Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2:

Tòa tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng bọn

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 1 tháng xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các cơ quan, tổ chức (giai đoạn 2), chiều 17/10, HĐXX phiên tòa sơ thẩm TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác.

34 bị cáo trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát–Giai đoạn 2, bị xét xử các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - VTP) cùng Trương Khánh Hoàng, Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quang Công, bị xét xử 3 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án chung thân ở giai đoạn 2.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án chung thân ở giai đoạn 2.

HĐXX nhận định bị cáo Trương Mỹ Lan là người chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn VTP và các công ty thuộc tập đoàn. Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Lan đưa ra chủ trương, họp bàn với các đồng phạm là nhân sự cấp cao của Tập đoàn VTP, SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn VTP, gồm: Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông; Công ty CP đầu tư Quang Thuận; Công ty CP đầu tư Sunny World; Công ty Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với số lượng 308.691.388 trái phiếu. Sau đó để các công ty “ma” do Tập đoàn VTP lập ra, mua trái chủ sơ cấp rồi cho chạy dòng tiền “khống” thanh toán nhằm hợp thức tư cách trái chủ, và bán cho 35.824 bị hại (trái chủ thứ cấp) số tiền 30.869.138.800.000 đồng chiếm đoạt 30.081.509.700.000 đồng.

Đối với tội “Rửa tiền”, với số tiền 445.747.604.370.480 đồng, HĐXX nhận định các bị cáo sau khi thực hiện hành vi “Tham ô tài sản” của SCB và hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền, hợp thức nguồn gốc số tiền này.

Đối với tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” với số tiền 4.536.413.154 USD tương đương 106.730.728.811.514 đồng. HĐXX nhận định trong khoảng thời gian từ năm 2012-2022, để chuyển 1.511.676.275 USD tương đương hơn 35,3 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài, và nhận 3.024.736.879 USD tương đương hơn 71,3 nghìn tỷ đồng từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, Trương Mỹ Lan giao cho Phạm Quang Công phối hợp cùng với Nguyễn Phương Anh, Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) và lãnh đạo SCB (Võ Tấn Hoàng Văn, Cheng Yi Chung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung…) lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn; vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức tại nước ngoài (đều là công ty “ma” thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP). Thông qua các hợp đồng “khống” này, dòng tiền chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại đều thông qua hệ thống SCB do Trương Mỹ Lan làm chủ. Mặc dù hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam thiếu và không theo quy định nhưng, các bị cáo là lãnh đạo SCB vẫn ký các lệnh chuyển tiền.

Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan), bị tuyên 2 năm tù về tội “Rửa tiền” cho vợ hơn 33,3 tỷ đồng.
Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan), bị tuyên 2 năm tù về tội “Rửa tiền” cho vợ hơn 33,3 tỷ đồng.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Rửa tiền” và 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; tổng hợp mức án tù chung thân.

Cùng 3 tội danh với Trương Mỹ Lan là các bị cáo Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB) 23 năm tù cho cả 3 tội; Nguyễn Phương Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty SPG) 16 năm tù; Trịnh Quang Công (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Acumen) 15 năm tù.

Các bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn  (nguyên Tổng Giám đốc SCB) 17 năm tù; Nguyễn Hữu Hiệu  (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Square Việt Nam) 12 năm tù; Nguyễn Vũ Anh Thi (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam) 9 năm tù; Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB) 10 năm tù. Cả 4 bị cáo này đều bị xét xử 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Đối với bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB) 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

20 bị cáo bị xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Lan) và Thái Thị Thanh Thảo mỗi bị cáo 5 năm tù. Các bị cáo còn lại từ 2–8 năm tù, gồm: Hồ Bửu Phương, Bùi Đức Khoa, Thái Thị Thanh Thảo, Ngô Thanh Nhã, Trương Thị Kim Lài, Kwok Hakman Oliver, Trương Vincent Kinh, Trần Thị Thúy Ái, Phạm Thị Thúy Hằng, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân, Trần Văn Tuấn, Trần Thị Lan Chi, Trần Đình Hưng, Huỳnh Phong Phú, Vũ Quốc Tuấn, Đinh Thị Ngọc Thanh, Lý Quốc Trung, Phạm Hoa Đăng. Riêng Ngô Thanh Nhã (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, em dâu bị cáo Lan) bị 8 năm tù.

Bị cáo Chu Lập Cơ (SN 1956, quốc tịch Trung Quốc, chồng bị cáo Lan), bị tuyên 2 năm tù về tội “Rửa tiền” cho vợ hơn 33,3 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX phiên sơ thẩm giai đoạn 2, tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ hậu quả vụ án là 30.081.509.700.000 đồng của 35.824 bị hại.