Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Young Chan, có cuộc họp báo ngắn sau cuộc gặp kín buổi sáng. Ông Yoon cho hay ông Moon đã mời ông Kim đến Nhà Xanh, phủ tổng thống Hàn Quốc, và ông Kim đã nhận lời.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng duyệt đội vệ binh danh dự với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. |
Ông Moon nói ông hy vọng cuộc gặp sẽ dẫn đến các cuộc gặp tiếp theo tại Bình Nhưỡng và ông Kim ủng hộ việc này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea In đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên. Ông Kim sẵn sàng tới thăm phủ tổng thống Hàn Quốc sau khi nhận lời mời.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc đối thoại đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua. |
Sau khi dùng bữa trưa, hai nhà lãnh đạo Hàn, Triều sẽ gặp lại nhau và trồng một cây thông từ năm 1953 (năm ký lệnh ngừng bắn).
Cây thông là biểu tượng của sức mạnh cũng là biểu tượng của sự quan tâm trong môn võ cổ truyền tae kwon do, vì rễ cây cắm sâu vào lòng đất đồng thời thân cây vươn cao trên mặt đất.
Phần đất được sử dụng trồng cây được lấy từ núi Baekdusan thuộc Triều Tiên và núi Hallasan thuộc Hàn Quốc. Sau đó, nhà lãnh đạo Kim tưới cây bằng nước lấy từ sông Hangang thuộc Hàn Quốc và Tổng thống Moon sẽ tưới bằng nước lấy từ sông Daedonggang của Triều Tiên.
Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên phát biểu rằng: "Tôi sẽ có trao đổi tốt đẹp với Tổng thống Moon Jae-in một cách thẳng thắn, chân thành và thái độ trung thực để có kết quả tốt",
Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ lòng biết ơn khi ông Kim đồng ý gặp thượng đỉnh. "Khoảnh khắc Chủ tịch Kim bước qua đường phân giới quân sự thì Bàn Môn Điếm trở thành biểu tượng của hòa bình, không còn là biểu tượng chia cắt nữa", ông Moon nói. "Một lần nữa tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng với quyết định của Chủ tịch Kim Jong Un giúp cho cuộc thảo luận hôm nay diễn ra".
Trong cuốn sổ lưu niệm của Nhà Hòa bình tại Bàn Môn Điếm, ông Kim Jong-un viết: "Hôm nay, lịch sử mới đang diễn ra - tại điểm khởi đầu của kỷ nguyên hòa bình".
Đối thoại chính thức giữ ông Kim Jong Un và ông Moon Jae-in bắt đầu vào lúc 10h30 sáng tại Ngôi nhà Hòa Bình trong Bàn Môn Điếm.
Sau khi hoàn tất đối thoại, ông Kim Jong Un và ông Moon Jae-in dự kiến sẽ ký một thỏa thuận và ra một tuyên bố. Vào buổi tối, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng dùng bữa và theo dõi một đoạn video clip với chủ đề "Mùa xuân thống nhất" trước khi kết thúc cuộc gặp.
Triều Tiên tuyên bố đặt mục tiêu chấm dứt đối đầu
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Im Jong-seok cho biết tại phiên họp sáng 27/4 trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhấn mạnh rằng ông tới Hàn Quốc với mục đích chấm dứt đối đầu trên bán đảo Triều Tiên.
|
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ năm 2007. |
Tại cuộc gặp, ông Kim Jong Un đảm bảo với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng “ông sẽ không bị đánh thức vào mỗi buổi sáng sớm nữa”, hàm ý rằng Bình Nhưỡng sẽ ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Trước khi diễn ra cuộc gặp này, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tuyên bố sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian diễn ra các nỗ lực ngoại giao. Tuyên bố này đã nhận được sự hoan nghênh của Hàn Quốc cũng như quốc tế.
Ông Kim Jong Un cũng đề cập vụ pháo kích của Triều Tiên vào hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc năm 2010, và bày tỏ mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh này "có thể hàn gắn vết thương của người dân".
Về phần mình, Tổng thống Moon đánh giá cuộc thảo luận ngày hôm nay "diễn ra rất tốt đẹp" và nhấn mạnh đây sẽ là "món quà cho cả thế giới".
Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã cam kết nỗ lực để đạt tiến triển tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này, nhằm "đạt một thỏa thuận lớn", và "viết nên một chương mới trong quan hệ hai nước".
Theo đài KBS của Hàn Quốc, việc ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên phụ trách các vấn đề liên Triều và bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, cùng tham gia phiên họp buổi sáng 27/4 nói trên cho thấy vai trò quan trọng của những nhân vật này trong các mối quan hệ liên Triều trong tương lai, việc phi hạt nhân hóa và nỗ lực hướng đến đảm bảo một hệ thống hòa bình.
