Ngày 4/11, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội.
Tham dự phiên giải trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, các sở, ban, ngành của thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và một số xã, phường liên quan...
ATTP là một trong những vấn đề TP đặc biệt quan tâm
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Thường trực HĐND TP lựa chọn nội dung “việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Hà Nội” để yêu cầu UBND TP và các cơ quan liên quan giải trình.
Toàn cảnh phiên giải trình |
Theo Chủ tịch HĐND TP, lý do tổ chức phiên giải trình bởi, TP có trên 70.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của TP mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận.
Vì vậy, việc quản lý ATTP trên địa bàn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy và người dân TP, trong đó nhất là với sản xuất tiêu dùng và lưu thông. Do đó, ATTP là một trong những vấn đề TP đặc biệt quan tâm và coi đây là vấn đề có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 năm 2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ATTP trong tình hình mới trên địa bàn TP. Tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 HĐND TP khóa 15, vấn đề ATTP vẫn được Thường trực HĐND TP lựa chọn để chất vấn, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm.
Thứ hai, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Thành ủy, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả, nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra gây lo ngại, bức xúc trong Nhân dân.
Có thể kể đến như: Tình hình vận chuyển, buôn bán, nhập lậu thực phẩm không đảm bảo ATTP tại Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp; việc kiểm tra kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau củ quả và các loại thực phẩm tươi sống kinh doanh ở các chợ, các điểm lẻ còn khó khăn; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong các khu dân cư chưa đảm bảo vệ sinh thú y, gây mất vệ sinh môi trường, ATTP chưa được kiểm soát; việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn chậm; công tác chỉ đạo điều hành kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt và thường xuyên; ý thức của người dân, người sản xuất về thực phẩm, chấp hành các quy định pháp luật về ATTP chưa cao.
Lý do thứ ba, đây là nội dung cử tri rất quan tâm và tập trung nhiều ý kiến trong các hội nghị tiếp xúc cử tri của HĐND.
Từ 3 lý do này, Thường trực HĐND TP tổ chức phiên giải trình này với mục đích: Đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật, chỉ đạo của chính quyền TP trong thực hiện ATTP; từ đó xác định các nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ATTP và thực hiện các kết luận chất vấn của HĐND; đồng thời kiến nghị đề xuất các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian tới. Thành phần tham dự hôm nay, ngoài lãnh đạo các sở, ngành, Thường trực HĐND TP còn mời 30 chủ tịch các quận, huyện, thị xã; 4 chi cục trưởng các chi cục của Sở Y tế, Sở NN&PTNT; 13 chủ tịch xã, phường; 2 lãnh đạo phòng Y tế và Đội quản lý thị trường cấp huyện để trực tiếp giải trình.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc |
“Thường trực đề nghị các đại biểu HĐND TP bám sát mục đích, yêu cầu của phiên giải trình, tham gia phiên giải trình với tinh thần trách nhiệm xây dựng, thẳng thắn; đề nghị UBND TP, sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường và các đơn vị liên quan khi được đại biểu đặt câu hỏi thì giải trình rõ thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, làm rõ trách nhiệm, có lộ trình, có biện pháp khắc phục trong thời gian tới”, Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.
Hà Nội có nên xây dựng trở thành Thủ đô của ẩm thực không?
Đặt câu hỏi đến Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ Hoàn Kiếm) cho rằng, qua khảo sát cho thấy, người dân lo ngại thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Đề nghị Sở Y tế - cơ quan thường trực chỉ đạo ATTP TP Hà Nội cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?
Đặt câu hỏi đến lãnh đạo quận Cầu Giấy, ĐB Nguyễn Quốc Khánh (quận Hoàng Mai) nêu tình trạng hoạt động bán hàng rong tồn tại trên vỉa hè và rất khó kiểm soát về an toàn thực phẩm. Đề nghị Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân và Chủ tịch UBND phường Cầu Giấy cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới?
Đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) đặt câu hỏi |
Đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) đề nghị lãnh đạo Sở Công thương cần nêu rõ về tình trạng các sản phẩm quá hạn bán tại các siêu thị? đề nghị Sở Y tế cho biết phương án về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng đang rất nhiều trên địa bàn TP?
