Tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất chậm nhưng ổn định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/7, Ngân hàng HSBC Việt Nam và Công ty Markit Economics công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 52,5 xuống còn 52,3 điểm trong tháng Sáu.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng HSBC, nhìn chung, điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng Sáu tiếp tục được cải thiện mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng công nghiệp và số lượng đơn đặt hàng mới có tín hiệu giảm tốc.

Theo báo cáo của HSBC, số lượng đặt hàng mới trong tháng Sáu tiếp tục tăng tháng thứ 7 liên tiếp, tuy nhiên, mức tăng có chậm hơn so với tháng trước. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng tiếp tục tăng trong khi lực cầu tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng này lại giảm tốc, mặc dù ở mức nhẹ.
Ảnh minh họa. (Nguồn/TTXVN).
Ảnh minh họa. (Nguồn/TTXVN).
Theo các chuyên gia, việc tăng số lượng đơn đặt hàng tiếp tục làm gia tăng sản xuất của doanh nghiệp, mặc dù ảnh hưởng của các cuộc tấn công vào các nhà máy Trung Quốc trong tháng Năm có thể sẽ khiến tốc độ tăng chậm lại.

Các doanh nghiệp cũng cho biết, việc kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ đã khiến họ phải gánh thêm một khoản chi phí khá lớn trong tháng Sáu, giá đầu vào tăng mạnh, dù tình hình này đã được cải thiện so với tháng trước. Ngoài ra, giới hạn trọng tải cũng tác động đến thời gian giao hàng.

Bà Trịnh Nguyễn, chuyên viên kinh tế phụ trách khu vực châu Á của HSBC nhận định: “Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ổn định mặc dù có chậm lại một chút. Nhu cầu ở nước ngoài tăng chậm lại nhưng chúng tôi kỳ vọng tình trạng này chỉ là tạm thời. Với mức duy trì hàng tồn kho thấp và số lượng đơn đặt hàng mới tăng, chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực sản xuất tiếp tục phát triển tốt, đặc biệt khi những căng thẳng gần đây đã giảm dần."