Hàn-Triều muốn “viết nên chương mới” trong quan hệ hai nước
Lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện quyết tâm mang đến thay đổi trong quan hệ liên Triều. Đã từng có không ít lần hai nước bên bờ vực chiến tranh.
9h30 phút sáng 27/4 theo giờ địa phương (tức khoảng 7h30 phút theo giờ Hà Nội), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần đầu bước qua giới tuyến quân sự hai miền, bắt tay và bước vào phòng hội đàm cùng Tổng thống Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjom, bên trong Khu Phi quân sự liên Triều.
|
Ông Kim và Tổng thống Moon bắt tay tại phòng hội nghị. Ảnh: AFP |
Lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh trong ngày hôm nay để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và khả năng ký kết một hiệp ước hòa bình giữa hai nước.
Hiện tại, Mỹ vẫn đang gây áp lực lên Triều Tiên về việc nước này cần chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.
Khởi đầu cuộc gặp, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in: “Tôi hy vọng sẽ viết lên chương mới giữa chúng ta. Đây là điểm khởi đầu cho chúng ta”. Lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện quyết tâm mang đến thay đổi trong quan hệ liên Triều. Đã từng có không ít lần hai nước bên bờ vực chiến tranh.
Trong suốt cuộc gặp lịch sử, Tổng thống Hàn Quốc luôn giữ nụ cười tươi. Ông nói với nhà lãnh đạo Triều Tiên: “Trong suốt 7 thập kỷ qua, chúng ta đã không thể đối thoại. Thế nhưng hôm nay chúng ta đã có thể nói chuyện suốt cả ngày.
Mùa xuân trên bán đảo Triều Tiên đang vô cùng rực rỡ, cả thế giới đang dồn sự chú ý đến niềm vui lan tỏa ở khắp nơi. Chúng ta mang trọng trách lớn trên vai mình, chúng ta có thể tặng một món quà cho nhân loại, đó chính là hòa bình”.
Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul ấm dần lên sau những căng thẳng liên quan đến những hành động gây hấn từ phía Triều Tiên vào năm ngoái, có thể kể đến các vụ thử hạt nhân cũng như phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn đến lục địa Mỹ.
Sang đến năm nay, phía Triều Tiên đã thể hiện thái độ nồng ấm hơn, chính phủ Mỹ và các nước đồng minh giờ đây đang cố gắng đoán định suy nghĩ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc trong ngày thứ Sáu có thể coi như cuộc gặp tiền trạm cho cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump được tổ chức dự kiến vào tháng 5 hoặc tháng 6/2018.
Đi cùng với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần này có em gái đồng thời là trợ lý thân cận của ông, cô Kim Yo Jong. Cô Kim Yo Jong từng dẫn đầu đoàn vận động viên Triều Tiên sang Hàn Quốc trong tháng 2/2018. Ngoài ra còn có ông Kim Jong Nam, người đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên.
Truyền thông quốc tế thận trọng về khả năng đột phá
11 năm sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều gần nhất, lãnh đạo hai miền Triều Tiên mới lại tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nhất, để thảo luận về những vấn đề còn tồn đọng với niềm hy vọng mới về một nền hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin Yohap, các phóng viên nước ngoài tới đưa tin về sự kiện này đều chia sẻ cảm giác lạc quan thận trọng về kết quả cuộc gặp lịch sử ngày 27/4. Tuy nhiên, một số phóng viên cho biết không kỳ vọng về một sự đột phá. Họ cho rằng thời gian một ngày sẽ là không đủ để có thể giải quyết những vấn đề đã tồn đọng suốt nhiều thập kỷ qua.
|
Khoảng gần 3.000 phóng viên từ các nước trên thế giới có mặt tại Trung tâm báo chí thuộc khuôn viên Trung tâm Triển lãm quốc tế Hàn Quốc để đưa tin hội nghị thượng đỉnh liên Triều. |
Đây là lần đầu tiên các phóng viên nước ngoài được đưa tin hội nghị thượng đỉnh liên Triều từ Khu phi quân sự (DMZ). Theo Ủy ban hậu cần hội nghị thượng đỉnh liên Triều, tính đến 16h00 ngày 26/4 đã có tổng cộng 2.962 phóng viên từ các nước trên thế giới có mặt tại Trung tâm báo chí thuộc khuôn viên Trung tâm Triển lãm quốc tế Hàn Quốc (KINTEX). Nhật Bản là quốc gia cử nhiều phóng viên nhất - 366 người thuộc 25 hãng tin.
