Thơ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đạt đến đỉnh cao của văn học yêu nước, hàm chứa những giá trị nhân bản cao cả. Thơ về Ngày Giải phóng 30/4, thơ về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là đỉnh cao của đỉnh cao ấy, khi thăng hoa tinh thần dân tộc và thời đại, khi mọi cảm xúc được mở hết biên độ.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Tổng thống ngụy (nay là Dinh Thống Nhất). Ảnh tư liệu |
Trước hết nói về số lượng. Hàng trăm bài thơ hay được viết trước và sau ngày 30/4. Chỉ khoảnh khắc lịch sử ấy đã bằng cả một giai đoạn dài trong lịch sử văn học. Chưa kể trước và sau đó vài năm, đã có hàng chục trường ca ra đời như những “sư đoàn” thơ.
Có thể kể đến Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo, Sông núi trên vai của Anh Ngọc... Trong khi đó, mười mấy năm trước đó, thường người ta chỉ nhắc tới hai trường ca là Bài ca Chim Chơ rao của Thu Bồn và Theo chân Bác của Tố Hữu.
***
Có một quy luật. Đó là sau mỗi cuộc kháng chiến chống xâm lược, dân tộc ta lại gặt hái một mùa thơ, và những mùa thơ ấy làm nên bản chất, bản sắc của văn học, văn hóa Việt Nam. Nó không chỉ tôn thêm bề dày, bề cao của chính nền văn học mà của cả dân tộc.
Ở thời Lý, chúng ta đã mạnh mẽ tuyên ngôn về chủ quyền và cảnh cáo mọi thế lực xâm lược, truyền đi thông điệp cho con cháu muôn đời để giữ vững nền độc lập và chủ quyền lãnh thổ ấy.
Thời Trần, bên cạnh những câu thơ hào sảng Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong (chuyện thắng giặc vào năm Nguyên Phong thứ 7, đời vua Trần Thái Tông 1258); Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù còn kêu gọi nỗ lực xây dựng đất nước cường thịnh, có giàu mạnh mới giữ được độc lập Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu.
Lịch sử càng lùi xa, ta càng thấy sự vĩ đại của cha ông thể hiện trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, khi khẳng định nền độc lập trong giá trị văn hiến nền độc lập. Văn hóa, văn hiến được coi là yếu tố thứ nhất. Điều này cũng được khẳng định bằng lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara trong cuộc gặp ngày 9/11/1995, tại nhà khách Bộ Quốc phòng (phố Phạm Ngũ Lão, Hà Nội).
Đại tướng khẳng định rằng Mỹ thua ở Việt Nam là không hiểu sức mạnh của văn hóa Việt Nam: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc mà ý thức và quyết tâm bảo vệ độc lập đã trở thành một triết lý, bản sắc văn hóa và cũng là một nguyên tắc không lay chuyển của người Việt Nam”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara bắt tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp mặt năm 1995 ở Hà Nội. Ảnh: AFP |
Sau cuộc gặp, McNamara đã phát biểu trước các nhà báo: "Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều đó làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh những quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi".
Nguyễn Trãi đã gọi vua Tuyên Đức nhà Thanh là thằng nhãi ranh gian giảo, hiếu chiến để chịu thảm bại ở Việt Nam:
Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy...
Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong
Sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực
Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu...
Trong nhiều năm qua, có một số người làm công tác nghiên cứu văn học, một số người lợi dụng văn học để phủ nhận thành tựu của văn học chống Mỹ, kẻ xấu từ đó còn để phủ nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ cho rằng, văn học chống Mỹ không nhân bản khi không nói đến nỗi đau của con người. Họ cho rằng những câu thơ như Thời đại lớn cho ta đôi cánh/ Không có gì hơn Độc lập, Tự do/ Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận/ Có Đảng ta đây, có Bác Hồ của Tố Hữu; Có những ngày vui sao/ Cả nước lên đường của Chính Hữu; Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật là sáo, là tuyên truyền, hô khẩu hiệu, thậm chí là “hiếu chiến”...
