Toàn văn phát biểu của Phó Chủ tịch nước ở hội nghị LHQ về El Nino

Theo TTXVN/VIETNAM+
Chia sẻ Zalo

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Cuộc họp cấp cao.

Ngày 19/7, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có bài phát biểu tại Cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về ứng phó với những tác động của hiện tượng thời tiết El Nino và giảm thiểu rủi ro thường xuyên của biến đổi khí hậu. 

Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại cuộc họp:
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Cuộc họp cấp cao.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Cuộc họp cấp cao.
Xin cảm ơn bà Mary Robinson, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề El Nino và Biến đổi khí hậu,

Thưa Ngài Tổng Thư ký Ban Ki-moon,

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự trân trọng về việc Văn phòng Điều phối Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo (OCHA) đã tổ chức sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa này nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với hiện tượng El Nino và những rủi ro thường xuyên của biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đã trở thành một mối nguy cơ thực sự mà Trái Đất chúng ta phải đương đầu, trong đó phải kể đến những đợt El Nino kéo dài từ vài năm nay, gây thiệt hại nặng nề cả về con người và vật chất cho nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia ven biển. Có thể nói, biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến cả ba trụ cột của phát triển bền vững, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thụ hưởng các quyền của con người, từ quyền lương thực, sinh kế, quyền nhà ở, quyền giáo dục… Nếu không được quan tâm đúng mức và xử lý thỏa đáng, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ tiêu hủy những thành quả của phát triển.

Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam hàng năm liên tiếp phải gánh chịu những thảm họa thiên tai và các hiện tượng cực đoan về khí hậu. Đặc biệt nghiêm trọng là hiện tượng El Nino kéo dài nhất trong lịch sử từ cuối 2014 đến nay, gây ra hiện tượng hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng tại 18 tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất thiếu hụt mạnh khi lượng mưa giảm sút. Các hồ chứa nước ở miền Trung giảm xuống mức độ thấp nhất, gây ảnh hưởng tới 70% sản xuất nông nghiệp ở khu vực này, nhất là các cánh đồng càphê. Mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp nhất trong vòng 90 năm, phạm vi xâm ngập mặn mở rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn cung lúa gạo cho toàn quốc và xuất khẩu. Vào thời điểm đỉnh điểm của hạn hán, hơn 2 triệu người thiếu nguồn nước sinh hoạt, 1,1 triệu người thiếu lương thực, 2 triệu người mất thu nhập. Tính tổng thể, khoảng trên 500.000ha mùa màng bị thiệt hại, sản lượng lương thực giảm sút. Tình hình này không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu.

Trước tình trạng đó, Việt Nam đã có phản ứng khẩn cấp và kịp thời, coi đây là một trong những trọng tâm, ưu tiên của cả hệ thống chính trị, quyết định hỗ trợ tiền điện, vận chuyển nước sinh hoạt, hỗ trợ gạo, thuốc men, dành sự quan tâm đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

Tháng 4/2016, Việt Nam cùng các cơ quan Liên hợp quốc ở Việt Nam và các đối tác đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 48,5 triệu USD để Việt Nam ứng phó với tình hình hạn hán và xâm ngập mặn. Chúng tôi xin trân trọng cám ơn những đóng góp quý báu của các đối tác phát triển, hệ thống Liên hợp quốc và tất cả các đối tác khác, đặc biệt là cá nhân ngài Tổng Thư ký và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Nhân dịp này, tôi cũng xin trân trọng đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, trước mắt là đóng góp vào Quỹ hỗ trợ khẩn cấp để có thể hỗ trợ đầy đủ và hiệu quả cho người dân chịu tác động, tập trung vào đảm bảo cung cấp, dự trữ và xử lý nước tại các vùng chịu ảnh hưởng của hạn hán, bảo đảm an ninh lương thực, hỗ trợ dinh dưỡng và tăng cường công tác giám sát nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Về dài hạn, Việt Nam mong muốn được hỗ trợ thực hiện một cách hiệu quả chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi cho người dân và nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính, công nghệ và những sáng kiến cụ thể trong những lĩnh vực mà các nước phát triển có ưu thế. Chúng tôi cũng mong muốn tăng cường hợp tác với các nước trong việc sử dụng, quản lý và phát triển các nguồn nước xuyên biên giới một cách bền vững và hiệu quả. Về phần mình, Việt Nam sẽ luôn nỗ lực cùng các quốc gia khác thực hiện các cam kết để duy trì một hành tinh xanh cho hôm nay và thế hệ mai sau.

Xin cám ơn!