Ngoài ra, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng nhất trí lần đầu tiên phát sóng trực tiếp cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên.
Lãnh đạo thế giới kỳ vọng vào kết quả thượng đỉnh liên Triều nhưng dè dặt
Nhận định về cuộc hội đàm lịch sử giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm ngày 27/4, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố mong đợi cuộc đối thoại sẽ đạt những bước tiến về tương lai hòa bình và thịnh vượng trên toàn bán đảo Triều Tiên.
Nhà Trắng cũng cam kết sẽ tiếp tục thảo luận với đồng minh Hàn Quốc để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un trong vài tuần nữa.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tỏ ra hoài nghi về khả năng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ mang lại những chuyển biến đáng kể, dù mong rằng đây sẽ là bước tiến để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. “Chúng ta từng lầm tưởng về vấn đề bán đảo Triều Tiên trước đây”, Thủ tướng Turnbull bình luận ngắn gọn và nói thêm là sẽ theo sát những diễn biến tiếp theo.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng tỏ ra dè dặt khi nói đây chỉ mới là bước đầu tiên của tiến trình. “Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục kỳ vọng”, bà Bishop nói.
Chính phủ Nhật Bản ngày 27/4 bày tỏ hy vọng hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ có các cuộc thảo luận "nghiêm túc" về phi hạt nhân hóa Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều đang diễn ra sáng cùng ngày tại Nhà Hòa bình, phía Nam khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền.
Phát biểu tại họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng sẽ thảo luận "tích cực" về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ông Suga cùng bày tỏ tin tưởng rằng "đây sẽ là cuộc thảo luận nghiêm túc giữa hai nhà lãnh đạo".
|
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói Tokyo mong cuộc hội đàm thượng đỉnh sẽ dẫn đến “những bước tiến có thể chứng minh được” về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và một giải pháp cho việc Triều Tiên bắt cóc người Nhật thời chiến tranh lạnh.
Cùng ngày, Nga cũng bày tỏ ủng hộ và khẳng định mong muốn hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra ngày 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom sẽ thành công tốt đẹp.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của hai miền Triều Tiên. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS cùng ngày, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho rằng bán đảo Triều Tiên vốn là một trong những khu vực căng thẳng nhất trên thế giới, nơi hành động quân sự có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, theo ông, tình hình đã thay đổi và hai miền Triều Tiên đang đi theo hướng hòa giải.
Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ ký một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay, chấm dứt 65 năm xung đột.
Hai nước đã công bố thông tin này trong một Tuyên bố chung hôm thứ Sáu (27/4).
Hai nhà lãnh đạo ký Tuyên bố Bàn Môn Điếm. |
|
Tài liệu có tên gọi chính thức là Tuyên bố Bàn Môn Điếm vì hòa bình, thịnh vương và thống nhất bán đảo Triều Tiên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài một ngày và 30 phút trò chuyện riêng giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
“Hai nhà lãnh đạo tuyên bố… sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên mới của hòa bình bắt đầu”, tuyên bố chung ghi.
Hai nhà lãnh đạo trao đổi Tuyên bố chung. |
|
Sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói sau khi ký Tuyên bố chung.
"Chủ tịch Kim Jong Un và tôi đã thống nhất về việc đạt được phi hạt nhân hóa, đó là mục tiêu chung của chúng tôi", ông nói thêm.
Đứng bên cạnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên phát biểu: "Chúng ta không phải là những người đối đầu... Chúng ta nên sống trong sự thống nhất. Chúng ta đã chờ đợi khoảnh khắc này từ rất lâu".
"Con đường tôi đã đi ngày hôm nay, tôi chân thành hy vọng mọi công dân Nam và Bắc Triều Tiên có thể đi trên con đường này", ông Kim nói. "Chúng ta có thể hưởng hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên mà không phải lo sợ chiến tranh."
Hai nhà lãnh đạo phát biểu sau khi ký Tuyên bố chung. |
|
Ông Kim Jong-un không nhắc đến việc phi hạt nhân hóa khi phát biểu sau lễ ký kết nhưng theo Tuyên bố chung được ký kết bởi hai nhà lãnh đạo, thì cả 2 bên đều xác nhận, mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Chiều nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên KIm Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu cuộc hội đàm, thảo luận về phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn cho bán đảo. Hai bên có thể đưa ra "thỏa thuận chung" hôm nay, theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. |
|
Theo Phủ tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn cho bán đảo. Phủ tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết hai bên đang phối hợp để có thể đưa ra "thỏa thuận chung" trong ngày hôm nay.