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) nêu tồn tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền từ nước giếng để sản xuất trong khi chưa được kiểm nghiệm chất lượng đầu vào, giấy kiểm nghiệm chất lượng đầu vào đã hết hạn. Để xảy ra việc này, đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết trách nhiệm, phương án xử lý và giải pháp khắc phục trong thười gian tới?
Đại biểu cũng cho rằng, lợi thế của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là ẩm thực, vậy Sở Y tế được phân cấp là đầu mối Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP có thể cho biết: "Xây dựng Hà Nội là Thủ đô về ẩm thực hay không, và nếu vậy thì chắc chắn các giải pháp đề ra phải rất quyết liệt trong thời gian tới?".
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) đặt câu hỏi |
Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Mê Linh) nêu vấn đề, trên địa bàn một số địa phương, vẫn còn tình trạng hoa quả, thực phẩm nông sản không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như phóng sự nêu ở chợ Mai Lĩnh (phường Đồng Mai, quận Hà Đông), chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo ATTP như ở phường Thịnh Quang (quận Đống Đa). Để xảy ra tình trạng trên, đề nghị chủ tịch UBND các phường Đồng Mai, Thịnh Quang và chủ tịch UBND các quận nêu trên làm rõ nguyên nhân tồn tại như phóng sự nêu, trách nhiệm, biện pháp xử lý trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ ĐB quận Thanh Xuân) nêu vấn đề kiểm soát ATTP đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, các khu công nghiệp vẫn còn tồn tại một số tình trạng khó kiểm soát như không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; nhân viên không khám sức khỏe, không mặc đồng phục, không được tập huấn xác nhận kiến thức về ATTP; việc lưu mẫu thức ăn chưa đảm bảo đúng quy định. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và trách nhiệm khắc phục các tình trạng nêu trên?
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ ĐB quận Thanh Xuân) nêu vấn đề kiểm soát ATTP đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, các khu công nghiệp |
Theo đánh giá của UBND TP, một số bếp ăn bán trú chưa có biện pháp diệt côn trùng, điều kiện cơ sở vật chất ở một số nơi xuống cấp, chật hẹp,... “Với thực trạng các bếp ăn chưa đảm bảo như trên thì có nên tồn tại bếp ăn tập thể như thế này nữa hay không. Nếu không chúng ta có giải pháp cung cấp dịch vụ thức ăn tại các khu trường học, các khu tập thể như thế nào?” – ĐB Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Chấn chỉnh công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tại trường học
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền trả lời ý kiến của ĐB Nguyễn Quang Thắng về thực phẩm không rõ nguồn gốc cho biết, thời gian qua, vấn đề thực phẩm an toàn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo quyết liệt, phân cấp rõ trách nhiệm các sở, ngành, quận, huyện.
Qua thực hiện, trách nhiệm của các ngành, quận, huyện tương đối rõ. Đối với các đơn vị công thương, nông nghiệp đã làm tốt truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, các ngành cần tăng cường thêm công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị không an toàn.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền trả lời các đại biểu tại phiên giải trình |
Đối với ý kiến của ĐB Đỗ Thùy Dương, thực phẩm chức năng còn có khó khăn, việc quản lý có tồn tại. Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, các thông tin quảng cáo trên báo chí cũng cần phản kiểm soát chặt, không để tình trạng quảng cáo vượt quá mức.
Đối với ý kiến của ĐB Nguyễn Minh Đức về bếp ăn tập thể. Đối với bếp ăn ở các khu công nghiệp, có 165 bếp ăn ở 9 khu công nghiệp, cung cấp 68.000 suất ăn (tự nấu chiếm khoảng 20% và thuê nhà thầu nấu chiếm khoảng 80%). Hiện vẫn còn một số cơ sở không đảm bảo điều kiện, xuống cấp, còn ẩm mốc, sắp xếp kho bãi không gọn gàng, truy xuất nguồn gốc chưa đảm bảo.
Giải pháp trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền tại các khu công nghiệp, tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, tập huấn cho các DN, KCN. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, diễn tập phòng chống ngộ độc số lượng người lớn.
