Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tội phạm buôn bán người: Ngày càng tinh vi và phức tạp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 16/3/2013 có đăng bài "Xử lý tội phạm buôn bán người lấy nội tạng: Phức tạp và khó kiểm soát" đã đưa ra những cảnh báo loại hình tội phạm này đang khó kiểm soát và cần có sửa đổi trong các điều luật liên quan.

 Mới đây, cơ quan chức năng đã công bố những số liệu và thủ đoạn mới của loại tội phạm buôn bán người, cho thấy nhiều vấn đề nảy sinh gây bức xúc dư luận.
 
Ở phía Bắc, theo Công an tỉnh Hà Giang, có hiện tượng người Việt Nam câu kết với một số đối tượng nước ngoài tổ chức thành từng toán đột nhập vào nhà dân đánh cướp trẻ con, thậm chí giết người nếu bị chống đối. Công an Hà Giang đã phát hiện 115 vụ lừa, bắt 142 nạn nhân, làm chết và bị thương 10 người. Riêng TP Hà Nội, đang có 13 địa bàn trọng điểm, phức tạp mà tội phạm lợi dụng hoạt động để buôn bán người. Hiện, có 40 đối tượng mua bán người đang bị giam giữ, thi hành án; 229 đối tượng có tiền án, tiền sự về tội mua bán người... Tại các tỉnh phía Nam xuất hiện nhiều đường dây mua bán người sang Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc dưới dạng kết hôn giả, hoặc xem mặt chọn vợ. Từ năm 2012 đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh và an ninh Sân bay Tân Sơn Nhất phá 9 vụ, bắt 115 nghi can, giải cứu 204 phụ nữ. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ 2007 đến nay đã phát hiện 100 vụ với 310 người tổ chức môi giới kết hôn trái pháp luật cho trên 3.500 phụ nữ… Các đối tượng buôn bán người hoạt động tinh vi bao nhiêu thì ngược lại các bị hại thường là nhẹ dạ, cả tin, và cuộc sống gia đình khó khăn nên dễ dàng mắc bẫy buôn người. Thủ đoạn gây án của bọn tội phạm thường là lừa đi xin việc làm, đi bán hàng, rủ lên biên giới chơi, đặt vấn đề yêu đương... để lừa bán sang Trung Quốc. Ngoài Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, tội phạm buôn người đã về các vùng trung du, đồng bằng như Phú Thọ, Hải Phòng, thậm chí cả Hà Nội gây án.
 
 
Tội phạm buôn bán người: Ngày càng tinh vi và phức tạp - Ảnh 1
Những bị cáo phạm tội “ mua bán phụ nữ” xuyên quốc gia bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử mới đây
Theo thống kê, từ năm 2005 đến tháng 6/2013, cả nước đã có 3.200 vụ mua bán người với 7.000 nạn nhân bị mua bán. Riêng trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 600 vụ lừa đảo, 1.300 nạn nhân, trong đó 80% bị bán ra nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Đại tá Lê Văn Chương, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Phòng chống tội phạm & ma túy (Bộ Công an) cho biết, tội phạm mua bán người là loại tội phạm nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia, liên quan đến đối ngoại. Đối tượng mua bán người chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp có tiền án, tiền sự… Hiện nay, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng và quốc tế hóa. Tại Việt Nam, tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi cả 63 tỉnh, TP, tập trung chủ yếu qua tuyến biên giới.

 Theo Đại tá Lê Văn Chương, trong 6 tháng đầu năm 2013, Cảnh sát Liên bang Nga đã xử lý 3 vụ, giải cứu đưa về nước 500 người Việt Nam bị lao động cưỡng bức, bất hợp pháp; Cảnh sát Malaysia giải cứu 23 phụ nữ Việt Nam bị bán làm gái mại dâm. Cơ quan chức năng của Việt Nam cũng phối hợp với các lực lượng của Trung Quốc, Lào, Campuchia, xác định được hơn 500 tụ điểm có dấu hiệu tội phạm mua bán người hoặc thu gom phụ nữ Việt hoạt động mại dâm... Để giải quyết thực trạng trên, Bộ Công an đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ xây dựng, ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế song phương và đa phương, trong đó ưu tiên những nơi đang có nhiều công dân Việt Nam bị mua bán như Malaysia, Hàn Quốc, Singapore… Bên cạnh đó, Quỹ bảo trợ công dân cũng sẽ được bổ sung kinh phí để hỗ trợ nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán ở nước ngoài; tập trung nguồn lực cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở những nước có đông nạn nhân Việt Nam bị mua bán, tăng cường trao đổi thông tin qua hoạt động ngoại giao và Interpol… Song song với các biện pháp nghiệp vụ, công tác tuyên truyền là hình thức hữu hiệu nhất để phòng ngừa hoạt động tội phạm buôn người. Mặt khác, chính quyền cơ sở cần quan tâm và có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cụ thể, mới mong loại tội phạm này bị xử lý triệt để.