Tội phạm vị thành niên: Đừng vội đổ lỗi cho trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2010 đến tháng 6/2015, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra 3.503 vụ vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện với 5.470 đối tượng. Đa số các đối tượng này đều không có nghề nghiệp, bỏ học, đi lang thang, tụ tập thành băng nhóm…

Đây là một trong nhiều số liệu thống kê được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh công bố tại buổi hội thảo “Tội phạm vị thành niên - Vấn đề bạo lực học đường - Thực trạng và giải pháp” ngày 8/11.

Tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm

Hẹn gặp T. (15 tuổi, ngụ Q. Bình Tân) tại một quán cà phê trong hẻm Q.3, suốt buổi trò chuyện, T. luôn cúi mặt, giấu ánh mắt lúc nào cũng sẵn sàng nhòe nước. Gia đình khá giả, ba mẹ đi làm suốt ngày nên luôn tìm cách bù đắp cho T. những khoản tiền lớn. Có tiền, T. lêu lổng với đám bạn xấu, suốt ngày nhốt mình trong các phòng game online. Một lần hết tiền, nghe bạn rủ rê đi cướp. T. làm theo. Qua mấy vụ trót lọt, T. trở thành tay giang hồ chuyên nghiệp lúc nào không hay.

 
Tội phạm vị thành niên: Đừng vội đổ lỗi cho trẻ - Ảnh 1

Một vụ bạo lực học đường do trẻ VTN gây ra. Ảnh minh họa
Tới ngày bị công an bắt đưa vào trại giáo dưỡng. Mẹ T. nức nở: “Mẹ có để con thiếu thốn gì đâu…”. Giờ nhớ lại, T. vẫn tức tưởi: “Cái em cần là một mái ấm, là tình thương, sự quan tâm của cha mẹ chứ không phải là những xấp tiền bạc triệu. Đến giờ, cha mẹ vẫn đổ lỗi em hư là do bạn bè lôi kéo chứ…”. Hỏi T., giờ tính làm gì. T. bộc bạch: “Hồi ở trại em có học qua nghề mộc. Chắc em sẽ đi theo nghề đó”.

T. chỉ là một trong số rất nhiều trẻ ở độ tuổi vị thành niên (VTN) phạm tội mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía gia đình. Nếu như trước đây, tội phạm VTN chủ yếu phạm vào các tội danh như trộm cắp, gây rối trật tự công cộng… thì nay, các em đã phạm vào nhiều loại tội danh khác nhau với tính chất và mức độ nguy hiểm ngày càng cao như cướp của giết người, thậm chí là giết người hàng loạt; có những vụ án còn sử dụng công nghệ cao, mạng internet, điện thoại di động, mạng xã hội facebook...

Từng nghiên cứu dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên, trong 5 năm qua (2010-2014), Trung tá - TS Trần Chiến Thắng (Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ Cảnh sát vũ trang, Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân) cho biết, qua nghiên cứu hơn 5.100 người chưa thành niên phạm tội có các biểu hiện sau: Về cảm nhận của các em trong gia đình: có hạnh phúc 41,48%, gia đình hạnh phúc bình thường 45,51%, gia đình không hạnh phúc 13,1%; Về hoàn cảnh kinh tế: các em sống trong gia đình giàu có, khá giả 14,56%, trung bình 63,92%, gia đình nghèo khó và rất nghèo là hơn 21%. Riêng về hoàn cảnh sống cùng cha mẹ là 57,4%, còn lại là sống với cha hoặc với mẹ và người thân khác như ông bà, cô dì, chú bác... “Có đến 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo và đối tượng lớn tuổi hơn, khả năng bị lôi kéo vào con đường phạm tội là rất cao. Các em đa số đều có biểu hiện hỗn láo với ông bà, cha mẹ và thầy cô. Hơn 60% đều có chơi game bạo lực”, TS Thắng nói.

Đáng chú ý, tội phạm VTN có xu hướng tăng lên về số lượng, mức độ nguy hiểm, đa dạng về biểu hiện và có xu hướng trẻ hóa. Cụ thể: từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ hơn 67%; từ đủ 14 tuổi đến đưới 16 tuổi gần 33%. Tuy nhỏ tuổi, nhưng tội phạm VTN đã xuống tay một cách tàn bạo với nạn nhân. Chỉ vì hận tình mà giết người; chỉ vì một cái nhìn “đểu” mà tập hợp băng nhóm sát phạt nhau bằng hung khí dẫn đến chết người; hay đơn giản là vì không được đáp lại tình yêu của bạn trong lớp mà dùng thủ đoạn với “tình địch”…

Do người lớn thiếu trách nhiệm

Nhiều nhận xét, trẻ VTN phạm tội ngày càng gia tăng là do các em không biết tự phòng vệ cho bản thân, mê chơi, đua đòi theo những thói hư tật xấu. Các em chỉ thích hưởng thụ, vui chơi ở các nhà hàng, karaoke, internet, các trò chơi trực tuyến đầy bạo lực, các loại phim ảnh khiêu dâm, sử dụng điện thoại di động sớm…

Tuy nhiên, TS Trương Hoàng Lệ (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng: “Chúng ta đừng vội đổ lỗi, quy kết tội cho các em. Thực ra, các em cũng chỉ là nạn nhân. Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do sự buông lỏng trong công tác quản lý, giáo dục của nhà trường, gia đình... Đặc biệt, sự nghèo nàn về tình cảm, cảm xúc trong đời sống hàng ngày, cộng với sự hụt hẫng về niềm tin, về những giá trị sống cao đẹp mà một bộ phận người lớn mang lại đã tác động rất lớn, làm méo mó quá trình hình thành nhân cách một bộ phận giới trẻ”.

Làm sao để giảm tỷ lệ tội phạm VTN và bạo lực học đường? Làm sao để giáo dục trẻ em là vấn đề làm đâu đầu các nhà quản lý, các chuyên gia về giáo dục. Đã có rất nhiều chương trình, hội thảo, tọa đàm, bàn tròn xoay quanh vấn đề này. Và rất nhiều giải pháp được đưa ra như: Tăng cường giáo dục và quản lý của gia đình đối với các con; Nêu gương điển hình “Người tốt việc tốt”; Tạo việc làm, nghề nghiệp cho trẻ VTN…

Nguyên Phó Giám đốc trường Tuyên huấn Trung ương II Tô Văn Giai cho rằng: “Cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ba bên: xã hội – nhà trường – gia đình, cha mẹ phải làm gương tốt cho con cháu noi theo. Đồng thời, cần coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức nhẹ nhàng, phong phú phù hợp với đặc điểm của giới trẻ”.

Theo TS Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): “Nhà nước nên bổ sung vào Luật Hôn nhân - gia đình quy định yêu cầu bất kỳ ai trước khi sinh con đều phải biết rõ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con; xử lý nghiêm những người có trách nhiệm nhưng không quan tâm, không chăm lo tốt cho con cái. Bởi lẽ, không có trẻ em nào hư cả mà những cái hư liên quan đến trẻ đều do người lớn không gương mẫu và thiếu trách nhiệm với con. Lúc còn làm công tác quản lý giáo dục, tôi vẫn kêu gọi đội ngũ nhà giáo hãy giáo dục học sinh bằng nụ cười. Nếu trẻ có chút ít tiến bộ cũng cần được khen, trao cho các em một nụ cười, từ đó trẻ sẽ lớn lên trong tình yêu thương, giảm bớt tình trạng bạo lực từ gia đình đến trường học”.