Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp nhất là đợt dịch thứ 4 vừa qua TP Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội 2 tháng, đã gây ảnh hưởng lớn đến người dân, DN trên địa bàn TP, đặc biệt người lao động (NLĐ), người thu nhập thấp, người nghèo. Trước tình hình đó, T.Ư, TP đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Triển khai thực hiện Nghị quyết 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện Nghị quyết này, Hà Nội đã triển khai hỗ trợ tất cả nhóm đối tượng theo quy định. Đặc biệt, thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, Thường trực HĐND TP đã họp, quyết nghị thông qua một số cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù của TP theo đề nghị của UBND TP, ngay trong thời gian giãn cách, ngày 13/8/2021 đã thông qua 3 Nghị quyết 15, 16, 17 hướng tới những nhóm đối tượng mà các chính sách của T.Ư chưa bao quát hết, từ đó được tuyên truyền và tổ chức thực hiện trên địa bàn.
Kết quả đến hết tháng 11/2021 việc thực hiện các chính sách của T.Ư, đặc thù của TP và kể cả huy động xã hội hóa (XHH), toàn TP đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 5,142 triệu lượt người với tổng kinh phí gần 6.100 tỷ đồng, cụ thể: Thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ, các sở ngành và quận, huyện đã ra quyết định hỗ trợ trên 1,97 triệu NLĐ và người sử dụng LĐ, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao quát 12/12 nhóm đối tượng tại Nghị quyết này, với tổng kinh phí 1.439 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện hỗ trợ cho trên 1,93 triệu NLĐ, người sử dụng LĐ, hộ kinh doanh. Cùng đó, thực hiện Nghị quyết 116 ngày 24/9/2021 của Chính phủ, báo cáo của BHXH TP cho thấy đã chi trả cho 1,621 triệu NLĐ tham gia BH thất nghiệp và NLĐ tạm dừng BH thất nghiệp, với tổng kinh phí hỗ trợ 3.945 tỷ đồng. Đây là chính sách mới, được TP triển khai rất kịp thời, cách thức chi trả thuận tiện.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 15 ngày 13/8/2021 của HĐND TP, TP có 8 nhóm đối tượng đặc thù mà chính sách của T.Ư mà chưa bao quát đến, gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch. Đến hết tháng 11/2021, các địa phương tại TP đã rà soát, ra quyết định hỗ trợ 292.500 người và hộ kinh doanh, với tổng kinh phí đã hỗ trợ 304,1 tỷ đồng. Song song thực hiện những chính sách lớn và sử dụng NSNN để hỗ trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức cá nhân khác đã huy động XHH để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, trong đó Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đến nay trích kinh phí khoảng 83 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ cho công tác phòng chống dịch để hỗ trợ 162.530 người gặp khó khăn do dịch trên địa bàn, gồm cả người nước ngoài đang sinh sống học tập. Gần đây nhất, thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ từ nguồn do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP thực hiện đạt khoảng 12 tỷ đồng, với gần 7.600 thiết bị máy tính và công nghệ, tạo cơ hội cho rất nhiều học sinh được học trực tuyến, nhất là tại địa bàn huyện rất khó khăn như Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức… Chương trình vẫn đang được tiếp tục.
Bên cạnh đó, ngày 23/8/2021 trong thời gian vẫn đang giãn cách xã hội, Thường trực HĐND TP đã tổ chức đoàn giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 68 và các nghị quyết của Thường trực HĐND TP về các cơ chế chính sách hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, triển khai ngay sau khi ban hành các chính sách, nhằm đánh giá việc triển khai chính sách có kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả không. Đoàn đã làm việc trực tiếp tại một số đơn vị và giám sát qua báo cáo của tất cả sở, ngành, quận, huyện, cho thấy các cấp, ngành TP đã vào cuộc tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả với các chính sách hỗ trợ của T.Ư và TP. Đoàn trong quá trình đó cũng phát hiện một số khó khăn bất cập trong tổ chức thực hiện, như do giãn cách nên việc phê duyệt các chính sách và tổ chức chi trả đôi lúc chưa kịp thời, do những quy định của các văn bản của T.Ư còn có những điểm khiến chưa thuận tiện cho quá trình thực hiện, việc hỗ trợ cho các đối tượng LĐ tự do trong việc xác định còn khó khăn…, đều đã được kiến nghị với UBND TP và các cơ quan liên quan, từ đó triển khai các đợt hỗ trợ sau có hiệu quả cao hơn.
“Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát của HĐND TP, tại Kỳ họp này, một nội dung chủ đề giám sát là sẽ thực hiện chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp - hình thức giám sát cao nhất, với nội dung về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn TP” - ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.