Đối với bếp ăn các trường, toàn TP có 4.534 bếp ăn tập thể, tại các trường bán trú, mầm non, tiểu học… Với sự chỉ đạo quyệt liệt của TP, quận, huyện, các trường đã chấn chỉnh công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn. Sở Y tế phối hợp chặt với Sở GD&ĐT để chấn chỉnh các trường học. Cùng đó, các phụ huynh học sinh tham gia giám sát tại các trường học.
Đối với ý kiến của ĐB Phạm Đình Đoàn về nước đóng chai, đóng bình, nước khoáng, hiện toàn TP có 425 cơ sở. Nguồn nước sử dụng phần lớn là nước máy TP, một số nơi dùng giếng khoan. Một số nơi làm sạch trong bình, nhưng vệ sinh ngoài bình chưa đảm bảo, chưa đảm bảo được vệ sinh nước đóng bình, đóng chai.
Về các giải pháp, cần tiếp tục tuyên truyền, nếu không đảm bảo, sản phẩm sẽ không được chấp nhận. Đồng thời, chúng tôi kiên quyết xử lý, công khai các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình không đạt yêu cầu trên trang web của TP, Sở Y tế.
Kiểm tra xử lý tận “gốc” tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”
Giải trình về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của Sở, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết: Hiện TP có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1700 cửa hàng tiện ích, trong đó có 807 cửa hàng gắn biển nhận diện kinh doanh trái cây. Theo quy định thì tất cả các trung tâm thương mại và siêu thị, cửa hàng tiện ích hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, có giấy chứng nhận.
Về quá trình kiểm tra kiểm soát, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở phải cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, có hướng dẫn các cơ sở phải truy gốc nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra còn có lực lượng quản lý thị trường thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ nghiêm quy định, đặc biệt là về hạn sử dụng của hàng hóa.
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng tại phiên giải trình |
Chủ tịch UBND quận Quận Đống Đa Võ Nguyễn Phong trả lời câu hỏi cho biết, Quận luôn quan tâm quản lý ATTP và coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Là địa bàn đông dan, việc quản lý các chợ càng được chúng tôi quan tâm. Tuy nhiên, với một chợ hạng 1, một chợ hạng 2 và bảy chợ hạng 3 trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của người dân, nên còn 4 điểm họp chợ rải rác trong các khu dân cư, tập thể cũ; cùng 4 chợ cóc tại phố Cầu Mới, Vũ Thạnh, Phan Phù Tiên, ngõ 18 Hàng Bột.
Quận đang triển khai các giải pháp đảm bảo yêu cầu trật tự đô thị, ATGT, trong đó với chợ Cầu Mới đây là phần nối tiếp chợ Ngã Tư Sở tại phường Ngã Tư Sở và phường Thịnh Quang, cùng cầu trên sông Tô Lịch liên quan phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân). Quận Đống Đa đã phối hợp với Thanh Xuân giải quyết tồn tại khu vực này, hiện quận đã ra quân cơ bản giải tỏa xong, sắp xếp các hộ kinh doanh vào chợ Ngã Tư Sở.
Trên mặt phố có 28 cửa hàng, cũng được sắp xếp đảm bảo VSMT và ATTP. Quận đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nhất là quyết định của UBND TP về phân cấp trong quản lý ATTP, sắp xếp lại đội ngũ Thanh tra ATTP, kiểm tra thanh tra xử lý vi phạm… Với các điểm họp chợ trong ngõ, tiếp tục sắp xếp điều kiện bán hàng cho các tiểu thương và tăng tuyên truyền để người dân nắm được chỉ đạo của TP và quận về công tác ATTP, trong đó vận động họ thực hiện mua hàng hóa rau quả thực phẩm tươi sống tại chuỗi cửa hàng rau quả, thực phẩm an toàn tại quận, bởi người dân là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tình trạng mất vệ sinh ATTP. “Chúng tôi cũng đề nghị TP yêu cầu các sở ngành tăng cường kiểm tra, nhất là nơi sản xuất chăn nuôi trồng trọt vì đây là “gốc” của vấn đề, trước tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống” hiện nay”, Chủ tịch quận nói.
Triển khai thí điểm phố Tô Hiệu (Cầu Giấy) là tuyến phố điểm về đảm bảo ATTP
Trả lời về vấn đề cợ cóc, chợ tạm, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Vũ Thị Thủy (quận Cầu Giấy) cho biết, trên địa bàn có rất đông sinh viên, người dân từ các tỉnh về sinh sống, học tập, công tác nên cũng còn tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm.
Phường đã xây dựng 9 kế hoạch, 10 quyết định phân công rõ trách nhiệm của các tổ dân phố, cá nhân liên quan trong đảm bảo ATTP. Phường sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới các hộ kinh doanh, đặc biệt là những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố để nâng cao nhận thức về đảm bảo ATTP, đặc biệt là khu vực chợ Nghĩa Tân.
Hiện nay trên địa bàn phường có 40 hộ kinh doanh thức ăn đường phố. Phường sẽ rà soát, kiểm tra, nếu có hộ nào không đảm bảo ATTP sẽ có biện pháp xử lý, yêu cầu dừng hoạt động. Phường cũng đang triển khai thí điểm phố Tô Hiệu là tuyến phố điểm về đảm bảo ATTP để nhân rộng trên địa bàn.
Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Vũ Thị Thủy (quận Cầu Giấy) |
Kiểm tra, xử phạt nghiêm cơ sở thức ăn đường phố
Ông Hoàng Thạch Tâm - Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc cho biết, UBND phường nằm ở trung tâm quận, là 1 trong 6 phường tiếp giáp với hồ Hoàn Kiếm, nơi tập trung trọng điểm các dịch vụ nhỏ lẻ về du lịch, đồng dân cư; với các tuyến phố như Gia Ngư, Cầu Gỗ, Đinh Liệt… Chợ Hàng Bè đã được giải tỏa năm 2010, nhưng vẫn còn tình trạng kinh doanh do đây là chợ truyền thống lâu năm, thói quen mua bán trên địa bàn của người dân.
Dưới sự chỉ đạo của quận, phường luôn tích cực phối hợp các phòng, ngành kiểm tra xử lý, tuyên truyền về vệ sinh ATTP; luôn được MTTQ và các đoàn thể phối hợp triển khai hiệu quả công tác quản lý vệ sinh ATTP; Ban Chỉ đạo ATTP phường được kiện toàn có phân công cụ thể, phối hợp các cấp ủy chính quyền, đoàn thể địa bàn dân cư; xây dựng các kế hoạch triển khai chỉ đạo với 11 văn bản về vệ sinh ATTP.
Song thời gian qua, vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác vệ sinh ATTP. UBND phường thường xuyên quan tâm kiểm tra kiểm soát, thanh tra kiểm tra xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm. Từ đầu năm đến nay kiểm ta 34/87 cơ sở, xử phạt với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống, hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống…
Thời gian tới, phường sẽ đổi mới hình thức tuyên truyền các văn bản tới người dân, các cán bộ về ATTP, gắn với những phong trào của các hội đoàn thể, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, ký cam kết về vệ sinh ATTP nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm các hộ kinh doanh thực phảm chín, thức ăn đường phố, nhất là với các cơ sở nông lâm thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận ATTT, kiểm tra xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.
Vì sao chưa kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn TP?
Tiếp tục đặt câu hỏi, Đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ Tây Hồ) nêu, cùng với việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm rất chậm, còn một số cơ sở triển khai được thì việc hoạt động không hiệu quả, một số cơ sở đóng cửa nhưng lại cho thuê để sản xuất. Đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ Tây Hồ) |
Đại biểu Hoàng Thúy Hằng (Tổ ĐB Thường Tín) hỏi về Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Sau 4 năm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của khu nhưng khu này vẫn chưa thực hiện theo đúng mục tiêu tập trung các hộ giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện. Tình trạng giết mổ gia súc gia cầm tại các hộ gia đình vẫn diễn ra và gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết nguyên nhân, trách nhiệm về vấn đề này thuộc về ai và giải pháp hoàn thành mục tiêu trên?
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (Tổ Hoàng Mai) hỏi Giám đốc Sở NN&PTNT về quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm đến năm 2020 được ban hành năm 2012, điều chỉnh 2017. Qua 7 năm tổ chức thực hiện, mới có 7/11 điểm giết mổ công nghiệp và 10/16 điểm giết mổ tập trung trên địa bàn. Đây là một trong những nguyên nhân tồn tại, chưa kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Đề nghị Giám đốc Sở cho biết nguyên nhân, có bất cập gì trong quá trình thực hiện, giải pháp trong thời gian tới để thực hiện quy hoạch này?
