Toàn dân ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19: Kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, kể từ khi Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 được thành lập và ra mắt, không chỉ DN, địa phương mà rất nhiều cá nhân trên mọi miền của đất nước nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp cho quỹ. Điều này đúng như lời Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim”.

Sáng kiến phù hợp thực tiễn
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những điểm sáng trên thế giới về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau một năm rưỡi hoành hành, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, với những biến chủng mới nguy hiểm hơn. Từ thực tế này, mỗi người dân đều hiểu, không có giải pháp nào triệt để và toàn diện hơn là phải thực hiện miễn dịch cộng đồng. Giải pháp chính là vaccine. Như nhiều chuyên gia y tế nhận định, việc tiêm vaccine không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của mỗi người, để giữ cho mình an toàn, từ đó giúp người khác an toàn trước đại dịch.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới mong muốn thực hiện mục tiêu bao phủ vaccine cho ít nhất 2/3 dân số đến hết năm 2021. Muốn vậy, chúng ta cần khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu dân, với kinh phí ước khoảng 25.000 tỷ đồng.
Gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch Covid-19. Đây là nguồn lực rất quan trọng, góp phần tháo gỡ một phần nỗi lo “tiền đâu” để mua vaccine ở vào thời điểm này. Tuy nhiên, việc mua vaccine chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước là điều không thể, cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội.
 Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương tiếp nhận ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 Hà Nội do VNPT trao. Ảnh: Thanh Hải
Quỹ vaccine được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 26/5/2021 và ra mắt ngày 5/6 đã đem đến niềm tin, bởi đây là chủ trương đúng đắn để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn lực đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ngay sau lễ ra mắt, rất nhiều lời bình luận đầy tự hào, sự đóng góp nhiệt thành và thể hiện mong muốn của tất cả người dân Việt Nam sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh dịch Covid-19 đã được thể hiện, cho thấy sự thành công của một sáng kiến hữu ích.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá rất cao Chính phủ thành lập Quỹ vaccine để các DN, tổ chức, cá nhân được đồng hành cùng tìm nguồn vaccine, chi trả chi phí tiêm phòng cho Nhân dân. Điều đó là ý Đảng, lòng dân và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. “Việc thành lập Quỹ thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh phòng chống đại dịch. Nhiều DN cho biết họ sẵn sàng đóng góp vào quỹ để quỹ đủ tiền, góp phần phòng chống dịch tốt nhất.
“Cuộc chiến” này không chỉ bằng giãn cách, bằng khoanh vùng mà còn phải trông chờ vào vaccine và nhấn mạnh, ngoài những đối tượng ưu tiên được quy định, chúng ta muốn thực hiện “mục tiêu kép” thì phải ưu tiên tiêm vaccine trong các khu công nghiệp, cho công nhân, người lao động để sớm khôi phục sản xuất. Bao phủ tiêm toàn dân càng sớm càng tốt, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ thành công” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Dư luận quốc tế cũng đánh giá, Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam có tính thực tiễn, chủ động, linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh. Việc đa dạng hóa nguồn vaccine bao gồm cả đầu tư, phát triển trong nước và xã hội hóa sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Quỹ cũng phù hợp với sáng kiến vaccine toàn cầu, góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch và bảo vệ chuỗi cung ứng sản xuất.

Sức mạnh từ sự chung sức, đồng lòng

Những ngày qua, trước và sau khi Quỹ thành lập, không chỉ DN, địa phương mà đồng loạt các cá nhân trong cả nước đều nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp trong khả năng của mình. Làn sóng, phong trào ủng hộ không ngừng lớn mạnh và lan xa. Những con số của Quỹ liên tục được cập nhật với niềm vui, sự hy vọng cộng dồn, tiếp tục lan tỏa thành một “chiến dịch” rộng khắp. Trên các mạng xã hội, hình ảnh chụp màn hình những tin nhắn chuyển tiền ủng hộ quỹ là minh chứng sinh động nhất thể hiện sự chung sức, chung lòng của người dân cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn. Điều này góp phần khẳng định không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Như người đứng đầu Chính phủ đã nói, mỗi đóng góp, dù từ vài trăm tỷ đồng của các DN, tổ chức hay vài chục nghìn đồng của các cá nhân… đều được thấu hiểu và trân quý. Từ thực tế cho thấy, những ngày qua, không chỉ DN, địa phương mà rất nhiều những câu chuyện cảm động của sự chung sức đã được thể hiện. Đó là những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương… để ủng hộ quỹ. Kiều bào ở nước ngoài cũng trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ.
Dành khoản tiền hơn 1 triệu đồng tiết kiệm từ tiền mừng tuổi, em Bảo Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) nhờ mẹ đóng góp vào quỹ. Bởi qua nghe tivi, em thấy có nhiều bạn nhỏ cũng đóng góp, nên cũng muốn tham gia. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Đức Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi con trai tặng bố mẹ 3.000 bảng Anh (khoảng 100 triệu đồng) tiền học bổng, số tiền này anh tự nguyện đóng góp vào quỹ… Câu chuyện đã nhận được sự lan tỏa, chia sẻ của nhiều người.

