Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạc Liêu:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế xếp thứ 5 vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu Tổng cục thống kê ước tính Quý I/2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 5,02% so cùng kỳ, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì Hội nghị cung cấp thông tin báo chi chiều 4/3. (Hoàng Nam)
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì Hội nghị cung cấp thông tin báo chi chiều 4/3. (Hoàng Nam)

Chiều 3/4, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin báo chí định kỳ quý I/2024. 

Thông tin tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, ở các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 4,92%; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 5,62% và khu vực dịch vụ tăng 5,01% so cùng kỳ. Trên các ngành và lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng đều theo hướng tích cực. Theo đó, sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, sản xuất cơ bản ổn định. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác quý I ước đạt 77.100 tấn, đạt 13,93% kế hoạch tăng 8,79% so cùng kỳ; sản lượng lúa thu hoạch 288.502 tấn, đạt 25,09% kế hoạch, tăng 0,64% so cùng kỳ.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 19.016,01 tỷ đồng, đạt 22,16% kế hoạch, tăng 7,06% so cùng kỳ.  Nguồn cung và giá cả các mặt hàng dồi dào, không xảy ra thiếu hàng sốt giá, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước 206,76 triệu USD, đạt 17,85% kế hoạch, tăng 10,28% so cùng kỳ.

Công tác xây dựng cơ bản luôn được quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Tính đến ngày 02/4/2024, kết quả giải ngân vốn đầu tư công được 386,635/3.635,492 tỷ đồng, đạt 10,64% kế hoạch.

Ước tổng thu ngân sách nhà nước (thu  nội địa) là 1.436,566 tỷ đồng, đạt 36,73% dự toán, tăng 10,54% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 1.838,367 tỷ đồng đạt 21,23% dự toán, tăng 28,16% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội quý I/2024 vẫn còn nhiều khó khăn khi hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục bị tác động bởi diễn biến bất lợi của tình hình xung đột trên thế giới. Thị trường bất động sản chậm phục hồi; đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ,... còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn khá cao (ước tính trong quý I/2024 có 155 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 40% so cùng kỳ). Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công chậm, các dự án, công trình sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan.