KTĐT - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã đồng ý bổ sung Tòa Điện chính Khu di tích lịch sử Lam Kinh vào danh mục các công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị chu đáo các thủ tục, chuẩn bị đề án phục hồi, tôn tạo di tích theo quy định, nếu kịp thì khởi công trong năm 2010.
Thông tin tham khảo: Lam Kinh (còn gọi là Tây Kinh) thuộc địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung dành cho các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.
Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (Du Sơn), phía Nam nhìn ra sông Chu, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đất đồi gò có hình dáng giống chữ "vương" (王 - chữ Hán).
Chính điện Lam Kinh gồm 3 toà điện lớn xây trên nền đất rộng, cao 1,80m so với sân rồng, bề ngang 38m, chiều sâu 46m. Mặt bằng của điện bố trí hình chữ "công" (工 - chữ Hán). Điện phía trước gọi là Điện Quang Đức, điện dọc ở giữa gọi là Điện Sùng Hiếu, điện phía sau gọi là Điện Diên Khánh (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Đây là công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn, hàng cột cái của cả 3 điện có đường kính 62cm. Kiến trúc 3 toà chính điện Lam Kinh có giá trị đặc biệt quan trọng về nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ (theo thanhhoatourism.com.vn).