Tại Hà Nội, ở nhiều khu chợ, ban quản lý chợ đứng ra vận động những người bán hàng nhắn tin, chuyển khoản đóng góp cho quỹ và nhận được sự hưởng ứng lớn. Tại các khu công nghiệp, các công nhân đã nhiệt thành ủng hộ, chuyển khoản ủng hộ vào quỹ số tiền từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Số tiền không nhiều nhưng với những công nhân, đó cũng là sự chắt chiu từ ngày công lao động, với mong muốn cùng đóng góp một phần nào đó vào việc chung. Cùng với đó, hàng trăm DN mặc dù phải đối mặt với khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng rất tích cực đóng góp cho quỹ, chung tay với Chính phủ lo cho người dân và cũng sẵn sàng hưởng ứng, bỏ chi phí tiêm phòng cho người lao động trong DN mình.

Tại các quận, huyện của Hà Nội, ngay sau khi quỹ ra mắt, đã nhanh chóng phát động trên địa bàn để kêu gọi sự chung tay của người dân. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây Đinh Duy Hưng cho biết, ngày 7/6, thị xã Sơn Tây đã phát động chương trình đến toàn thể người dân và ngay trong buổi sáng phát động, đã có hơn 20 lượt đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ công tác phòng, chống dịch bằng tiền và hiện vật, tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sóc Sơn Vương Nguyên Minh cũng chia sẻ, những ngày qua, kể từ khi Quỹ đi vào hoạt động, rất nhiều tập thể, cá nhân đã nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, đến nay huyện Sóc Sơn đã tiếp nhận sự ủng hộ của hàng loạt tổ chức, cá nhân...

Bà Trần Thanh Hằng (Đống Đa, Hà Nội), sau khi nhắn tin ủng hộ Quỹ qua tổng đài 1400 đã chia sẻ, “có vaccine tiêm chủng phòng ngừa cho đa số người dân mới có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Tiêm vaccine đại trà chính là giải pháp căn cơ, lâu dài và quyết định để thoát khỏi đại dịch. Tôi cũng như nhiều người người dân hiểu rất rõ điều đó và thấy rằng đến bây giờ mình không bị lây nhiễm Covid-19 là rất may mắn. Vậy mình cũng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm bằng hành động nhỏ, ủng hộ theo khả năng của mình vào Quỹ. Đây là việc nên làm”.

Hiện các tổ chức, cá nhân trên mọi miền đất nước vẫn đang tiếp tục thể hiện sự đồng lòng, đóng góp vào quỹ. Theo nguyên đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, những người có thu nhập trung bình, khá trở lên có thể đóng góp kinh phí mua vaccine cho chính bản thân và đóng góp cho những người có thu nhập thấp hơn. Điều này thể hiện sự chia sẻ trong lúc khó khăn của cộng đồng và quan trọng hơn, nó thể hiện tính đoàn kết của dân tộc chứ không chỉ là số tiền quyên góp.

Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19, số dư Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 tính đến 17h00 ngày 9/6/2021 là 4.215 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi); tổng số 253.721 tổ chức, cá nhân đã đóng góp cho quỹ.


"Qua nghiên cứu lịch sử có thể thấy, dường như những đợt quyên góp lớn chỉ xuất hiện khi đất nước gặp khó khăn, thiên tai, bão lũ. Lần này có lẽ không phải trong những hoàn cảnh ấy, nhưng Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 lại có một sứ mệnh rất thời sự, để huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Đó là một mục tiêu rất được mong mỏi, bởi có thể lập tức nhận được sự hưởng ứng lớn. Đặc biệt, tôi thấy người đứng đầu Chính phủ đã rất xúc động khi nhắc tới vạn tấm lòng, không tính thiệt hơn, không nề tuổi tác, không kể sang hèn đã góp công, góp của để cùng Chính phủ chống dịch. Sự tri ân, trân trọng ấy sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn." - 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần