Trong buổi thị sát chạy thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nhận xét: "Sau khi đi toàn tuyến, quan sát toàn bộ tuyến, chúng tôi cảm nhận sắp tới Hà Nội sẽ có một tuyến đường sắt rất tốt và hiện đại. Có thể nói đây là một trong những công trình mang ý nghĩa không chỉ về giao thông, mà còn tạo được đột phá về kinh tế - xã hội..." |
Thứ nhất, đối với công tác xây dựng, Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông về cơ bản đã hoàn thành tất cả phần kết cấu chủ thể, bao gồm 12 nhà ga và khu depo. Thứ 2, công tác hoàn thiện Tuyến đường sắt vẫn đang tiếp tục hoàn thành, còn 4% khối lượng xây dựng đang được thực hiện. Ban QL dự án đã thực hiện việc mua sắm thiết bị, bao gồm 12 hợp phần và chuyên ngành thiết bị cho 13 đoàn tàu, thu soát vé tự độ, cung cấp điện, dây tiếp xúc, hệ thống thang máy, điều hòa, cảnh báo cháy tự động, hệ thống thông tin và hệ thống tín hiệu… về cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, hệ thống vật tư về cơ bản đã được đưa về từ nước ngoài khoảng 96%, việc tiến hành lắp đặt cơ bản hoàn thành 88%.
Thứ 3, công tác đào tạo được thực theo thiết kế ban đầu với số lượng 651 người, bao gồm 600 người được đào tạo tại Trung Quốc còn lại 51 người được đào tạo trực tiếp tại Việt Nam. Sau khi công tác đào tạo kết thúc, nhân sự sẽ được chuyển về và thực hành trực tiếp tại hiện trường, với mục tiêu hoàn thành quá trình vận hành thử trong 3 tháng tới.
Thứ 4, đối với công tác vận hành thử, Ban QL Đường sắt có kế hoạch thực hiện trong thời gian từ 3 – 6 tháng, theo đúng kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Trong suốt quá trình, lực lượng vận hành thử là 370 nhân sự từ phía tổng thầu, qua đó, Ban QL sẽ có sự điều chỉnh, theo dõi, đánh giá, đảm bảo an toàn, tiêu chí của thiết kế và khi vượt qua các kỳ kiểm định mới đưa vào sử dụng.
Ông Vũ Hồng Trường cho biết, công ty đã đưa ra 110 quy trình, quy định cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. |
Tiếp theo, chia sẻ về công tác chuẩn bị nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị cũng như phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để tiến tới vận hành tuyến đường sắt được thuận lợi, an toàn, ông Vũ Hồng Trường cho hay: Để chuẩn bị cho công tác vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội và công ty đã tiếp cận dự án cách đây hơn 3 năm. Trong thời gian đó, sự phối hợp giữa Bộ GTVT và Hà Nội, đặc biệt là giữa các cơ quan liên quan được triển khai rất hiệu quả, tích cực.
Đối với các chuẩn bị về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách với tuyến đường sắt đô thị cũng được công ty chuẩn bị kỹ lưỡng. Công ty cũng được tham gia góp ý nhằm đưa các điều kiện đặc thù vào các văn bản pháp luật nhằm khi triển khai tuyến đường sắt đô thị không có gì vướng mắc.
Việc xây dựng chính sách giá vé cũng đã được Hà Nội chuẩn bị trong vòng 3 năm, có sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản phối hợp cùng nhân sự Việt nghiên cứu. Công ty đã trình TP phê duyệt để đưa ra giá vé vào thời điểm vận hành chính thức. Giá vé là giá được TP trợ giá nên sẽ rất phù hợp với thu nhập người dân, đồng thời là vé điện tử theo chuẩn quốc tế, đi bao nhiêu trả bấy nhiêu. Cùng với đó là nhiều thể loại vé với hình thức di chuyển linh hoạt.
Về tổ chức bộ máy, nhân sự, nhân lực có 681 người được đào tạo cả trong và ngoài nước. Trong đó có 30 người không cần đào tạo thêm theo dự án.
Riêng về quy định, quy trình vận hành, công ty đã đưa ra 110 quy trình, quy định cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Về công tác tài chính, có thể khẳng định, TP đã có khoản dành riêng, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến đường sắt trên cao khi nào cần thiết.
Về Dự án “Hỗ trợ truyền thông cho đường sắt đô thị Hà Nội”
Ông Jason Rush - Chuyên gia phụ trách các dự án giao thông của ADB phát biểu. |
Tại buổi Tọa đàm, ông Jason Rush - Chuyên gia phụ trách các dự án giao thông của ADB đã giới thiệu về Dự án “Hỗ trợ truyền thông cho đường sắt đô thị Hà Nội”.
Công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đưa đường sắt đô thị vào hoạt động, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp nhận và sử dụng thuận lợi. Hiện tại có 2 tuyến Metro đang được xây dựng là 2A Cát Linh – Hà Đông và tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội do ADB và chính quyền Pháp hỗ trợ, dự kiến sẽ giúp thay đổi diện mạo đường sắt đô thị Hà Nội. Tuyến đường sắt sẽ cung cấp thêm lựa chọn giao thông cho người dân bên cạnh các phương tiện công cộng khác, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng sống người dân nhờ giảm phương tiện cá nhân và ô nhiễm không khí.
Theo ông Jason Rush, đây là lần đầu tiên một cơ quan nhà nước dành riêng 1 bộ phận cho công tác tuyên truyền dự án. Trong gói hỗ trợ kĩ thuật ADB hỗ trợ Hà Nội trong dự án lần này, cũng đưa ra chiến lược quảng cáo và tăng doanh thu ngoài vé, ngoài ra còn nhiều hợp phần như marketing, tạo thương hiệu cho dự án, góp phần tạo ra hệ thống hình ảnh metro Hà Nội thân thiện và chuyên nghiệp trong tương lai.
Trình bày cụ thể hơn những kết quả của gói truyền thông, bà Nguyễn Tố Trân - Chuyên gia truyền thông ADB cho hay: Từ những năm 2016-2017, tin tức về các dự án không được tích cực trong khi lợi ích của metro chưa được người dân nắm rõ. Bên cạnh đó, các bên liên quan như nhà tài trợ, các ngành các cấp cũng quan tâm tới các thông tin về dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông.
Điều quan trọng để các dự án Metro bền vững trong tương lai là quá trình truyền thông được triển khai hiệu quả, cũng như nâng cao cơ hội doanh thu ngoài vé của tuyến metro.
Trong quá trình tuyên truyền về dự án, ADB đã phối hợp giữa sử dụng mạng xã hội, cũng như triển khai các chiến lược xây dựng thương hiệu dựa trên các khảo sát thị trường, chiến lược quảng cáo và kinh doanh bán lẻ, đào tạo chăm sóc khách hàng, đào tạo nâng cao năng lực về truyền thông và quan hệ công chúng cho các bộ phận liên quan.
Bà Nguyễn Tố Trân cũng chia sẻ một số kết quả đáng chú ý theo nghiên cứu thị trường của ADB về sự trông đợi của người dân tới ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông. Theo đó, khả năng người dân tham gia sử dụng metro là rất lớn, hơn 90% người dân được hỏi sẵn sàng sử dụng metro Hà Nội. Lý do chủ yếu thu hút người dân sử dụng metro là Không lo tắc đường, tiết kiệm thời gian di chuyển…Cũng theo khảo sát, phần đông người dân cũng mong muốn các siêu thị tiện ích, các ATM, cửa hàng ăn nhanh, máy bán hàng tiện động gần khu vực đường sắt trên cao.
Dựa trên các kết quả này, một trong những sản phẩm của dự án là Bản tin chủ động cung cấp thông tin cô đọng về các dự án, được các nhà báo trong và ngoài nước quan tâm, trích dẫn đăng tải ở các báo khác nhau. Hơn 20,000 người theo dõi thường xuyên truy cập và tương tác với trang mạng xã hội Facebook của ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sau 1 năm triển khai…