Tôi khẳng định rằng, đó là những câu thơ hay, những câu thơ chân thật phản ánh đúng không khí hào hùng của một thời đại hào hùng, khi mỗi tấc đất, ngọn cỏ; khi mỗi người và cả nước; khi lịch sử hội tụ trong hiện tại cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã đồng nhất với lương tri con người, đồng nhất với cái Đẹp. Sự nghiệp ấy làm cho mọi giá trị làm người được thăng hoa.
Cái Đẹp bao giờ cũng giản dị. Nói về tuổi trẻ - những anh giải phóng quân, chị TNXP, người công nhân, người trí thức – lực lượng xung kích trong kháng chiến, Bằng Việt tự thốt lên: Cả thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai; Thanh Thảo cảm nhận: Lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính/ Trùng điệp áo màu xanh là một tiếng trả lời.
Hình ảnh Người chiến sĩ Giải phóng là nhân vật trung tâm của thời đại |
Người chiến sĩ Giải phóng là nhân vật trung tâm của thời đại, của văn học được Tố Hữu và Lê Anh Xuân miêu tả trong những hình ảnh có tính biểu tượng. Không gì thực hơn, chi tiết và biểu tượng hơn khi Lê Anh Xuân miêu tả về sự hy sinh anh dũng của hình tượng anh Giải phóng quân:
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.
***
Thơ chống Mỹ đã đi sát bước chân thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Không khí của những ngày tháng Ba, tháng Tư năm 1975 đã được các nhà điện ảnh trong và ngoài nước ghi lại. Nhưng thơ là người tiên phong, và tạo nên ám ảnh. Trong bài thơ “1975, năm vĩ đại và ngày vĩ đại”, Chế Lan Viên viết:
Ta chưa xong một câu thơ thì đã thu hồi hàng trăm dặm đất
Tin thắng mỗi ngày mọc trước vầng dương!
Nguyễn Đức Mậu có câu thơ rất đẹp:
Huế day dứt trong chờ mong hồi tưởng
Mùa xuân may cờ cho đỉnh Phú Văn Lâu.
Cũng Nguyễn Đức Mậu, cho ta thấy hình ảnh đoàn quân sạm khói của Quang Trung giải phóng Thăng Long trong hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ giải phóng Sài Gòn:
Áo còn vương bụi đỏ Trường Sơn
Sư đoàn vào thành phố
Giữa chói ngợp bao màu sắc lạ
Mũ lá sen xanh một khoảng rừng
Vào thành phố: những người thắng trận
Một mảng trời bén lửa sau lưng...
(Sư đoàn)
Không chỉ các nhà thơ. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cũng nhờ thơ mới nói hết cảm xúc của mình. Đồng chí Trường Chinh viết: “Mùa Đại thắng đã đền cho trái chín”.
Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Ảnh: Tư liệu |
Một cảm hứng lớn trong ngày 30/4/1975 là nhớ Bác. Từ Sài Gòn Bác đã tìm đường cứu nước. Bác Hồ là tượng trưng cho khát vọng độc lập tự do của toàn dân tộc. Bác là kiến trúc sư cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chiến dịch giải phóng Miền Nam mang tên Bác. Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên được viết đêm 28/4 và vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam chiều 30/4 đã trở thành một tráng ca bất hủ.
Nhà báo Đăng Trung, báo Tiền phong, vốn không phải nhà thơ nhưng với tình cảm mãnh liệt đối với Bác Hồ, trước niềm vui giải phóng, đã xuất thần viết nên bài thơ “Tiếng hát từ TP mang tên Người”, được nhạc sĩ Cao Việt Bách phổ nhạc, là một trong số những ca khúc cách mạng hay nhất. Và Tố Hữu, người làm thơ về Bác Hồ nhiều nhất, hay nhất đã viết về Buổi trưa toàn thắng 30/4.
