“Tôi đi xin lỗi khách là hành vi cá biệt!”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Chèo kéo, đeo bám, ép khách, lừa đảo, thậm chí cướp giật đối với khách du lịch, nhất là khách quốc tế không phải chuyện mới. Vấn đề này đang nóng lên và chúng ta phải đối mặt với nó để công khai giải quyết".

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Văn Tuấn đã khẳng định như vậy bên lề hội nghị tổng kết dự án "Tăng cường năng lực ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030" diễn ra sáng 21/5.

“Tôi đi xin lỗi khách là hành vi cá biệt!” - Ảnh 1
 
Cần xử lý nghiêm các hành vi chèo kéo du khách để tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện.Ảnh: Duy Khánh


Ông suy nghĩ gì khi vừa qua phải đích thân xin lỗi khách du lịch? 

- Ở đâu du lịch phát triển, nơi nào tập trung khách du lịch thì hiện tượng này xảy ra phổ biến hơn. Ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì một số địa phương trọng điểm về du lịch như Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu cũng xảy ra tình trạng chặt chém, chèo kéo du khách. Sau khi chúng tôi xin lỗi một khách du lịch, đã tạo ra sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông. Việc tôi đi xin lỗi khách du lịch là hành vi cá biệt, trong một tình huống riêng. Thông qua hành vi này, chúng tôi muốn công khai và kêu gọi sự tham gia của dư luận, của truyền thông và xã hội để lên án và đấu tranh với hiện tượng này. Chúng tôi kêu gọi và đề nghị chính quyền các cấp vào cuộc, vì không ai có thể làm thay. Bởi những việc này diễn ra chủ yếu ở ngoài phạm vi ngành du lịch quản lý (xích lô, xe ôm, taxi, các nhà hàng phục vụ công cộng). Cũng có những cơ sở do ngành du lịch quản lý là một số khách sạn nhưng không nhiều. Chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ, đủ mạnh từ các cấp các ngành.

Tình trạng chặt chém, đeo bám du khách gia tăng là do đâu, thưa ông?

- Thứ nhất, chúng ta chưa thực sự tập trung giải quyết. Thứ hai, có những lúc chúng ta còn né tránh. Thứ ba, chúng ta giải quyết theo kiểu "chiến dịch" nên không dứt điểm. Khi các địa phương tập trung xử lý thì tình trạng này lắng xuống, nếu buông lỏng thì lại rộ lên, gần đây có chiều hướng gia tăng. Rõ ràng, hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, hình ảnh điểm đến của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, không có những chế tài và những hành động cần thiết để xử lý một cách tập trung, nghiêm khắc và triệt để thì tác động của nó rất xấu. 

Vậy, thời gian tới, ngành du lịch sẽ có những giải pháp gì để ngăn chặn dứt điểm tình trạng này? 

- Đối với TCDL, chúng tôi xác định đây là "điểm nóng" và năm nay, Bộ VHTT&DL cũng xác định cần phải có chuyển biến đột phá về đảm bảo an toàn cho khách. Chúng tôi đang cố gắng trong việc xử lý tình trạng chèo kéo, ép khách, chụp giật, để thời gian tới, du khách đến Việt Nam được an toàn hơn. Và qua đó, họ sẽ quảng bá những hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Nhưng giải pháp thu hút hiệu quả, cần thiết và trực diện nhất chính là xúc tiến tại chỗ. Chúng ta tạo ra môi trường du lịch an toàn, hấp dẫn, thân thiện để người nước ngoài đến có ấn tượng tốt đẹp về văn hóa, môi trường, cảnh quan của Việt Nam. Nếu những hành vi ấy tạo ra tâm lý bất an cho một bộ phận khách du lịch thì hiệu ứng sẽ ngược lại. 

Bên cạnh việc đề xuất với Bộ VHTT&DL có những chỉ đạo, TCDL đã triển khai và chỉ đạo trong hệ thống ngành du lịch là các sở VHTT&DL, doanh nghiệp du lịch có các hoạt động để bảo vệ khách. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhất trí việc tới đây, Bộ VHTT&DL và ngành du lịch đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về phát triển du lịch trong giai đoạn tới… 

Ngành du lịch cũng trực tiếp tham gia và giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi của mình. Và, cũng sẽ có những biện pháp công khai, cảnh báo cho khách, như thành lập đường dây nóng.

Xin cảm ơn ông!