Đại biểu Nguyễn Thế Vinh cho biết, theo báo cáo của Sở NNPTNT, về việc lấy mẫu kiểm tra hậu kiểm giám sát chất lượng ATTP cho thấy, từ năm 2017 - tháng 9/2019, TP đã tiến hành lấy 8.422 mẫu, qua đó phát hiện 488 mẫu vi phạm, chiếm 5,8%. Các trường hợp vi phạm đều được cảnh báo đến các cơ sở sản xuất kinh doanh để tổ chức truy xuất xác định nguyên nhân nguyên nhân, xử lý vi phạm, khắc phục theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu vi phạm chưa được cải thiện qua nhiều năm qua. Đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT nêu rõ nguyên nhân chưa cải thiện được, kết quả xử lý mẫu vi phạm, hướng khắc phục vi phạm và trách nhiệm các cơ quan liên quan?
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) cho hay, trên thị trường còn nhiều sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn chưa ghi đúng nội dung nhãn mác, một số mặt hàng bánh kẹo không gắn mác phụ theo quy định để người tiêu dùng lựa chọn, tồn tại các sản phẩm thực phẩm có màu công nghiệp hóa chất cấm sử dụng, sản phẩm không rõ nguồn gốc… Đề nghị Cục trưởng Cục QLTT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp thời gian tới. Theo cử tri phản ánh, trên địa bàn TP xuất hiện nhiều rau quả thực phẩm có xuất xứ Trung Quốc và một số không rõ nguồn gốc, như táo, nho, lê, hồng… được dãn nhãn mác của Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc được bày bán ở một số siêu thị và cửa hàng hoa quả cao cấp, bán với giá bằng sản phẩm nhập nhoại của các nước trên, gây thiệt hại cho người tiêu dùng về giá và quan trọng họ tin đó là sản phẩm an toàn. Do vậy, khi sử dụng không có biện pháp vệ sinh phòng ngừa; nhưng thực chất những sản phẩm đó không được kiểm soát về dư lượng hóa chất độc hại và chất bảo quản. Đề nghị TP chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà đầu tư khu giết mổ gia súc, gia cầm
Trả lời về Dự án giết mổ gia súc gia cầm tại xã Bình Minh mà các đại biểu quan tâm, đại diện lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết: Sau khi hoàn thành các cơ sở nhưng huyện vẫn còn nhìn thấy thiếu nhiều hạng mục, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, hàng rào, đường giao thông vào khu giết mổ.
Trước tình trạng đó, UBND TP chỉ đạo huyện, huyện đã kêu gọi các nhà đầu tư các hạng mục trong khu hàng rào. TP đã tổ chức nhiều phiên họp để các Sở liên quan phối hợp với nhau giải quyết vấn đề trên, trên cơ sở đó, lãnh đạo UBND TP giao cho huyện Thanh Oai tiếp tục GPMB để xây dựng cơ sở hạ tầng và kêu gọi các DN vào đầu tư. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn sơ sài, nên mặc dù đã có một vài DN vào khu giết mổ song các DN này vẫn chưa thực sự mặn mà.
Giải trình thêm, Giám đốc Sở NN&PT NT Chu Phú Mỹ nêu một số khó khăn trong việc triển khai các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung như: Một số cơ sở giết mổ tập trung đủ điều kiện để TP hỗ trợ còn ít, việc đầu tư các khu giết mổ thì nguồn đầu tư còn hạn chế, chưa xây dựng được các chuỗi sản xuất từ các cơ sở giết mổ tập trung đến thị trường; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tập trung xây dựng chuỗi liên kết từ cơ sở giết mổ đến thị trường để hiệu quả sản xuất được nâng cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cũng chia sẻ, vẫn chưa kiểm soát được điểm giết mổ nhỏ lẻ, giá thành thấp hơn, trong khi người dân quen tiêu thụ ở các chợ, chưa quen tiêu thụ qua các cơ sở cấp đông, qua chế biến. Trong thời gian tới, cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có lộ trình đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung.
"Chúng ta cần có lộ trình từng bước, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách của T.Ư, TP; tuyên truyền, vận động các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung", Giám đốc Sở Chu Phú Mỹ nói.