Sử thi của thời đại, sự lãng mạn của tâm hồn người lính đã âm vang vào Lý ngựa ô ở hai vùng đất của Phạm Ngọc Cảnh những câu thơ da diết tình yêu:
Anh đa tình nên cứ muốn lần theo
Xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm
Đêm đánh giặc mịt mù cao điểm
Vạch lá rừng nhìn xuống quê em
Mặt đất ra sao mà thúc vào điệu lý
Khuôn mặt ra sao mà suốt thời chống Mỹ
Lý ngựa ô hát đến mê người
Mỗi bước mỗi bồn chồn về đó em ơi.
Không hề lên gân, lên cốt chút nào! “Việt cộng”, tên đối phương gọi ta một thời là những người có tâm hồn dịu dàng, sâu kín, hài hòa với thiên nhiên, chỉ mong được sống trong yên bình, trong tình yêu:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.
“Việt cộng” đi đánh giặc mà nhớ mẹ khôn nguôi:
Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ
Mẹ ở nhà đã cất áo bông
Mẹ có ra bờ sông
Qua bến đò tiễn con dạo trước
Đường xuống bến có mười sáu bậc
Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu...
(Hữu Thỉnh - Sức bền của đất)
Người lính “Việt cộng” là người đầu tiên nói lên tình cảm thống nhất, đến hòa hợp bằng thơ, lay động ngày ấy đến bây giờ. Tôi xin dẫn hai ví dụ. Đó là bài thơ “Cô ca sĩ Sài Gòn hát bài hát Trường Sơn” của Vũ Quần Phương và bài “Chiếc áo màu xanh” của Lê Văn Vọng. Nhân vật chính trong bài thơ của Vũ Quần Phương là một nữ Việt cộng:
Trường Sơn đông gánh gạo rừng khuya
Cô gái ấy gánh đi, chứ em chưa biết gánh
Thuở cô ấy ở rừng em ngồi phòng máy lạnh
Cô gái ấy không về và em hát hôm nay.
Dù vậy, Cô gái ấy rất hiền sẽ dắt tiếp em đi.
Nhân vật chính trong bài thơ của Lê Văn Vọng là một nữ sinh Sài Gòn, cảm xúc trước màu xanh quân phục của Quân Giải phóng:
Hôm anh phơi chiếc áo tầng hai
Thấy trời sắp mưa mà em sốt ruột
Em muốn sang nhưng cầu chưa bắc
Muốn cất áo cho anh lại sợ người ngoài.
...
Và bao điều em chẳng nói cho ai
Cả chuyện trời mưa định sang cất áo
Mà hôm nay đến trường con bạn em nó bảo
Trong mắt mày có chiếc áo màu xanh.
***
Tôi không đủ hiểu biết để nói hết cái hay, cái đẹp của Thơ chống Mỹ nói chung và thơ viết trong Mùa Đại thắng; cũng như những hạn chế (chắc chắn có). Nhưng tôi là người lính được tham gia trong trận đánh cuối cùng đó. Tôi tin câu nói nhà thơ, nhà soạn kịch Ðức thế kỷ XVIII Fri-đrich Sin-le: "Ai đã dám sống hết mình với thời đại của mình thì cũng sẽ còn để lại giá trị có ý nghĩa cho cả mọi thời sau đó nữa!".
Tôi mong như nhà thơ Anh Ngọc nhận định: Tuổi xuân đi qua trong khói lửa chiến trường/ Đem máu xương giành lại quê hương/ Là câu chuyện mai sau nhiều thế hệ/ Trong độc lập tự do cầm tay nhau sẽ kể/ Với ánh trăng non với cánh rừng già/ Với con đường mà họ đã đi qua (Sông núi trên vai). Và tôi tâm đắc với người anh, nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền:
Đường chiến đấu sang trong như ngọc
Giờ nếu cần, ta đi lại, Thơ ơi!