Trong hơn 100 phút thảo luận sáng 27/4, lãnh đạo Hàn Quốc - Triều Tiên đã thảo luận về 3 chủ đề: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ song phương và tìm kiếm giải pháp tiến tới hòa bình chính thức.
Phía Hàn Quốc xác nhận bà Ri Sol Ju, phu nhân nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cùng bà Kim Jung Sook, phu nhân của Tổng thống Moon Jae In, sẽ cùng tham dự tiệc chiêu đãi do Tổng thống Moon Jae In tổ chức tối 27/4.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nói với Tổng thống Hàn Quốc rằng, sẽ không làm phiền giấc ngủ của Tổng thống Hàn thêm nữa, với ý có thể là ngừng các vụ thử nghiệm tên lửa thường diễn ra vào sáng sớm hồi năm ngoái.
Doanh nghiệp Hàn Quốc kêu gọi hợp tác hơn nữa với Triều Tiên
Hàng chục doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Triều Tiên thực sự hân hoan khi theo dõi diễn biến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được truyền hình trực tiếp sáng 27/4, trong đó ghi lại cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay thân mật, dấu hiệu hứa hẹn về một bầu không khí cởi mở sắp tới trong quan hệ giữa hai quốc gia.
Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên nói chuyện thân mật sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Bàn Môn Điếm ngày 27/4.
Giới doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 sẽ là chất xúc tác giúp khôi phục hoạt động sản xuất lâu nay vẫn bị đình trệ tại các nhà máy liên doanh giữa hai miền Triều Tiên ở TP Kaesong.
"Tôi hy vọng hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này sẽ tạo tiền đề để hồi sinh Khu công nghiệp (KCN) Kaesong", Shin Han-yong, người đại diện cho 123 công ty Hàn Quốc có nhà máy hoạt động tại Kaesong cho biết. Ông Shin Han-yong cũng tỏ ra lạc quan với kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc và Nhà lãnh đạo Triều Tiên ngày 27/4 dù tương lai KCN Kaesong và các vấn đề kinh tế không có trong chương trình nghị sự.
Trong khi đó, liên minh đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc ngày 27/4 cũng kêu gọi thiết lập tình hình ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, tạo điều kiện cho hai miền trao đổi kinh tế nhiều hơn nữa. Liên minh này cũng hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên, đồng thời hy vọng sự kiện lịch sử này sẽ đặt nền móng thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế xuyên biên giới, tạo động lực cho các công ty Hàn Quốc trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng mạnh lên.
KCN Kaesong mở cửa từ năm 2004 được coi là một biểu tượng quan trọng trong hợp tác kinh tế của hai miền Triều Tiên với nguồn vốn và công nghệ từ Hàn Quốc được triển khai cùng với nguồn lao động giá rẻ ở Triều Tiên. Từ tháng 2/2016, Hàn Quốc đã cấm mọi hoạt động sản xuất tại đây sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa lần thứ 4.
Việc các công ty tại KCN Kaesong phải tạm dừng hoạt động ước tính gây thiệt hại khoảng 1.500 tỷ won (tương đương 1,3 tỷ USD). Hàn Quốc cho biết việc nối lại hoạt động tại Kaesong cũng như các dự án hợp tác xuyên biên giới sẽ phụ thuộc vào tiến trình tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Việt Nam chúc mừng Triều Tiên, Hàn Quốc tổ chức thành công hội đàm thượng đỉnh
Ngày 27/4 trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức Hội đàm thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên trong việc tổ chức thành công Hội đàm thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018, góp phần quan trọng vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, trong đó có việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. |
|
Việt Nam tin tưởng Triều Tiên và Hàn Quốc cùng các bên liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, phát huy các kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua, đặt nền móng lâu dài cho hòa bình, ổn định, phát triển tại Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai miền Triều Tiên cũng như vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Chiều 27/4, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tạo được bước ngoặt lịch sử quan trọng khi lãnh đạo hai nước ký một Tuyên bố chung, trong đó có nội dung về việc ký một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay, chấm dứt 65 năm xung đột.
Tài liệu có tên gọi chính thức là Tuyên bố Bàn Môn Điếm vì hòa bình, thịnh vương và thống nhất bán đảo Triều Tiên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài một ngày và 30 phút trò chuyện riêng giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
“Hai nhà lãnh đạo tuyên bố… sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên mới của hòa bình bắt đầu”, tuyên bố chung ghi.
Ngoài ra, ông Kim Jong Un và ông Moon Jae-in cũng thống nhất về việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa trong tuyên bố chung.